Có máu trong sữa mẹ: Bình thường hay bất thường?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Th.S, Bs.Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Thỉnh thoảng một phụ nữ đang nuôi con bú có thể nhận thấy rằng có máu trong sữa mẹ. Tình huống này nhận thấy sau khi bạn vắt sữa hoặc sau khi bé đã nhè một ít sữa mẹ trong khi bú. Đây là mối lo lắng của không ít bà mẹ bỉm sữa, nhất là những người sinh con đầu lòng.

1. Những yếu tố gì ảnh hưởng đến màu sắc của sữa mẹ?

Sữa người có nhiều màu sắc khác nhau. Nếu bạn phải dùng dụng cụ hút sữa, bạn có thể thấy rất nhiều sự thay đổi về màu sắc. Trong khi sữa công thức luôn trông giống nhau, thành phần và tình trạng của sữa người thay đổi liên tục đôi khi trong suốt cả ngày và thậm chí trong một lần hút hoặc cho bé bú.

Sữa mẹ có thể có màu trắng, vàng, trong hoặc đôi khi còn có màu xanh. Thành phần trong nhiều loại thực phẩm hay đồ uống mà người mẹ tiêu thụ trong ngày đều có thể bài tiết vào trong sữa mẹ theo nhiều cách khác nhau. Sau đây là các nhận định phổ biến:

  • Chế độ ăn nhiều rau củ có màu vàng, cam khiến cho hàm lượng carotene tăng cao trong sữa và làm cho sữa có thể chuyển sang màu vàng hoặc cam. Các mẹ nên yên tâm vì carotene là hoàn toàn vô hại với trẻ sơ sinh.
  • Màu thực phẩm được sử dụng trong nước ngọt có ga, nước trái cây và các món tráng miệng gelatin có thể khiến sữa có màu hồng hoặc hồng cam.
  • Sữa có màu xanh được xem là có liên quan khi mẹ ăn nhiều rau củ màu xanh lá cây, như rong biển, cải xanh...
  • Sữa mẹ khi đem đi đông lạnh có thể trông hơi vàng.
  • Sữa mẹ màu hồng có thể được xem là có máu trong sữa. Nguồn gốc thường gặp là từ núm vú bị nứt hay máu trong sữa đã được quan sát thấy ngay từ lúc đầu.
  • Sữa nâu có thể được gây ra từ “hội chứng ống gỉ”. Khi mang thai và trong vài ngày đầu sau khi sinh, các ống dẫn và tế bào tiết sữa trong vú cần phát triển và căng ra, máu chảy ra ngực và đôi khi rò rỉ vào ống dẫn sữa. Điều này làm cho sữa của bạn có màu nâu hoặc màu rỉ sét.
Hướng dẫn lưu trữ sữa mẹ khoa học
Tình trạng có máu trong sữa mẹ có thể do chế độ ăn uống

2. Cách nhận biết dấu hiệu có máu trong sữa mẹ như thế nào?

Theo các yếu tố hình thành nên màu sắc của sữa mẹ như trên, khi có một ít máu trong sữa mẹ trong những ngày đầu cho con bú là khá phổ biến do những thay đổi sinh lý bên trong. Một lượng nhỏ máu thường sẽ không được chú ý trừ khi người mẹ đang hút sữa hoặc đứa trẻ bị nôn trớ.

Nếu một lượng máu đáng kể trong sữa đã bị nuốt phải, trẻ còn có thể có những vệt máu đen trong phân con bé hay phân thậm chí có thể có màu đen như hắc ín, mùi tanh hôi nặng nề.

Nếu chảy máu vẫn tiếp tục trong vài ngày đầu tiên hòa vào dòng sữa mẹ, mẹ nên thăm khám và được kiểm tra, tìm nguyên nhân để can thiệp tích cực với các bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa.

3. Các nguyên nhân có máu trong sữa mẹ là gì?

Nguyên nhân phổ biến về sự hiện diện của máu trong sữa mẹ bao gồm:

3.1. Hội chứng ống gỉ

Hội chứng ống gỉ” là khi ống dẫn và tế bào làm sữa phát triển quá nhanh và căng lớn ra sau khi sinh. Lúc này, một lượng máu nhỏ được nhìn thấy trong sữa mẹ trong tuần đầu tiên hoặc cả những tuần sau đó.

Hiện tượng này không gây nguy hiểm gì cho mẹ hoặc em bé. Thỉnh thoảng khi em bé nuốt phải máu, trẻ có thể có phản xạ nôn trớ do máu làm kích thích nhưng thực sự là không có hại gì. “Hội chứng ống gỉ” thường biến mất sau 7 đến 10 ngày sau khi sinh. Trong thời gian này, không được làm gián đoạn quá trình nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.

3.2. Núm vú bị nứt

Nếu núm vú bị nứt hoặc bị tổn thương khi cho bé bú thì hiện tượng chảy máu vào trong sữa sẽ được quan sát thấy rất rõ ràng.

Nguồn gốc của máu và sữa là hoàn toàn khác nhau. Đôi khi việc chủ động hút sữa bằng dụng cụ có thể hạn chế tổn thương núm vú, giúp có thời gian được lành lại trong những ngày đầu chưa biết tư thế bồng con cho bú đúng cách.

3.3. Tổn thương các mao mạch ở vú

Tổn thương trên vú khi vắt sữa bằng tay hoặc sử dụng máy hút có lực hút quá mạnh thì có thể gây chảy máu từ các mao mạch bên trong nhu mô vú.

Các tuyến tiết sữa của mô vú hình thành rất nhanh trong thai kỳ. Chính vì thế, hệ thống mạch máu nuôi dưỡng cũng phải tăng trưởng nhanh nên có cấu trúc mỏng manh, rất dễ bị vỡ khi tác dụng lực quá lớn.

3.4. Viêm vú

Nhiễm trùng vú có thể gây chảy máu từ núm vú

Dấu hiệu viêm tuyến vú
Viêm vú là một trong những nguyên nhân gây có máu trong sữa mẹ

3.5. Pailloma mô vú

Papilloma là một sự tăng trưởng lành tính trên niêm mạc ống dẫn sữa. Nếu bị chảy máu, tình trạng này khiến cho máu có màu hồng.

Đây thường không phải là sang thương của ung thư và cũng không gây đau nhưng có thể gây chảy máu vào ống dẫn sữa khi cho con bú hoặc dùng lực bơm hút sữa. Dù vậy, việc cho con bú vẫn cần phải tiếp tục và nếu không khiến trẻ bị kích ứng gì. Ngược lại, nếu trẻ bị rối loạn tiêu hóa do nuốt sữa có lẫn máu, người mẹ có thể cần trì hoãn cho bú đến khi hết máu, thường mất từ 3 - 7 ngày.

3.6. Xơ hóa mô vú

Vú xơ hóa là tình trạng chung cho một nhóm các triệu chứng trong mô tuyến vú bao gồm đau vú, khối u đặc và u nang.

Tình trạng này hoàn toàn không phải là chống chỉ định đối với việc cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời ngoại trừ khi trẻ vẫn có khả năng dung nạp tốt lượng sữa mẹ hằng ngày.

3.7. Ung thư vú

Trong phần lớn các trường hợp, máu trong sữa mẹ có thể không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, một số dạng nguyên nhân ác tính như ung thư vú lại cần can thiệp sớm nhằm cải thiện dự hậu lâu dài.

4. Máu trong sữa mẹ có gây ảnh hưởng gì cho trẻ hay không?

Máu trong sữa mẹ vẫn được xem là an toàn để nuôi con hoàn toàn trong giai đoạn 6 tháng đầu đời. Chính vì thế, việc này không nên trì hoãn hay bị gián đoạn nếu trẻ không có biểu hiện không dung nạp gì.

Tuy nhiên, nếu người mẹ đã có bất kỳ các loại bệnh lây truyền qua máu đã biết từ trước, như viêm gan, HIV, giang mai, thì việc nuôi con bằng sữa mẹ nên được tham khảo ý kiến các ​​bác sĩ càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, máu trong sữa mẹ có thể ảnh hưởng đến em bé của bạn theo một số cách thức như sau:

  • Thay đổi vị giác của bé về sữa mẹ: Con bạn có thể không thích mùi vị của sữa mẹ do có máu và trở nên bú ít hơn hoặc quấy khóc khi vú.
  • Máu trong phân của bé: Mẹ có thể quan sát thấy em bé đi phân có máu.
  • Trẻ bị đầy bụng hay nôn trớ: Trẻ vẫn có thể nuốt được nhưng phản ứng của dạ dày và máu trong sữa là trẻ kém dung nạp.

5. Cần phải làm gì khi có máu trong sữa mẹ?

  • Điều trị núm vú bị nứt: Nếu máu rõ ràng là từ núm vú bị tổn thương, bạn tạm ngưng cho con bú và cần phải điều trị núm vú cho đến khi lành lặn.
  • Tư vấn, hướng dẫn cho con bú đúng cách: Một trong những nguyên nhân gây chảy máu núm vú là không biết tư thế cho con ngậm bắt bú.
  • Theo dõi các dấu hiệu viêm vú: Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng giống như cúm, sốt, đỏ ở trong hoặc xung quanh vú, đau nhức thì bạn có thể đã bị viêm vú và cần được bác sĩ điều trị ngay lập tức.
  • Tiếp tục cho con bú hoặc bơm hút sữa: Vì máu trong sữa mẹ vẫn được xem là an toàn cho em bé, hãy tiếp tục cho con bú. Nếu chưa biết cách cho con bú đúng tư thế, người mẹ có thể dùng dụng cụ hút sữa. Bởi lẽ vì việc ngừng cho con bú đột ngột có thể dẫn đến nhiều vấn đề nặng nề khác như ống dẫn sữa bị tắc, viêm vú, giảm sản xuất sữa...

Có máu trong sữa mẹ sẽ không còn là một vấn đề đáng sợ khi nắm vững các thông tin cần biết trên đây. Từ đó, mỗi người phụ nữ sẽ trở thành những bà mẹ nuôi con bú có kiến thức, vừa bảo vệ sức khỏe cho chính mình, vừa đảm bảo nguồn dinh dưỡng và phát triển cho con trong những năm tháng đầu đời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: hellomotherhood.com, healthline.com,verywellfamily.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

52.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan