Dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là một tình trạng bất thường khi các mô vốn thuộc về tử cung lại phát triển ở các vị trí khác và có thể gây những hậu quả nhất định.

1. Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung là thuật ngữ chỉ tình trạng các mô nội mạc vốn có nguồn gốc từ tử cung lại phát triển ở các vị trí bên ngoài tử cung. Lạc nội mạc tử cung thường thấy xuất hiện nhất ở các vị trí là hai bên buồng trứng, ống fallop; hiếm gặp hơn, lạc nội mạc tử cung có thể lan ra ngoài các tạng của vùng tiểu khung.

Khi lạc nội mạc tử cung xuất hiện ở buồng trứng, các u nang buồng trứng dạng lạc nội mạc tử cung có thể hình thành. Quanh các vị trí lạc nội mạc tử cung sẽ bị kích thích, tiến triển các mô sẹo và gây dính giữa các mô với các cơ quan vùng tiểu khung.

Lạc nội mạc tử cung có thể gây đau, đôi khi đau mức độ nặng, đặc biệt là trong chu kỳ kinh nguyệt. Đồng thời, các vấn đề với khả năng sinh sản cũng có thể xuất hiện. Tuy nhiên có những phương pháp điều trị hiệu quả đối với lạc nội mạc tử cung.

Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ

2. Các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung

Biểu hiện cơ bản nhất của lạc nội mạc tử cung là đau vùng tiểu khung, và thường có mối liên quan với chu kỳ kinh nguyệt.

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của lạc nội mạc tử cung bao gồm:

  • Đau nặng trong chu kỳ kinh nguyệt: Các cơn đau ở vùng tiểu khung có thể bắt đầu trước kỳ kinh và kéo dài thêm vài ngày vào trong chu kỳ kinh, đồng thời bệnh nhân cũng có thể xuất hiện đau vùng lưng dưới và đau bụng.
  • Đau khi quan hệ tình dục: Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục là thường gặp đối với lạc nội mạc tử cung.
  • Đau khi có nhu động đại tràng hoặc khi tiểu tiện: Những cơn đau này thường diễn ra trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Ra máu quá mức: Đôi khi có thể gặp cường kinh hoặc ra huyết giữa chu kỳ kinh khi có lạc nội mạc tử cung.
  • Vô sinh: Lạc nội mạc tử cung đôi khi được chẩn đoán khi bệnh nhân đi khám và tìm phương pháp điều trị vô sinh.
  • Các dấu hiệu và triệu chứng khác: Bệnh nhân có thể xuất hiện các biểu hiện như mệt mỏi, tiêu chảy, táo bón, chướng bụng hoặc buồn nôn, đặc biệt trong khi đang có kinh.
Dấu hiệu bất thường sau kinh nguyệt
Ra máu quá mức cảnh báo bệnh lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung đôi khi bị nhầm lẫn với các tình trạng bệnh lý gây đau vùng tiểu khung khác, chẳng hạn như: Bệnh viêm vùng chậu, hoặc u nang buồng trứng. Đôi khi lạc nội mạc tử cung khó phân biệt với hội chứng ruột kích thích, bởi hội chứng ruột kích thích cũng gây các đợt tiêu chảy, táo bón và đau quặn bụng, hơn nữa hội chứng ruột kích thích có thể cùng xuất hiện với lạc nội mạc tử cung, khiến việc chẩn đoán thêm phức tạp.

3. Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung

Để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung và các nguyên nhân gây đau vùng tiểu khung khác, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng tìm các dấu hiệu gợi ý lạc nội mạc tử cung, cũng như chỉ định xét nghiệm, bao gồm:

  • Thăm âm đạo: Trong quá trình thăm âm đạo, bác sĩ sẽ xem xét tìm những bất thường ở khu vực tiểu khung, chẳng hạn như u nang ở cơ quan sinh sản. Thông thường với lạc nội mạc tử cung nhỏ thì không thể tìm thấy, trừ khi nó hình thành u nang.
  • Siêu âm: Bác sĩ có thể chỉ định siêu âm ổ bụng hoặc siêu âm bằng đầu dò âm đạo để xem xét tình trạng của cơ quan sinh sản. Siêu âm không hẳn sẽ luôn chỉ ra được bệnh nhân có bị lạc nội mạc tử cung hay không, nhưng sẽ phát hiện ra được u nang do lạc nội mạc tử cung tạo nên.
  • Chụp cộng hưởng từ (magnetic resonance imaging - MRI): Kết quả chụp cộng hưởng từ cung cấp cho bác sĩ hình ảnh chi tiết về tình trạng của các cơ quan, từ đó cho phép xác định chính xác vị trí và kích thước của lạc nội mạc tử cung, hỗ trợ lên kế hoạch điều trị thích hợp.
  • Nội soi ổ bụng: Đây là một phương pháp vừa cho phép quan sát để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, vừa cho phép can thiệp điều trị ngay trong lúc thực hiện.
Nguyên lý hoạt động của chụp cộng hưởng từ
Chụp cộng hưởng từ giúp chẩn đoán bệnh

4. Điều trị lạc nội mạc tử cung

Phương pháp điều trị chính đối với lạc nội mạc tử cung là dùng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật, dựa trên mức độ của các dấu hiệu và triệu chứng cũng như ý định mang thai trong tương lai của bệnh nhân. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị bảo tồn trước khi chỉ định biện pháp phẫu thuật.

4.1 Thuốc giảm đau

Các thuốc giảm đau được sử dụng trong chu kỳ kinh nguyệt giúp bệnh nhân giảm nhẹ triệu chứng đau. Thuốc hay sử dụng là thuốc thuộc nhóm giảm đau không steroid (nonsteroidal anti inflammatory drugs - NSAIDs) như ibuprofen hay naproxen sodium. Thuốc giảm đau có thể kết hợp với liệu pháp nội tiết tố nếu bệnh nhân không có ý định mang thai.

4.2 Liệu pháp nội tiết tố

Liệu pháp nội tiết tố là một phương cách để giảm đau hiệu quả cho bệnh nhân, tuy nhiên nó chỉ có thể giảm đau chứ không thể làm lạc nội mạc tử cung biến mất hoàn toàn. Do đó các triệu chứng sẽ tái phát nếu ngừng liệu pháp.

4.3 Phẫu thuật

Nếu bệnh nhân lạc nội mạc tử cung muốn mang thai, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật loại bỏ lạc nội mạc tử cung nhưng bảo tồn tử cung và buồng trứng để làm tăng khả năng thụ thai. Nếu triệu chứng đau của bệnh nhân quá nghiêm trọng, phẫu thuật sẽ được tính tới, tuy nhiên lạc nội mạc tử cung vẫn có thể tái phát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan