Phòng ngừa phù tay sau điều trị ung thư vú

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Phùng Thị Phương Chi - Bác sĩ Chuyên khoa Ung bướu - Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Việc phẫu thuật hay xạ trị tại vú và nách làm mất tính toàn vẹn của hệ bạch huyết xung quanh, dẫn đến ứ trệ dịch bạch huyết, từ đó gây phù tay. Tuy đây không phải là một biến chứng gây nguy hiểm tính mạng nhưng có thể làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

1. Vì sao bị phù tay sau điều trị ung thư vú?

Đối với bệnh ung thư nói chung và bệnh ung thư vú nói riêng, mục đích của điều trị là nhằm kéo dài thời gian sống, giảm khả năng tái phát khi bệnh ở giai đoạn sớm hay nhằm làm giảm triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân khi bệnh ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, khi chọn lựa bất kỳ hình thức điều trị nào, bên cạnh lợi ích mà chúng ta mong muốn lúc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ về tác dụng phụ, biến chứng do việc điều trị đó mang lại.

Phù bạch huyết
Ứ trệ dịch bạch huyết sau phẫu thuật tại vú và nách gây phù tay.

Một trong các biến chứng có thể gặp sau điều trị ung thư vú đó là phù tay. Việc phẫu thuật hay xạ trị tại vú và nách làm mất tính toàn vẹn của hệ bạch huyết xung quanh, dẫn đến ứ trệ dịch bạch huyết; từ đó gây phù tay. Hiện nay, chúng ta chưa biết tại sao phù tay chỉ xảy ra trên một số bệnh nhân mà không xảy ra trên tất cả các bệnh nhân ung thư vú. Tuy nhiên, chúng ta đã biết được một số các yếu tố làm tăng nguy cơ phù tay như: Có di căn hạch nách, phẫu thuật hay xạ trị vào vùng nách, béo phì, nhiễm trùng,...

2. Khi nào bị phù tay sau điều trị ung thư vú?

Phù tay có thể xuất hiện sớm hoặc muộn – thường sau 2 năm sau điều trị và có thể bị khởi phát bởi nhiễm trùng hay chấn thương. Ngoài ra, phù tay còn có hai dạng biểu hiện: Cấp tính và mạn tính. Nếu biểu hiện cấp tính, nó sẽ xuất hiện sớm sau phẫu thuật và có thể thoáng qua hoặc tự khỏi trong vòng 3 - 6 tháng. Nếu biểu hiện mãn tính, phù tay xuất hiện tăng dần và kéo dài ít nhất 3 tháng. Một khi tình trạng phù tay xảy ra mãn tính, nó có thể được kiểm soát nhưng thường không thể hết hoàn toàn. Tuy đây không phải là một biến chứng gây nguy hiểm tính mạng nhưng nó có thể làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của bạn.

Mục tiêu của chúng ta khi muốn phòng ngừa hay điều trị phù tay nhằm:

  • Tăng cường lưu thông bạch huyết ở tay bên bệnh.
  • Giúp hệ bạch huyết của các phần khác của cơ thể hoạt động hiệu quả hơn.
  • Ngăn chặn các biến chứng do phù tay gây ra.

3. Làm cách nào để phòng ngừa phù bạch huyết cánh tay?

Nếu bạn là người có nguy cơ phù tay nêu ở trên, bạn nên thực hiện các biện pháp sau đối với tay bên bệnh để giảm nguy cơ và giảm mức độ nghiêm trọng nếu phù tay tiến triển:

3.1. Chăm sóc da cẩn thận

  • Giữ cho làn da sạch sẽ. Rửa bằng xà phòng dịu nhẹ mỗi ngày.
Rửa tay bằng xà phòng
Rửa tay bằng xà phòng dịu nhẹ mỗi ngày.

  • Sử dụng kem dưỡng da vào buổi sáng và tối bằng các loại sản phẩn có độ pH trung tính để giữ cho làn da của bạn khỏi bị khô và nứt nẻ. Thoa kem nhẹ nhàng và theo chiều lông mọc.
  • Khi đi ra ngoài, luôn sử dụng kem chống nắng có số SPF trên nhãn tối thiểu 30.
  • Không tắm hơi và tránh nhiệt độ quá lạnh.

3.2. Tránh viêm nhiễm hay chấn thương

  • Không cắt vùng da thừa xung quanh móng.
  • Khi cần cạo lông nách, sử dụng dao cạo điện hay kem làm rụng lông thay vì dùng lưỡi dao cạo.
  • Đeo găng tay khi làm vườn, nấu ăn hoặc khi làm những việc có thể làm tổn thương da của bạn.
  • Sử dụng kem chống côn trùng, chống muỗi đốt.
  • Nếu bị một vết xước nhỏ hoặc bị côn trùng cắn, hãy rửa sạch bằng xà phòng và nước, sau đó bôi kem kháng khuẩn. Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu có tình trạng viêm đỏ xung quanh vết thương hay vết thương không lành.
  • Tránh lấy máu hay tiêm truyền trên tay bên bệnh.
  • Khi ngủ tránh nằm nghiêng bên bệnh.

3.3. Tập thể dục

  • Tăng cường vận động. Chú ý tập vai, tập tay và tập hít thở sâu.
  • Thực hiện các động tác một cách nhẹ nhàng, dần dần tăng về số lượng và cường độ của bài tập tới mức độ vừa phải, phù hợp với thể lực của bạn.
  • Tránh các động tác mạnh hay các động tác phải thực hiện trong khoảng thời gian kéo dài, chẳng hạn như nâng, đẩy, chà, kéo hay mang vác nặng.

3.4. Các phương pháp khác:

  • Giữ cân nặng lý tưởng bằng chế độ ăn hợp lý và tăng cường vận động.
  • Khi đi máy bay, bạn nên mang găng tay băng ép trước, trong và sau vài tiếng nếu chuyến bay kéo dài hơn 4 tiếng rưỡi.
  • Ngoài ra, bạn nên đo kích thước 2 tay thường xuyên. Dù đây không phải là một biện pháp phòng ngừa nhưng nó giúp phát hiện phù tay ở giai đoạn sớm và vì thế sẽ dễ kiểm soát hơn.

4. Phù tay có điều trị được không?

Khi phù tay đã xuất hiện, chúng ta không có cách nào để điều trị hết phù hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát, không cho nó tiến triển nặng hơn, giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa viêm nhiễm. Việc điều trị phù tay nên phối hợp cùng lúc nhiều biện pháp để mang lại hiệu quả tối đa và nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Các biện pháp điều trị phù tay bao gồm:

Chăm sóc da và tránh viêm nhiễm hay chấn thương.

Tập thể dục: Chú ý: luôn mang găng tay băng ép hay áo ngực ép chuyên dụng khi tập để đạt hiệu quả tốt

Nâng cao tay:

  • Nâng tay ở vị trí cao hơn tim nhưng dưới vai khi bạn ngồi nghỉ, bằng cách đặt một chiếc gối nhỏ dưới cẳng tay.
  • Không nên nâng cao tay quá vai quá lâu.
  • Không nên để tay ở cùng một vị trí quá lâu.

Băng ép bằng găng tay:

  • Không nên sử dụng khi phù tay nhiều và da bị tổn thương.
  • Nên chọn lựa kích cỡ găng tay phù hợp với mức độ phù của bạn. Khi mang, bạn nên có được cảm giác thoải mái, không quá chặt cũng không quá lỏng.
  • Nên mang cả ngày và tháo ra vào ban đêm.
  • Trong thời tiết nóng, bạn có thể thấy khó chịu khi mang. Khi đó bạn có thể mua loại găng tay làm bằng chất liệu cotton hoặc làm lạnh găng tay trước khi mang bằng cách đặt nó trong túi nhựa và để vào tủ lạnh.
  • Nên vệ sinh găng tay theo hướng dẫn của nhà sản xuất và thay găng tay mới mỗi 6 tháng để đảm bảo mức ép phù hợp với tình trạng phù tay của bạn.
  • Hiệu quả của việc mang găng tay băng ép cao nhất khi bạn phối hợp với vận động và ít hiệu quả nhất khi bạn nghỉ ngơi. Do đó, nếu bạn cảm thấy khó khăn khi mang găng tay băng ép, ít nhất hãy cố gắng mang nó trong khi bạn vận động (ví dụ như tập thể dục, làm vườn, làm việc nhà,...)

Băng ép bằng gạc quấn:

  • Được ưu tiên sử dụng khi phù tay nhiều và da bị tổn thương.
  • Bạn sẽ được băng quấn nhiều lớp lên tay bị phù mỗi 1 - 2 ngày và trong thời gian khoảng 2 - 4 tuần đến khi phù giảm. Sau đó, bạn có thể được chuyển sang sử dụng găng tay băng ép để duy trì hiệu quả, tiếp tục kiểm soát phù tay.

Massage:

Massage bàn tay
Massage tay hàng ngày.

Nên thực hiện hàng ngày và không thay đổi trình tự của các động tác. Không thoa dầu hay kem trên da trong lúc massage để đảm bảo độ ma sát giữa bàn tay và da.

Phẫu thuật: Hiện có các biện pháp như nối bạch huyết - tĩnh mạch, ghép hạch, cắt bỏ, hút mỡ, ghép hạch bạch huyết cùng với tái tạo vi phẫu.

Miếng dán cơ Kinesio: Băng Kinesio là một loại băng dán đặc biệt thường được sử dụng trong chấn thương thể thao. Nó giúp nâng da trong quá trình di chuyển thúc đẩy dẫn lưu bạch huyết. Ngoài ra nó cũng có thể làm mềm và giảm xơ cứng.

Trên đây là những kiến thức về biến chứng phù tay sau điều trị ung thư vú. Phù tay hoàn toàn có thể điều trị nếu người bệnh tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc điều trị và chăm sóc da. Chúc bạn khỏe mạnh.

>>Xem thêm: Bài tập phục hồi chức năng sau điều trị ung thư vú- Bài viết của Thạc sĩ Vũ Văn Minh - Kỹ thuật viên trưởng tại Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan