Điều gì khiến bạn mất khứu giác và vị giác?

Mất khứu giác và vị giác là những triệu chứng có thể gặp phải trong nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau với nguyên nhân rất đa dạng. Vì vậy, người bệnh cần tìm hiểu về những nguyên nhân gây nên tình trạng này để có cách điều trị và phòng ngừa tốt nhất.

1. Mất khứu giác

Khứu giác được nhận biết bằng mũi, là một trong các giác quan chính của con người. Mất khứu giác là tình trạng người bệnh mất đi cảm giác nhận biết và ngửi mùi. Tình trạng này có thể bẩm sinh hay mắc phải. Mất khứu giác có thể được tìm hiểu nguyên nhân, sau đó điều trị theo nguyên nhân hoặc có thể tự động phục hồi. Mất khứu giác có rất nhiều thể lâm sàng khác nhau, có thể là mất khứu giác một hay toàn phần, tạm thời hay kéo dài suốt đời.

2. Mất vị giác

Tương tự như trên, mất vị giác cũng là tình trạng không thể cảm nhận được vị, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Vị giác là một trong những giác quan quan trọng của con người, giúp nhận biết được các vị như chua, cay, mặn, ngọt, đắng... thông qua những dẫn truyền thần kinh từ các thụ cảm nhận biết trên bề mặt lưỡi đến hệ thần kinh trung ương, nếu quá trình này gặp bất thường sẽ dẫn đến mất vị giác. Nguyên nhân của mất vị giác cũng rất đa dạng, và cần tìm hiểu được nguyên nhân gây bệnh để điều trị theo nguyên nhân.

Trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh ở diện rộng thì dấu hiệu mất vị giác và khứu giác một cách đột ngột cùng với những dấu hiệu khác như sốt, ho... có thể nghi ngờ đến tình trạng này, vì vậy người bệnh cần phải hết sức chú ý.

Mất vị giác
Mất vị giác có thể ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh

3. Không cảm nhận được mùi vị

Một số yếu tố có thể liên quan đến tình trạng không cảm nhận được mùi vị đó là:

  • Sự kết nối khứu giác – vị giác: Khứu giác và vị giác do khu vực khứu giác bên trong mũi kiểm soát, vì vậy khi nhai thức ăn thì những phân tử mùi sẽ đi vào phần phía sau của mũi. Khi vị giác giúp người bệnh cảm nhận được vị ngọt hay đắng thì khứu giác sẽ giúp ngửi được mùi thơm để nhận biết vị ngọt này là từ quả nho hay quả táo... Đó là lý do vì sao khi thực hiện động tác ngoáy mũi sẽ không cảm nhận được mùi vị thức ăn giống như bình thường, vì lúc này mũi không thể ngửi được mùi của thức ăn.
  • Độ tuổi: Khi già đi thì cơ thể sẽ mất những sợi thần kinh khứu giác trong mũi. Lúc này, người bệnh sẽ cảm nhận được ít vị hơn và những vị giác còn lại mà người bệnh nhận biết được thường không rõ ràng, đặc biệt là khi bước vào giai đoạn hơn 60 tuổi. Điều này thường ảnh hưởng đến khả năng nhận biết vị mặn, ngọt đầu tiên. Tuy nhiên, đừng vì lý do này mà thêm muối và đường nhiều hơn vào bữa ăn hằng ngày vì sẽ gây ra những căn bệnh nguy hiểm khác.
  • Bệnh tật hay nhiễm trùng: Bất cứ điều gì gây kích ứng và làm viêm nhiễm niêm mạc bên trong mũi đều có thể khiến người bệnh ngứa và nghẹt mũi,... Những điều này sẽ ảnh hưởng đến khứu giác và vị giác của người bệnh. Các bệnh tật có thể gây ra tình trạng không cảm nhận được mùi vị đó là cảm lạnh, viêm xoang, dị ứng, hắt hơi, nghẹt mũi, cúm, Covid – 19... Khứu giác và vị giác của người bệnh sẽ có thể trở lại bình thường ngay sau khi khỏi bệnh, nếu kéo dài quá lâu thì có thể báo với bác sĩ điều trị để được kiểm tra.
  • Tắc nghẽn đường dẫn khí: Nếu người bệnh không đủ không khí lưu thông trong mũi thì khứu giác sẽ bị ảnh hưởng, tiếp đến sau đó là vị giác cũng sẽ mất theo. Sự tắc nghẽn này sẽ diễn ra khi người bệnh có những khối polyp mũi. Một số trường hợp cũng có thể người do bị lệch vách ngăn khiến cho một bên mũi nhỏ hơn. Tất cả những trường hợp này sẽ được điều trị với thuốc xịt mũi, viên uống hay phẫu thuật nếu cần thiết.
  • Chấn thương đầu: Thần kinh khứu giác mang thông tin về mùi hương từ mũi đến não. Những chấn thương ở đầu, cổ hay não bộ có thể phá hủy những dây thần kinh khứu giác này, cũng như quá trình niêm mạc mũi, xoang cạnh mũi hay những phần khác của não bộ xử lý việc nhận biết mùi. Người bệnh có thể nhận biết tình trạng này ngay lập tức hay theo thời gian. Trong một số trường hợp thì tình trạng bệnh lý này sẽ tự động hồi phục, nhất là những trường hợp bị mất khứu giác và vị giác mức độ nhẹ, biểu hiện bằng việc người bệnh sẽ có thể nếm được và ngửi được những vị và mùi hương mạnh.
  • Một số tình trạng bệnh lý nhất định: Mất khứu giác có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của sa sút trí tuệ, AlzheimerParkinson. Một số bệnh lý khác có thể phá hủy những dây thần kinh thông tin đến trung tâm khứu giác của não bộ như đái tháo đường, bệnh liệt Bell, Huntington, hội chứng Klinefelter, bệnh đa xơ cứng, Paget, hội chứng Sjogren...
  • Ung thư và điều trị ung thư: Một số loại ung thư nhất định và điều trị có thể thay đổi những tín hiệu giữa mũi, miệng và não bộ. Đó là những vấn đề liên quan đến khối u ở đầu, cổ và phương pháp xạ trị tại những khu vực đó. Hóa trị liệu, liệu pháp nhắm trúng đích hoặc một số loại thuốc khác với những tác dụng phụ cũng có thể gây ảnh hưởng. Người bệnh có thể cảm nhận được vị kim loại trong miệng, những vị khó chịu khác hoặc vị nồng hơn. Những vấn đề này thường biến mất sau khi kết thúc quá trình điều trị.
Cây rau samMất vị giác
Quá trình điều trị ung thư có liên quan đến vấn đề mất vị giác và khứu giác của người bệnh

  • Thuốc: Một số thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn có thể thay đổi cảm giác người bệnh, đặc biệt là thuốc kháng sinh và thuốc điều trị tăng huyết áp. Chúng sẽ làm thay đổi thụ thể vị giác, làm rối loạn những tín hiệu từ vị giác đến não và thay đổi nước bọt của bệnh nhân. Có thể nói với bác sĩ về vấn đề này để có thể ngừng sử dụng bất cứ loại thuốc này.
  • Thiếu vitamin: Mất vị giác và khứu giác có thể là một cách mà cơ thể đang gửi đến thông điệp rằng đang thiếu hụt vitamin. Một vài tình trạng bệnh lý hay các loại thuốc có thể khiến người bệnh bị giảm được vitamin liên quan đến khứu giác và vị giác như vitamin A, vitamin B6, vitamin B12 và kẽm. Tuy nhiên, cũng có thể là vì người bệnh ăn ít hơn vì không ngửi được, nếm được thức ăn nên cơ thể từ đó không được cung cấp đủ lượng vitamin cần thiết.
  • Hút thuốc lá, ma túy và các hóa chất: Bên cạnh khả năng dẫn đến ung thư, thuốc lá còn gây tổn thương và giết chết những tế bào giúp não bộ có thể phân biệt được mùi và vị. Hút thuốc lá cũng khiến cơ thể tiết nhiều chất nhờn hơn, giảm tế bào vị giác lại. Sử dụng Cocaine cũng gây ảnh hưởng tương tự đến tế bào cảm giác. Những hóa chất nguy hiểm như Clo, dung môi sơn và formaldehyde cũng gây những tác động tương tự.

Tóm lại, mất khứu giác và vị giác có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân theo nhiều cách khác nhau. Nó còn gây ra những biến chứng nguy hiểm khác như người bệnh không thể ngửi được mùi của khí ga, chất độc... trong những tình huống khẩn cấp, vì vậy cần báo ngay cho bác sĩ khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan