Những nguy cơ của song thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCKI Trương Nghĩa Bình - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Theo các chuyên gia Y tế, khi mang song thai thai, sản phụ dễ bị sảy thai nhất là 3 tháng đầu thai kỳ, tỷ lệ thai bất thường, dị tật cũng cao hơn so với đơn thai. Hiểu biết về các nguy cơ của song thai, sẽ giúp sản phụ giảm bớt những bất ngờ trên quãng hành trình mẹ cần vượt qua và tăng nhận thức của mẹ về các triệu chứng rắc rối tiềm ẩn.

1. Nguy cơ của mẹ khi mang song thai

1.1 Sinh non

Sinh non: Thai kỳ song thai không chỉ gây nguy hiểm cho trẻ, mà còn gây nguy hiểm cho mẹ. Tỷ lệ thai phụ mang song thai sinh non là rất cao, nguy hiểm hơn có thể đe dọa đến cả tính mạng sản phụ và thai nhi nếu không được cấp cứu kịp thời.

1.2 Tăng huyết áp thai kỳ

Tăng huyết áp thai kỳ (PIH) là tình trạng tăng huyết áp suốt thời gian mẹ mang thai. Các ca song thai có tình trạng tăng huyết áp thai kỳ gấp ba đến bốn lần các ca đơn thai. Nếu không được điều trị, tăng huyết áp thai kỳ có thể gây sinh non, trẻ không phát triển tốt hoặc thai nhi mất trong bụng mẹ. Tăng huyết áp thai kỳ cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của mẹ, đặc biệt khi nó tiến triển thành tiền sản giật.

Song thai
Tăng huyết áp thai kỳ (PIH) là tình trạng tăng huyết áp suốt thời gian mẹ mang thai

1.3 Tiền sản giật

Tiền sản giật là tình trạng bao gồm tăng huyết áp và tăng tỷ trọng protein trong nước tiểu. Triệu chứng tiền sản giật bao gồm sưng nề, đau đầu và tăng cân. Nguy cơ tiền sản giật ở mẹ đa thai cao gấp đôi thông thường. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể gây sản giật, hay còn gọi là nhiễm độc máu. Sản giật gây động kinh và có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và bé chưa ra đời.

1.4 Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng khi mẹ, dù không bị tiểu đường trước khi mang thai, gặp khó khăn khi duy trì nồng độ đường trong máu. Tiểu đường thai kỳ xảy ra trong khoảng năm phần trăm các ca mang thai đơn, nhưng số thai phụ mang song thai bị tiểu đường thai kỳ cao gấp đôi. Tiểu đường thai kỳ có thể được điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn và lối sống.

Thai phụ mang đa thai cũng bị nghén nặng hơn. Đối với một số thai phụ, tình trạng nôn quá mức khi mang thai, khiến mẹ mất đến năm phần trăm khối lượng cơ thể và có thể phải nhập viện.

Ngoài ra, thai phụ mang đa thai có nguy cơ mắc phải các vấn đề tiêu hoá suốt thai kỳ, như táo bón. Đa thai thường phải sinh mổ, do tư thế thai không lí tưởng (như khi bé đầu tiên không quay đầu xuống) hoặc do các biến chứng, khiến mẹ mất thời gian dài hơn để hồi phục sau sinh và đối mặt với nguy cơ bị biến chứng cao hơn suốt quá trình chuyển dạ.

2. Song thai và nguy cơ đối với thai nhi

Song thai có nguy cơ sảy thai cao hơn. Trong một số trường hợp, một trong hai bào thai có thể bị sẩy hoặc biến mất (hội chứng biến mất thai đôi - VTS), chỉ có bào thai sống sót còn tồn tại.

Tình trạng song thai thường dẫn đến sự phát triển bất cân xứng và chênh lệch cân nặng giữa 2 thai do có 1 thai chậm phát triển trong tử cung, dẫn đến trẻ sinh ra nhẹ cân, có nguy cơ bị vàng da cao hơn so với mang thai bình thường

Ngoài ra, hội chứng truyền máu song thai xảy ra có thể xảy ra trong các ca song thai cùng nhau thai. Nếu không được điều trị, hội chứng này có thể gây suy tim sơ sinh hoặc dẫn đến tử vong.

3. Làm thế nào để có thai kỳ song thai khoẻ mạnh?

Thai phụ có thể thực hiện các bước sau để giảm các nguy cơ này, bao gồm:

3.1 Thăm khám bác sĩ sớm và thường xuyên

Lời khuyên của các chuyên gia y tế, khi mang thai đặc biệt là mang đa thai, các thai phụ cần đến khám và theo dõi tại các cơ sở y tế. Thực hiện nghiêm túc các buổi khám thai định kỳ. Nếu có những dấu hiệu bất thường, các bác sĩ sẽ tư vấn, bàn bạc để lựa chọn quyết định ít gây tổn hại nhất về sức khỏe, tinh thần. Vì song thai dễ có tình trạng thai to, thai bé... 3 tháng cuối càng phải theo dõi chặt chẽ để có thể dưỡng thai ít nhất 37 tuần tuổi vì dễ bị sinh non.

3.2 Chế độ ăn khoẻ mạnh

Chế độ ăn của thai phụ có tác động lớn đến thai kỳ. Quá trình tăng cân khi mang thai đôi có thể giúp đảm bảo các trẻ được sinh ra với cân nặng khỏe mạnh. Vì vậy, thai phụ cần đảm bảo một chế độ ăn uống có lượng protein nạp vào thích hợp để giúp bé yêu phát triển.

Song thai
Chế độ ăn của thai phụ có tác động lớn đến thai kỳ

Đảm bảo rằng bạn luôn ăn đủ, chứ không phải ăn kiêng hay ăn quá no. Các chuyên gia y tế khuyến cáo mẹ bầu chỉ nên nạp thêm 300 calorie vào thực đơn dinh dưỡng hằng ngày dựa trên bảng năng lượng chuẩn cho phụ nữ. Số lượng này tăng gấp đôi hoặc gấp ba chỉ khi bạn mang thai đôi hoặc mang thai ba.

3.3 Uống đủ nước

Mất nước có thể gây sinh non cho bất kì thai kì nào đặc biệt khi mang song thai. Vì vậy hãy đảm bảo cung cấp nước đầy đủ mỗi ngày.

Vì song thai dễ xảy ra tình trạng thai to, thai bé...nên 3 tháng cuối thai phụ nhất định phải được theo dõi chặt chẽ để có được sự tư vấn về cách dưỡng thai tốt nhất. Khi chuyển dạ, thai phụ nhất thiết phải đến những cơ sở y tế có khoa hồi sức cho trẻ sơ sinh.

Điều quan trọng nhất đối với những mẹ bầu mang song thai là nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn, cho biết trước tất cả những nguy cơ, khó khăn để chuẩn bị về tâm lý, cũng như có được sự động viên, an ủi, giúp đỡ từ người thân

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Verywellfamily.com, Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan