Sốt xuất huyết, tay chân miệng cùng bùng phát mạnh

Thời tiết nắng nóng kéo dài xen kẽ các đợt mưa lớn đan xen là thời điểm thuận lợi khiến cho các dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát trên diện rộng. Trong đó nguy hiểm nhất là dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng.

1. Dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng bùng phát

Bộ Y tế đã cảnh báo, hiện nay, các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệngsốt xuất huyết đang gia tăng mạnh. Trong khi bệnh tay chân miệng tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung, dịch sốt xuất huyết hiện đang có mặt ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước ghi nhận trên 105.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 10 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Theo các chuyên gia, tình hình dịch vẫn sẽ tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương. Nếu không có biện pháp phòng chống quyết liệt, bệnh dịch có thể kéo dài đến tháng 11 và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để những ổ dịch để không lan rộng và kéo dài. Ba chiến dịch lớn diệt loăng quăng, bọ gậy được tổ chức từ nay đến hết năm. Các khu vực nguy cơ cao và địa điểm tập trung đông người như chợ, trường học, bến xe hay bệnh viện,... được phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng.

Trong điều trị, bệnh nhân sẽ được ngành y tế địa phương phân loại và điều trị, tránh chuyển tuyến không đúng chỉ định nhằm hạn chế quá tải ở bệnh viện tuyến trên, hạn chế lây nhiễm chéo và tử vong.

2. Sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng có nhiều điểm tương đồng

Do có nhiều dấu hiệu lâm sàng khá tương đồng, lại diễn ra đồng thời, đặc biệt là ở trẻ nhỏ nên bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết có thể khiến phụ huynh nhầm lẫn, bối rối khi nhận biết.

Sốt xuất huyết hay tay chân miệng đều là bệnh truyền nhiễm, do vậy biểu hiện đầu tiên ở người bệnh là sốt, sau đó là phát ban. Tuy nhiên sốt xuất huyết thì sốt kèm theo nổi ban màu đỏ, còn bệnh tay chân miệng thường nổi hồng ban dạng phỏng nước trên da. Còn với bệnh tay chân miệng dấu hiệu đầu tiên là sốt sau đó xuất hiện các nốt rải rác trong miệng, trong lòng bàn tay, bàn chân. Khi trẻ mắc bệnh thường quấy khóc.

Điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết và dịch tay chân miệng cũng có nét tương đồng, đều vào mùa mưa nắng đan xen thất thường. Vì dịch bệnh diễn ra đồng thời nên mọi người cần chú ý phân biệt rõ hai bệnh này, để có hướng xử trí tốt nhất và tránh biến chứng cho bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ.


Xuất hiện các nốt rải rác trong miệng, lòng bàn tay và chân là triệu chứng của bệnh tay chân miệng
Xuất hiện các nốt rải rác trong miệng, lòng bàn tay và chân là triệu chứng của bệnh tay chân miệng

3. Diễn tiến bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng thường gặp nhiều ở trẻ từ 1-5 tuổi, nhất là ở nhóm trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo và thường lây qua đường tiêu hóa.

Các loại virus gây bệnh chủ yếu là Enterovirus 71 (EV71), EV khác, Coxsackie A10,... Bệnh trải qua các giai đoạn:

  • Giai đoạn ủ bệnh: khoảng 3 - 7 ngày khi trẻ đã tiếp xúc với nguồn lây bệnh từ trước.
  • Giai đoạn khởi phát: thường khoảng 1- 2 ngày. Ở giai đoạn này, trẻ sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
  • Giai đoạn toàn phát: thường kéo dài khoảng 3-10 ngày. Xuất hiện các vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lưỡi, dễ nhầm lẫn với chứng nhiệt miệng. Lòng bàn tay và bàn chân, mông của trẻ có thể nổi hồng ban dạng phỏng nước (chứ không phải dạng ban đỏ như sốt phát ban hay sốt xuất huyết). Trẻ thường sốt cao trên 39 độ C kèm quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, nôn ói nhiều, bỏ bú, thậm chí là yếu liệt tay chân.... Trong trường hợp này, phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện ngay. Bệnh thường tiến triển nhanh, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể trở nặng, trẻ lừ đừ, run, trợn mắt, co giật, mạch nhanh, nhịp thở nhanh, gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và thậm chí dẫn đến tử vong.
  • Giai đoạn lui bệnh: Trẻ nhỏ có thể hồi phục trong khoảng 3-5 ngày nếu như không có biến chứng.

Xử trí khi trẻ bị tay chân miệng

Phụ huynh có con bị tay chân miệng cần theo dõi cơn sốt, cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ, nếu trẻ khó uống có thể chọn loại có hương vị dễ chịu như cam. Tắm cho bé trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn, vệ sinh răng lưỡi hàng ngày bằng nước muối để tránh bội nhiễm. Trẻ cũng thường có kèm theo loét miệng, do đó, nên cho trẻ ăn đồ mát, mềm và loãng.

4. Diễn tiến bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra thoát huyết tương, sốc do thoát huyết tương ra ngoài và trụy tim mạch. Tử vong do sốt xuất huyết có thể xảy ra nếu bệnh nhân đến viện cấp cứu muộn. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn Aedes truyền virus Dengue gây ra, lây theo đường máu, thường phát triển qua các giai đoạn bệnh sốt xuất huyết:

  • Giai đoạn sốt: trẻ sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C trong khoảng từ 2 - 7 ngày. Bệnh nhân thường lừ đừ, mệt mỏi, nhức đầu, đau họng, buồn nôn, nôn, có thể kèm viêm họng, viêm hô hấp trên, sổ mũi, tiêu chảy..., Các triệu chứng ban đầu của bệnh dễ nhầm lẫn với cảm sốt thông thường.
  • Giai đoạn nguy hiểm: trẻ giảm sốt, nhưng có thêm biểu hiện thoát huyết tương. Thoát huyết tương nhiều quá sẽ dẫn đến tình trạng sốc khiến bệnh nhân vật vã, da lạnh, tim đập nhanh, huyết áp tăng giảm đột ngột... Ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể bị xuất huyết dưới da, niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng) và cả nội tạng.
  • Giai đoạn hồi phục: nếu không gặp biến chứng, cơ thể sẽ phục hồi dần, thèm ăn, đi tiểu nhiều, nhịp tim bắt đầu chậm lại, bạch cầu và tiểu cầu tăng lên.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nên được nghỉ ngơi
Bệnh nhân sốt xuất huyết nên được nghỉ ngơi

Chú ý trong trị bệnh sốt xuất huyết:

  • Sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin để phòng bệnh cũng như chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị. Bệnh nhân cần được điều trị triệu chứng cũng như kiểm tra lượng tiểu cầu theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Khi mới có dấu hiệu sốt xuất huyết, người bệnh chỉ cần đến các cơ sở tuyến đầu để được thăm khám, kiểm tra và được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị tại nhà.
  • Nếu bị nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách:
    • Cho người bệnh nằm nghỉ ngơi.
    • Cho uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt.
    • Cho ăn nhẹ: cháo, súp, sữa.
    • Dùng thuốc hạ sốt (thường dùng Paracetamol dạng uống hoặc đặt viên đặt hậu môn, tuyệt đối không dùng aspirin để hạ sốt), chườm mát.
  • Tuyệt đối không tự ý truyền dịch: Việc truyền dịch cần thực hiện trong bệnh viện dưới chỉ định và theo dõi sát của bác sĩ.

Nếu thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như: sốt, phát ban, nôn mửa...cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và chẩn đoán chính xác.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, sốt xuất huyết, viêm phế quản, viêm phổi, bệnh chân tay miệng ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe