Thế nào là bệnh tự miễn?

Hệ thống miễn dịch trong cơ thể người có chức năng bảo vệ, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và bệnh tật. Tuy nhiên, ở một số người hệ thống miễn dịch bị rối loạn hoạt động nên quay ra tấn công lại chính các tế bào của cơ thể, từ đó sinh ra các bệnh được gọi chung là bệnh tự miễn. Bệnh tự miễn là bệnh nguy hiểm vì không thể điều trị khỏi hoàn toàn và gây nhiều biến chứng nặng.

1. Bệnh tự miễn là gì?

Bệnh tự miễn là bệnh xảy ra do bộ máy miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên. Tự kháng nguyên là thành phần của cơ thể, vì lý do nào đó trở thành vật lạ, tự kháng thể của cơ thể chống lại các tự kháng nguyên này làm bệnh tự miễn xảy ra.

Bệnh thường gặp ở người trẻ hoặc đứng tuổi (thường từ 20 đến 40 tuổi). Trẻ em và người già ít gặp hơn, nữ gặp nhiều hơn nam.

Bệnh tiến triển từng đợt, nặng dần (vì vậy bệnh có tên là bệnh tự duy trì) diễn tiến thường phức tạp, đa dạng từ cấp tính, tối cấp đến nhẹ, dai dẳng.

Bệnh tự miễn di truyền và thường có tính chất gia đình. Khi bị bệnh tự miễn có thể tổn thương đồng thời nhiều cơ quan.

2. Nguyên nhân gây nên bệnh tự miễn

Y học hiện đại đã xác định được một số nguyên nhân gây ra các bệnh tự miễn bao gồm:

  • Ô nhiễm môi trường: Bệnh tự miễn, nhất là bệnh lupus ban đỏ, sẽ nghiêm trọng hơn khi môi trường sống bị ô nhiễm. Những hóa chất như thủy ngân, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm tóc, bao ni lông... có thể gây tổn hại một cách trực tiếp lên hệ miễn dịch. Trong trường hợp này, bệnh tự miễn xảy ra là do các mô của cơ thể bị tổn hại và bị biến đổi đến nỗi hệ miễn dịch “nhận không ra”.
  • Nhiễm trùng: Đây cũng là nguyên nhân gây nên một số bệnh tự miễn như sốt thấp khớp, viêm cột sống....Các bệnh tự miễn này xảy ra có thể là do các tế bào của cơ thể tương tự như vi trùng, do vậy hệ miễn dịch thay vì tiêu diệt vi trùng, nó đã tấn công vào chính tế bào của cơ thể.
  • Xáo trộn vi khuẩn đường ruột: Có hàng tỉ vi khuẩn sống ở trong ruột có vai trò điều hòa hệ miễn dịch. Tuy nhiên do tình trạng lạm dụng kháng sinh quá mức và sử dụng thuốc ngừa thai vô tội vạ đã dẫn đến sự mất cân bằng của hệ vi sinh đường ruột gây nên các chứng tự miễn và các rối loạn miễn dịch.
  • Thiếu hụt vitamin D: Vitamin D có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của hệ miễn dịch, nó hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại ung thư, ngăn ngừa sự gắn kết của những thành phần chống lại hệ miễn dịch.

Thế nào là bệnh tự miễn?
Vitamin D có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của hệ miễn dịch

Hội chứng rò ruột: Khi hệ vi khuẩn đường ruột bị xáo trộn, sự tiêu hóa sẽ trở nên kém hiệu quả, màng nhầy ruột sẽ bị tổn hại. Hàng rào phân cách ruột và máu bị hóa giải. Các phần tử thức ăn sẽ thừa cơ hội từ ruột đi vào máu và tạo gánh nặng cho hệ miễn dịch làm cho hệ miễn dịch thay đổi dẫn đến sự tự miễn.

3. Các bệnh tự miễn thường gặp

Các bệnh chất tạo keo:

  • Bệnh tự miễn lupus ban đỏ: Do các tự kháng thể chống lại các kháng nguyên như ADN, Ro, Sm. Thường xảy ra ở nữ, trẻ (90%). Tổn thương nhiều cơ quan như:
    • Da: ban hình cánh bướm ở mặt, loét niêm mạc miệng, rụng tóc.
    • Cơ xương khớp: viêm, đau cơ, viêm nhiều khớp.
    • Thận: gây hội chứng thận hư.
    • Thần kinh: tổn thương nhiều nơi của thần kinh.
    • Tim mạch: viêm màng ngoài tim khô, có dịch, co thắt, viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc, nhồi máu cơ tim do viêm mạch vành, huyết khối mao mạch.
    • Phổi: viêm phổi kèm theo xẹp, xơ phổi, viêm màng phổi.
    • Huyết học: rối loạn đông máu, thiếu máu, tan máu.
    • Tiêu hóa: gây nên tình trạng tiêu chảy, thủng ruột, giả tắc ruột, viêm tụy cấp, tăng men gan.
    • Mắt: viêm mạch máu võng mạc gây mù, viêm loét kết mạc, viêm thần kinh thị, khô mắt.
  • Viêm khớp dạng thấp: Do tự kháng thể kháng HLA DR4, DR1, nguyên nhân khởi phát có thể là virus Epstein Barr.
  • Hội chứng Sjogren: Do tự kháng thể chống tế bào thượng bì ống nước bọt, tự kháng thể chống kháng nguyên nhân, gây hội chứng khô (mắt, nước bọt, mũi).

Bệnh nội tiết:

  • Viêm tuyến giáp mạn Hashimoto: Bệnh do tự kháng thể chống Thyroglobulin, chống Thyroperoxidase, vi tiểu thể. Thường xảy ra ở nữ, tuyến giáp có thể lớn hay không, thâm nhiễm lympho. Giai đoạn đầu có thể có cường giáp thoáng qua sau đó suy giáp, diễn tiến chậm, có thể kèm các bệnh tự miễn khác.
  • Bệnh Basedow do tự kháng thể TSI, TBII, TGI.
  • Đái tháo đường (typ 1) do tự kháng thể kháng đảo Langerhans, kháng glutamic acid decarboxylase, kháng tế bào bê ta.
  • Một số bệnh nội tiết tự miễn khác:
    • Addison tiên phát: tự kháng thể chống vỏ thượng thận.
    • Suy cận giáp tiên phát: tự kháng thể chống lại tế bào chính của tuyến cận giáp.
    • Vô tinh trùng tiên phát tự miễn: tự kháng thể chống tinh trùng.

Huyết học:

  • Thiếu máu ác tính Biermer: do tự kháng thể chống tế bào thành, tự kháng thể chống FI và tự kháng thể chống FI + Vitamin B12 gây thiếu máu ưu sắc, teo niêm mạc lưỡi, dạ dày kèm thâm nhiễm lympho.
  • Thiếu máu tan máu tự miễn do tự kháng thể chống kháng nguyên bề mặt hồng cầu tự nhiên gây nên, biểu hiện tan máu cấp hay mạn, xảy ra ở mọi lứa tuổi. Cấp, thường xảy ra ở trẻ em sau một số bệnh cấp như: viêm phổi do Mycoplasma, Eaton, quai bị, zona, thủy đậu, cúm, viêm gan siêu vi... Mạn, thường xảy ở người lớn sau các bệnh mạn như bạch cầu lympho mạn, lupus ban đỏ hệ thống, Hodgkin, nhược cơ, viêm đại trực tràng chảy máu, Basedow, xơ gan...
  • Giảm tiểu cầu tự miễn: Do tự kháng thể chống tiểu cầu, bệnh ít gặp hơn, gây ban xuất huyết giảm tiểu cầu mạn đơn độc hay kết hợp một số bệnh mạn như bệnh bạch cầu lympho mạn, hodgkin, lympho không hodgkin, u tuyến ức, thiếu máu tan máu , lympho ban đỏ hệ thống...
  • Bất sản tủy do tự kháng thể chống tế bào mầm tủy xương.
  • Giảm bạch cầu do tự kháng thể chống bạch cầu.
Thế nào là bệnh tự miễn?
Giảm bạch cầu do tự kháng thể chống bạch cầu

Thần kinh:

  • Bệnh nhược cơ nặng.
  • Xơ cứng rải rác do tự kháng thể chống myelin thường xảy ra ở người trẻ (15-40 tuổi) với các thương tổn thần kinh đa dạng, rối loạn cảm giác vận động, tiểu não, các thương tổn về mắt, thương tổn tủy xương, với các bất thường về tinh thần. Bệnh diễn tiến từng đợt nặng dần.
  • Hội chứng Guillain Barré viêm đa rễ dây thần kinh, chưa hiện rõ về tự kháng thể, gây liệt ngoại biên 2 chi dưới, dịch não tủy: phân ly đạm tế bào.

Tiêu hóa gan mật:

  • Xơ gan do mật tiên phát do tự kháng thể kháng Mitochondrie.
  • Viêm gan mạn tấn công do tự kháng thể chống cơ trơn, tự kháng thể chống lipoprotein của tế bào gan.
  • Bệnh Coeliakie: do tự kháng thể chống Reticuline.
  • Viêm loét đại tràng xuất huyết: chưa tìm thấy tự kháng thể.
  • Bệnh Crohn gây hẹp từng đoạn đường tiêu hóa nhất là đại tràng, lâm sàng và cận lâm sàng dễ lẫn với lao đại tràng, chưa tìm thấy tự kháng thể.

Thận:

  • Một số bệnh viêm cầu thận và viêm ống thận kẽ: do tự kháng thể chống kháng nguyên nhân và kháng nguyên u, kháng IgG.
  • Hội chứng Goodpasture: Do tự kháng thể chống màng nền cầu thận.

Phổi:

  • Hội chứng Goodpasture: Do tự kháng thể chống màng nền phế nang phổi. Viêm phế nang xơ hóa vô căn. Bệnh u hạt của Wegener, hai bệnh sau này chưa rõ tự kháng thể.

Da:

  • Pemphigus thật sự: Tự kháng thể chống chất liên bào của thượng bì. Pemphigus botü: tự kháng thể chống màng nền của thượng bì. Vitiligo tự kháng thể chống melanocyte.
  • Viêm mạch: Như các bệnh viêm động mạch thái dương, bệûnh u hạt của Wegener, bệnh Churg Strauss, viêm nút quanh động mạch. Các bệnh này chưa rõ tự kháng thể.

4. Biểu hiện khi mắc bệnh tự miễn

Bệnh tự miễn có thể tác động đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể và gây ra biến chứng nên đó là một trong những lý do khiến bệnh khó chẩn đoán. Theo chẩn đoán thì phụ nữ dễ đoán bệnh hơn nam giới. Một số biểu hiện khi mắc bệnh tự miễn bao gồm:

  • Sốt kéo dài dù có uống thuốc hạ sốt và tái phát liên tục.
  • Triệu chứng mệt mỏi thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, uể oải, không tập trung, mất tinh thần. Nếu thấy bị tình trạng này bạn nên đi khám sớm để tìm hiểu nguyên nhân để điều trị sớm.
  • Ngứa da, nổi mề đay, phát ban: Nhiều người dễ nhầm lẫn với bị dị ứng tuy nhiên khi hệ miễn dịch trong cơ thể bị suy yếu khiến da bị ngứa ngáy, hay nổi mề đay hoặc phát ban.
  • Tăng hoặc giảm cân bất thường: Nếu bạn cảm thấy trọng lượng cơ thể đột nhiên tăng hoặc giảm một cách bất thường thì nguyên nhân có thể do sự trao đổi chất trong cơ thể bị rối loạn, hệ miễn dịch thay đổi.
  • Sưng các tuyến ở khớp, cổ họng vì hệ miễn dịch tạo các kháng thể tự “hủy hoại” các mô tại các cơ quan.
  • Thay đổi trong nhu động ruột và quá trình trao đổi chất dị ứng thực phẩm hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa khiến bạn dễ bị dị ứng với thực phẩm hoặc gây nên tình trạng táo bón, tiêu chảy.

5. Làm cách nào để phòng tránh bệnh tự miễn

Thế nào là bệnh tự miễn?
Làm cách nào để phòng tránh bệnh tự miễn?

  • Để phòng tránh các bệnh tự miễn và bảo vệ hệ miễn dịch, thì cần duy trì một chế độ ăn uống phù hợp, nghỉ ngơi điều độ và hạn chế hút thuốc lá.
  • Không để mình quá béo hoặc béo phì vì béo cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh tự miễn, như viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp vẩy nến.
  • Cần duy trì việc khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm nhằm phát hiện sớm những bệnh nguy hiểm, trong đó có các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch. Đồng thời bạn cũng cần thường xuyên vận động chọn cho mình môn thể thao phù hợp để luyện tập đều đặn mỗi ngày.
  • Khi được phát hiện mình bị tự miễn bạn nên đi khám ngay để được tư vấn các phương pháp điều trị phù hợp, không nên tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc khiến bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn và gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Hiện nay mặc dù đã có nhiều loại thuốc và kỹ thuật mới ra đời để điều trị bệnh tự miễn xong cũng mới chỉ điều trị được triệu chứng của bệnh mà chưa thể khỏi hoàn toàn. Không ai bảo vệ được bản thân tốt nhất ngoài chính bạn nên mọi người cần tìm hiểu và nâng cao ý thức bảo vệ hệ miễn dịch của cơ thể bằng những phương pháp đơn giản hàng ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

167.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan