Uống nhiều vitamin B5 có tốt không?

Vitamin B5 là một vitamin tan trong nước, có rất nhiều trong tự nhiên, nhưng cũng rất dễ mất đi trong quá trình chế biến. Vitamin B5 có nhiều tác dụng như cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cường mức độ hemoglobin, giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, khi uống vitamin B5 cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ đến sức khỏe. Vậy uống nhiều vitamin B5 có tốt không?

1. Tác dụng của vitamin B5

Vitamin B5 (axit pantothenic) là một loại vitamin tan trong nước thuộc vitamin nhóm B, đóng vai trò quan trọng trong cơ thể con người. Một số công dụng của vitamin B5 như giúp da, tóc và mắt khỏe mạnh; tạo ra các tế bào hồng cầu, mang oxy đi khắp cơ thể; duy trì chức năng hoạt động của hệ thần kinh, gan và đường tiêu hóa; cũng như hỗ trợ các hormone ở tuyến thượng thận.

Vitamin B5 là hợp chất hữu cơ mà cơ thể không tự tổng hợp được, phần lớn được cung cấp từ môi trường bên ngoài với các loại thực phẩm sử dụng hằng ngày. Việc thiếu hụt vitamin B5 sẽ không gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhưng lâu dài dẫn đến những bệnh lý gây suy giảm sức khỏe như buồn nôn, tê bì tay chân, hạ đường huyết, mệt mỏi...

Vitamin B5 được tìm thấy ở tất cả những tế bào sống, nó có nhiều trong các nhóm thực phẩm như thịt, trứng, ngũ cốc, rau quả tươi và các loại đậu, sữa.... Do đó, cách tốt nhất để đảm bảo bạn đang cung cấp đầy đủ vitamin B5 là thực hiện một chế độ ăn dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh mỗi ngày.

Xem ngay: Vitamin B5 hoạt động như thế nào?

2. Uống nhiều vitamin B5 có tốt không?

Vitamin B5 thông thường được sử dụng theo đường uống. Vitamin này được sử dụng để dự phòng hoặc điều trị thiếu hụt axit pantothenic (vitamin B5). Hiện nay, các thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa vitamin B5 dạng uống cũng được lưu hành trên thị trường và sử dụng rất nhiều.

Theo nghiên cứu của Hội Đồng Thực Phẩm và Dinh Dưỡng Hoa Kỳ (FNB) hiện vẫn chưa thiết lập được mức vitamin B5 tối đa mà có thể gây ra tác dụng bất lợi cho cơ thể người khi sử dụng và cũng chưa có báo cáo nào về độc tính của vitamin B5 nếu sử dụng ở liều lượng cao.

Thời điểm tốt nhất sử dụng vitamin B5 đó là buổi sáng. Nguyên nhân là do chúng có thể cung cấp năng lượng cho cả ngày dài. Bạn nên sử dụng vitamin B5 uống cùng một cốc nước đầy sau khi ăn xong.

3. Tác dụng phụ của vitamin B5

Vitamin B5 (Acid pantothenic) nói chung khá an toàn cho người dùng và hiện chưa có báo cáo nào về độc tính. Tuy nhiên, tác dụng phụ của vitamin B5 cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng nhẹ với các dấu hiệu lâm sàng như ngứa, rối loạn tiêu hóa hay tiêu chảy nếu sử dụng với liều dùng lớn hơn 10mg/ngày. Tuy nhiên, những dấu hiệu lâm sàng này khá hiếm gặp. Khi sử dụng vitamin B5 uống ở liều thấp sẽ không gây ra những tác dụng ngoại ý đối với cơ thể.

Trong quá trình sử dụng, nếu gặp phải những tác dụng phụ của vitamin B5 ở mức độ nặng: phản ứng dị ứng nặng (phát ban, nổi mề đay, khó thở, tức ngực, sưng miệng, mặt, môi hoặc lưỡi) bạn cần liên hệ và đến ngay các cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời và xử trí đúng cách.

Xem ngay: Vitamin B5 có trong thực phẩm nào?

4. Khi nào cần bổ sung vitamin B5?

Việc bổ sung vitamin B5 chỉ cần thiết khi cơ thể bạn gặp phải tình trạng thiếu hụt lượng vitamin này. Ngoài ra, vitamin B5 cũng có thể được sử dụng để điều trị bệnh. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đủ bằng chứng để có thể khẳng định sự hiệu quả của vitamin B5 trong điều trị các bệnh lý.

Nhìn chung, trường hợp thiếu hụt vitamin B5 khá hiếm gặp, trừ trường hợp người bị suy dinh dưỡng, thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Khi bị thiếu hụt vitamin B5, bạn cũng sẽ không gặp phải những vấn đề quá nghiêm trọng về sức khỏe. Tuy nhiên, những người đang bị thiếu hụt vitamin B5 thông thường cũng sẽ bị thiếu hụt những loại vitamin và chất dinh dưỡng khác.

Một số dấu hiệu lâm sàng khi bị thiếu hụt vitamin B5 đó là:

  • Nhức đầu;
  • Mệt mỏi nhiều;
  • Hay cảm thấy khó chịu trong người, tức giận, cáu gắt;
  • Các cơ suy yếu;
  • Gặp phải vấn đề về tiêu hóa, dạ dày, ruột;

Những triệu chứng trên sẽ biến mất khi cơ thể được bổ sung đủ vitamin B5.

5. Cách bổ sung vitamin B5 hiệu quả

Bổ sung vitamin B5 bằng thuốc uống hay bằng các loại thực phẩm chức năng cũng đem đến hiệu quả. Tuy nhiên, việc bổ sung chỉ nên làm khi bạn được tư vấn bởi bác sĩ chuyên môn.

5.1. Bổ sung vitamin B5 bằng thực phẩm

Thông thường, nếu bạn không bị thiếu hụt dinh dưỡng hay thiếu hụt vitamin B5 thì bạn chỉ cần bổ sung qua đường ăn uống. Điều này có nghĩa là sử dụng các loại thực phẩm có chứa vitamin B5 trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Đây là cách bổ sung các loại vitamin nói chung và bổ sung vitamin B5 đem lại hiệu quả tốt và tự nhiên nhất. Thực phẩm chứa vitamin B5 nằm trong hầu hết các nhóm thực phẩm chính hàng ngày. Một số thực phẩm có thể kể đến như cá hồi; súp lơ xanh; gan bò và các thịt nội tạng; các loại hạt ngũ cốc như hạt hướng dương, hạt đậu Hà Lan; sữa chua và trứng.

5.2. Bổ sung Vitamin B5 dạng uống thuốc và thực phẩm chức năng

Lượng vitamin B5 uống nạp vào cơ thể đã được nghiên cứu và được hướng dẫn sử dụng như sau:

  • Từ 0 - 6 tháng: 1,7 mg/ngày.
  • Từ 7 - 12 tháng: 1,8 mg/ngày.
  • Từ 1 - 3 tuổi: 2 mg/ngày.
  • Từ 4 - 8 tuổi: 3 mg/ngày.
  • Từ 9 - 13 tuổi: 4mg/ngày.
  • Trên 14 tuổi: 5mg/ngày.
  • Đối với phụ nữ đang mang thai: 6 mg/ngày.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: 7mg/ngày.

Bạn có thể sử dụng các loại thực phẩm chức năng, thuốc vitamin B5 uống riêng hoặc sử dụng chung với thức ăn. Việc sử dụng vitamin B5 dạng thuốc với thức ăn có thể hạn chế được trường hợp bị kích ứng dạ dày. Nếu bạn dùng vitamin B5 quá nhiều lượng khuyến cáo thì cần nhanh chóng đến bệnh viện để được xử trí.

Việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng để bổ sung vitamin B5 cũng sẽ đem lại những tác động nhất định đến cơ thể. Lượng vitamin B5 cần thiết cũng có thể thay đổi tùy theo thể trạng sức khỏe của người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan