Hiểu đúng về tình trạng chảy máu khi mang thai

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Chuyên khoa II - Nguyễn Thị Minh Tuyết - Trưởng Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Hiện tượng chảy máu khi mang thai không phải là hiếm gặp. Tuy nhiên trên thực tế, thai phụ đừng quá lo lắng, bởi có rất nhiều phụ nữ đã trải qua triệu chứng này nhưng sau đó vẫn “mẹ tròn con vuông”.

1. Chảy máu khi mang thai có phải là bệnh lý?

Hiện tượng ra máu khi mang thai có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Đôi khi, đây là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng. Mẹ bầu có thể ra máu khi mang thai tháng đầu hoặc các tháng sau của thai kỳ. Tuy nhiên, chảy máu trong giai đoạn đầu thường gặp hơn. Đa số các trường hợp thai phụ bị ra máu không phải là bệnh lý. Mặt khác, chảy máu khi mang thai giai đoạn cuối thường nghiêm trọng hơn. Khi nhận thấy triệu chứng xuất huyết, tốt nhất sản phụ nên đến bệnh viện để thăm khám với bác sĩ sản phụ khoa để được chăm sóc và điều trị kịp thời.

2. Hiện tượng ra máu khi mang thai có phổ biến không?

Hiện tượng ra máu trong ba tháng đầu của thai kỳ xảy ra với khoảng 15% - 25% phụ nữ mang thai. Chảy máu nhẹ hoặc lốm đốm máu thường gặp trong vòng 1 - 2 tuần sau khi thụ tinh. Cổ tử cung là khu vực dễ xảy ra chảy máu nhất, vì vùng này có rất nhiều mạch máu phát triển trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể bị ra máu khi quan hệ tình dục, sau khi làm xét nghiệm Pap hoặc khám phụ khoa.

3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ra máu trong thời kỳ đầu mang thai

3.1 Sẩy thai

Sẩy thai (hay hư thai) là cái chết tự nhiên của thai nhi trong 13 tuần đầu. Tỷ lệ sẩy thai xảy ra trong khoảng 10% các trường hợp mang thai. Chảy máu và chuột rút là hai dấu hiệu sẩy thai thường gặp. Tuy nhiên, khoảng một nửa số phụ nữ bị hư thai không hề bị ra máu trước đó.

3.2 Mang thai ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng được thụ tinh không cấy vào tử cung như bình thường, mà thay vào đó là cấy vào một nơi khác (bên ngoài tử cung), thường là ở một trong các ống dẫn trứng. Nếu vỡ ống dẫn trứng, thai phụ sẽ bị ra máu. Mất máu quá nhiều có thể khiến cho thai phụ yếu, ngất, đau, sốc, thậm chí tử vong.

Đôi khi, chảy máu âm đạo là dấu hiệu duy nhất của mang thai ngoài tử cung. Các triệu chứng khác bao gồm đau bụng, đau xương chậu hoặc đau vai. Những triệu chứng này có khả năng xảy ra trước khi bạn biết mình có thai.

Mang thai ngoài tử cung gây chảy máu âm đạo
Mang thai ngoài tử cung gây chảy máu âm đạo

4. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ra máu trong giai đoạn sau

Những nguyên nhân phổ biến gây chảy máu nhẹ khi mang thai ở các tháng sau, bao gồm: viêm nhiễm hoặc tăng sinh tế bào cổ tử cung. Xuất huyết nặng là dấu hiệu nghiêm trọng hơn. Chảy quá nhiều máu có khả năng xuất phát từ vấn đề nào đó liên quan đến nhau thai. Đây còn có thể là dấu hiệu chuyển dạ sinh non. Nếu bạn bị chảy máu trong các tháng cuối của thai kỳ, hãy đến bệnh viện ngay lập tức.

4.1 Những vấn đề về nhau thai

Một số vấn đề liên quan đến nhau thai có thể dẫn đến chảy máu trong các tháng cuối của thai kỳ:

  • Đứt nhau thai: Đối với trường hợp này, nhau thai tách rời khỏi thành tử cung trước hoặc trong khi sinh. Những dấu hiệu phổ biến nhất là xuất huyết âm đạo, đau bụng và đau lưng. Đứt nhau thai có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm. Em bé có khả năng không nhận đủ oxy, và mẹ bầu có thể mất một lượng máu rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của cả mẹ và bé.
  • Nhau tiền đạo (rau tiền đạo): Xảy ra khi nhau thai nằm ở vị trí thấp nhất của tử cung, dẫn đến việc bánh nhau che mất một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung. Hiện tượng này được gọi là nhau tiền đạo, biểu hiện chảy máu âm đạo những không gây đau. Một số trường hợp rau tiền đạo tự hết sau khoảng 32 đến 35 tuần thai khi phần dưới của tử cung kéo dài ra ngoài. Quá trình sinh để có thể diễn ra bình thường. Tuy nhiên, nếu nhau thai không tự hết được, sản phụ sẽ cần thực hiện lấy con ra sớm bằng cách sinh mổ.
  • Nhau cài răng lược: Khi nhau thai (hoặc một phần của nhau thai) bám dính vào thành tử cung và không thể tách rời. Nhau cài răng lược gây ra chảy máu trong tam cá nguyệt thứ ba và mất máu nghiêm trọng trong khi sinh, đe dọa tính mạng thai phụ. Hầu hết các ca này được phát hiện trong khi siêu âm, khám thai định kỳ. Đôi khi, tình trạng này không được phát hiện cho đến khi em bé được sinh ra. Bác sĩ sản khoa sẽ chuẩn bị cẩn thận cho việc lâm bồn của bạn và đảm bảo xử lý kịp thời với mọi tình huống xảy ra. Tuy nhiên, thai phụ nên lựa chọn sinh con tại một bệnh viện uy tín có chuyên khoa về sản. Phẫu thuật cắt tử cung thường phải thực hiện ngay sau khi sinh để tránh thai phụ mất quá nhiều máu.
Nhau cài răng lược là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm cho cả mẹ và bé
Nhau cài răng lược là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm cho cả mẹ và bé

4.2 Dấu hiệu sinh non

Hiện tượng ra máu khi mang thai có thể là dấu hiệu của chuyển dạ, đặc biệt là các tháng cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, nếu chuyển dạ xuất hiện trước tuần thai thứ 37, rất có khả năng đó là dấu hiệu của sinh non. Những biểu hiện khác của chuyển dạ sinh non bao gồm:

  • Thay đổi về dịch tiết âm đạo (âm đạo trở nên ẩm ướt, nhiều chất nhầy, có thể lẫn máu) hoặc tăng lượng dịch tiết âm đạo.
  • Cảm thấy áp lực lên vùng chậu hoặc dưới bụng
  • Đau lưng dưới liên tục, âm ỉ
  • Chuột rút nhẹ ở bụng, có thể kèm theo tiêu chảy
  • Co thắt tử cung liên tục, nhưng thường không đau (xảy ra 4 lần mỗi 20 phút, hoặc 8 lần trong một giờ, liên tục trong vài giờ)
  • Vỡ ối (nước ối tháo ra rất nhiều hoặc rỉ ra một cách từ từ)

Chị em khi mang thai bị ra máu cần phải đến bệnh viện thăm khám bác sĩ ngay lập tức, thậm chí khi đã ngưng chảy máu. Thai phụ sẽ được khám âm đạo, thực hiện siêu âm, làm xét nghiệm máu và nước tiểu để đánh giá tình trạng chảy máu khi mang thai, từ đó tìm ra nguyên nhân và phương hướng xử lý tối ưu nhất.

Chảy máu khi mang thai thường xuất hiện ở 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Đây đều là thời điểm nhạy cảm và cũng là dấu hiệu của những bệnh lý cực kỳ nguy hiểm như: thai ngoài tử cung, sảy thai, đứt nhau thai, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, sinh non. Bởi vậy, bạn không nên chủ quan, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Acog.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

384.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan