Các biến chứng tiểu đường thường gặp

Các biến chứng tiểu đường có thể dẫn đến những tổn hại sức khỏe ngắn hạn và dài hạn, bao gồm hạ đường huyết, bệnh tim, tổn thương dây thần kinh và cắt cụt chi, cũng như các vấn đề về thị lực. Phần lớn các tình huống mắc phải biến chứng tiểu đường xảy ra do lượng đường trong máu không được kiểm soát, đặc biệt là lượng đường trong máu tăng cao trong một thời gian dài. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu đến quý độc giả thường gặp về biến chứng bệnh tiểu đường thường gặp.

1. Bệnh võng mạc tiểu đường

Bệnh võng mạc tiểu đường chính là biến chứng tiểu đường lên mắt. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây mù lòa cho người lớn. Bệnh đặc trưng ban đầu bởi các tổn thương vi mạch mao mạch võng mạc (bệnh võng mạc nền) và sau đó là tân mạch (bệnh võng mạc tăng sinh) và phù hoàng điểm. Ban đầu, người bệnh thường không có triệu chứng nhưng sau đó sẽ nhanh chóng mờ khu trú, bong thủy tinh thể hoặc võng mạc; cuối cùng sẽ mất thị lực một phần hoặc toàn bộ.

Việc tầm soát và chẩn đoán biến chứng tiểu đường lên mắt bằng cách kiểm tra võng mạc nên được thực hiện thường xuyên (thường là hàng năm) ở cả bệnh nhân tiểu đường typ 1 và 2. Phát hiện và điều trị sớm bệnh võng mạc tiểu đường là rất quan trọng để ngăn ngừa mất thị lực, bao gồm kiểm soát đường huyết và huyết áp tích cực. Bên cạnh đó, bệnh võng mạc tiến triển có thể cần chỉ định quang đông bằng laser hoặc hiếm hơn là cắt dịch kính. Thuốc ức chế yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu cũng được sử dụng cho phù hoàng điểm và như một liệu pháp bổ trợ cho bệnh võng mạc tăng sinh.

2. Bệnh thận tiểu đường

Bệnh thận do tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thận mãn tính. Biến chứng này đặc trưng bởi sự dày lên của màng đáy cầu thận, giãn nở trung bì và xơ cứng cầu thận. Hệ quả là gây tăng huyết áp cầu thận và suy giảm dần mức lọc cầu thận. Nếu bệnh nhân có kèm tăng huyết áp hệ thống thì có thể đẩy nhanh tiến triển. Trong phần lớn các trường hợp, bệnh thường không có triệu chứng cho đến khi phát triển hội chứng thận hư hoặc suy thận mạn.

Chẩn đoán sớm bằng cách phát hiện albumin niệu hàng năm. Việc điều trị bệnh thận tiểu đường là kiểm soát đường huyết nghiêm ngặt kết hợp với kiểm soát huyết áp. Thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II nên được sử dụng để điều trị tăng huyết áp và khi có dấu hiệu sớm nhất của albumin niệu, để ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh thận vì những thuốc này làm giảm huyết áp nội cầu thận và do đó có tác dụng bảo vệ màng lọc thận.

bệnh thận mãn tính
Biến chứng tiểu đường có thể gây ra bệnh thận mãn tính

3. Bệnh thần kinh đái tháo đường

Bệnh thần kinh do đái tháo đường là hậu quả của thiếu máu cục bộ thần kinh do bệnh vi mạch, ảnh hưởng trực tiếp của tăng đường huyết lên tế bào thần kinh và những thay đổi chuyển hóa nội bào làm suy giảm chức năng thần kinh.

Biến chứng này có nhiều loại nhưng viêm đa dây thần kinh đối xứng là phổ biến nhất và ảnh hưởng đến bàn chân và bàn tay xa, phân bố đeo găng tay. Cụ thể là người bệnh có biểu hiện như dị cảm, rối loạn vận động hoặc mất cảm giác không đau, rung động, cảm thụ hoặc nhiệt độ. Ở chi dưới, những triệu chứng này có thể dẫn đến suy giảm nhận thức về chấn thương bàn chân do đi giày không vừa vặn và trọng lượng bất thường, do đó có thể dẫn đến loét và nhiễm trùng bàn chân hoặc gãy xương, bong gân, trật khớp hoặc phá hủy cấu trúc bàn chân bình thường (bàn chân Charcot).

Bên cạnh đó, bệnh thần kinh tự chủ thuộc nhóm bệnh thần kinh đái tháo đường cũng thường gặp, có thể gây ra hạ huyết áp thế đứng, nhịp tim nhanh khi nghỉ ngơi, khó nuốt, buồn nôn và nôn, táo bón, tiêu chảy, tiểu không tự chủ, bí tiểu, rối loạn cương dương.

Điều trị bệnh thần kinh đái tháo đường đòi hỏi cần có cách tiếp cận đa chiều bao gồm kiểm soát đường huyết, chăm sóc chân thường xuyên và kiểm soát cơn đau. Kiểm soát đường huyết chặt chẽ có thể làm giảm bớt triệu chứng bệnh thần kinh. Ngoài ra, các phương pháp điều trị để làm giảm các triệu chứng bao gồm kem bôi capsaicin, thuốc chống trầm cảm ba vòng (ví dụ: amitriptyline), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (ví dụ: duloxetine) và thuốc chống co giật (ví dụ: pregabalin, gabapentin). Bệnh nhân bị mất cảm giác nên khám bàn chân hàng ngày để phát hiện chấn thương nhẹ ở bàn chân và ngăn ngừa nó tiến triển thành nhiễm trùng đe dọa đoạn chi.

4. Biến chứng mạch máu lớn

Xơ vữa động mạch lớn là kết quả của quá trình tăng insulin máu, rối loạn lipid máu và tăng đường huyết kéo dài - đặc trưng của bệnh đái tháo đường, biểu hiện gồm:

  • Đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim
  • Các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua và đột quỵ
  • Bệnh động mạch ngoại vi là biến chứng tiểu đường ở chân hay biến chứng tiểu đường ở tay

Chẩn đoán biến chứng mạch máu lớn do tiểu đường được thực hiện bằng tiền sử và khám sức khỏe. Quá trình điều trị là cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch, bao gồm ổn định glucose huyết tương, lipid và huyết áp, kết hợp với ngừng hút thuốc, uống aspirin và thuốc ức chế men chuyển hàng ngày. Hơn nữa, phương pháp tiếp cận đa yếu tố như vậy cũng có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ biến cố tim mạch về lâu dài.

Canxi có thể làm phát triển mảng tích tụ trong lòng mạch máu
Xơ vữa động mạch là một trong các biến chứng tiểu đường

5. Biến chứng bệnh cơ tim

Bệnh cơ tim do đái tháo đường được cho là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm xơ vữa động mạch tâm mạc, tăng huyết áp và phì đại tâm thất trái, bệnh vi mạch, rối loạn chức năng nội mô, béo phì và rối loạn chuyển hóa.

Những bệnh nhân này thường bị suy tim do suy giảm chức năng tâm thu và tâm trương của thất trái; đồng thời cũng dễ bị suy tim sau nhồi máu cơ tim về sau.

6. Tăng nguy cơ nhiễm trùng

Bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát kém dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm vì tác động xấu của tình trạng tăng đường huyết lên chức năng của bạch cầu hạt và tế bào T.

Ngoài sự gia tăng tổng thể nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, những người mắc bệnh tiểu đường còn tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng nấm da niêm mạc (ví dụ: nấm Candida miệng và âm đạo) và nhiễm trùng chân do vi khuẩn (bao gồm cả viêm tủy xương), vốn thường trầm trọng hơn do suy mạch chi dưới và bệnh thần kinh đái tháo đường. Hơn nữa, tăng đường huyết là một yếu tố nguy cơ được xác định rõ ràng đối với nhiễm trùng vết mổ.

Tóm lại, hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường thường bắt đầu phát triển các biến chứng tiểu đường sau khi mắc bệnh vài năm. Nếu có quá trình kiểm soát bệnh tiểu đường tốt và sống một lối sống lành mạnh, tích cực, người bệnh có thể tránh được nguy cơ bị biến chứng trong thời gian dài. Ngược lại, nếu đường máu không được kiểm soát tốt, có lối sống kém lành mạnh hoặc mắc bệnh tiểu đường không được chẩn đoán, các biến chứng tiểu đường có nhiều khả năng phát triển sớm hơn và diễn tiến nhanh chóng nặng nề hơn, gây tàn phế và giảm chất lượng cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

487 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan