Các kháng thể tự miễn trong chẩn đoán đái tháo đường tự miễn dịch tiềm ẩn ở người lớn (LADA)

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Đái tháo đường tự miễn dịch tiềm ẩn ở người lớn (LADA) là một dạng đái tháo đường đặc biệt còn được gọi là đái tháo đường type 1,5 vì khởi phát muộn ở người trưởng thành với biểu hiện tương tự đái tháo đường type 2 nhưng có các kháng thể tự miễn như đái tháo đường type 1. Để chẩn đoán được đái tháo đường type 1,5 thì các xét nghiệm kháng thể tự miễn là điều không thể thiếu.

1. Chẩn đoán đái tháo đường LADA như thế nào?

Có 3 tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường tự miễn dịch tiềm ẩn gồm:

  • Đái tháo đường khởi phát ở tuổi trưởng thành (trên 30 tuổi)
  • Có sự hiện diện của các kháng thể kháng tế bào đảo tụy như GAD, ICA, IAA
  • Yêu cầu về việc sử dụng insulin là không cần thiết cho tới ít nhất 6 tháng sau khi được chẩn đoán

Trong các điều kiện này thì sự có mặt của ít nhất 1 kháng thể tự miễn chống đảo tụy trong tuần hoàn là điều bắt buộc. Ngoài ra thì IAA và IA2A không quá quan trọng ở đái tháo đường type 1,5 mà chẩn đoán chủ yếu dựa vào kháng thể kháng GAD và ICAs.

Các nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ dương tính của GADA trong đái tháo đường type 1,5 là khá cao, đồng thời cũng tỷ lệ thuận với mức độ suy giảm chức năng tế bào beta trong tương lai. Nếu bệnh nhân đồng thời có cả GADA và ICA thì tiên lượng về sự phụ thuộc insulin sau tuổi 45 là cao hơn so với chỉ một trong hai dương tính. ICA sẽ biến mất khi thời gian bệnh kéo dài, trong khi đó GADA dương tính vào lúc chẩn đoán và tồn tại lâu hơn giúp đảm bảo mức độ nhạy trong chẩn đoán. Mặc dù vậy, ở các bệnh nhân có GADA âm tính nhưng có nguy cơ cao hay có dấu hiệu mắc đái tháo đường type 1,5 thì vẫn nên kiểm tra các tự kháng thể khác vì một số ca lâm sàng chỉ tồn tại IA2A hoặc IAA.

Đối với tiêu chuẩn không cần insulin ít nhất cho đến 6 tháng sau chẩn đoán nhằm mục đích phân biệt với đái tháo đường type 1, tuy nhiên tiêu chuẩn này còn phụ thuộc vào chủ quan bác sĩ điều trị. Một số yếu tố có thể nghi ngờ LADA như người trẻ nhưng khó kiểm soát glucose huyết với các thuốc hạ glucose huyết uống và không có dấu hiệu của hội chứng chuyển hóa. Ngoài ra, xét nghiệm nồng độ peptid C cũng cần thiết vì nồng độ thấp thường kết hợp với mức độ hủy hoại tế bào beta nghiêm trọng.

2. Các kháng thể tự miễn trong chẩn đoán đái tháo đường type 1,5

2.1. Kháng thể kháng GAD

Đây là kháng thể có nồng độ cao ở hệ thần kinh trung ương và nồng độ thấp ở đảo Langerhans của tụy. GADA xúc tác cho sự biến đổi tạo ra GABA được các tế bào beta của tuyến tụy sản xuất ra có chức năng như chất điều hòa cận nội tiết, điều hòa tiết glucagon. Một số đặc điểm của kháng thể này gồm:

  • GADA có độ nhạy cao nhất ở giai đoạn triệu chứng của đái tháo đường type 1 và là yếu tố tiên đoán cho các thành viên trong gia đình bị đái tháo đường type 1. Bên cạnh đó, kháng thể kháng GAD trong máu cũng là một tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường type 1,5 vì có tỷ lệ xuất hiện cao.
  • Nồng độ GADA có thể giảm trong 2 năm đầu sau chẩn đoán nhưng vẫn có giá trị chẩn đoán. Những bệnh nhân có kháng thể kháng GAD dương tính đồng nghĩa với sự giảm nhanh chóng chức năng tế bào beta.
  • So với xét nghiệm kháng thể kháng tế bào đảo tụy và kháng thể kháng insulin thì xét nghiệm kháng thể kháng GAD có nhiều điểm thuận lợi hơn vì có thể định lượng, chuẩn hóa giữa các phòng xét nghiệm, dễ thực hiện và nồng độ không giảm so với tiến triển bệnh.
Chẩn đoán đái tháo đường
Kháng thể kháng GAD là tiêu chuẩn chẩn đoán quan trọng trong tiểu đường type 1,5

2.2. Kháng thể ICA

Đây là kháng nguyên nằm trong bào tương của tế bào nội tiết đảo tụy, chỉ điểm miễn dịch của tiến trình tự miễn ở đảo tụy và được tìm thấy ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 cũng như một số bệnh nhân đái tháo đường type 1,5. Mặc dù, có khả năng tiên đoán cao cho đái tháo đường type 1 và đái tháo đường GADA nhưng xét nghiệm ICA còn nhiều hạn chế vì quy trình khó thực hiện, chuẩn hóa.

2.3. Kháng thể IAA

Đây là kháng thể đặc hiệu cho tế bào beta duy nhất được tìm thấy và gặp ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 và 1,5 với một tỷ lệ nhất định. Tuy nhiên, kháng thể này cũng có thể tìm thấy ở một số bệnh khác như graves, viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh Addison, viêm gan mạn, thiếu máu ác tính, viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ.

2.4. Kháng thể kháng IA-2

IA-2 biểu hiện ở đảo tụy và não, kháng thể chống lại phân tử IA-2 được dùng để chỉ điểm đặc hiệu phá hủy tế bào beta và tiến triển nhanh chóng của đái tháo đường type 1,5.

Các kháng thể tự miễn có vai trò quan trọng để chẩn đoán đái tháo đường tự miễn dịch tiềm ẩn ở người lớn. Tuy nhiên, để cho kết quả chẩn đoán chính xác thì bệnh nhân nên đến các trung tâm y tế, bệnh viện chuyên khoa uy tín để thực hiện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan