Các phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (phần 2)

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bách - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Phần 2 sẽ tiếp tục thảo luận về các phương pháp điều trị cho những người bị COPD như: Phòng ngừa các đợt nhiễm trùng, khó thở, dinh dưỡng và một số biện pháp khác. Các thông tin sẽ giúp cho người bệnh nắm được khi bác sĩ chỉ định và kê đơn, giúp người bệnh tuân thủ và tăng hiệu quả điều trị.

1. Phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD là tình trạng đường thở trong phổi bị viêm và hẹp và các đơn vị trao đổi khí của phổi là phế nang bị tổn thương (khí phế thũng). Hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất của COPD. Trong phần 1 chúng ta đã biết về các phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính:

  • Cai thuốc lá
  • Học và hiểu các phương pháp sử dụng các loại thuốc hít, xịt tại chỗ
  • Tập phục hồi chức năng phổi
  • Tuân thủ khám định kỳ

Trong phần 2 sẽ tiếp tục thảo luận về các phương pháp điều trị cho những người bị COPD như: Phòng ngừa các đợt nhiễm trùng, khó thở, dinh dưỡng và một số biện pháp khác. Các thông tin sẽ giúp cho người bệnh nắm được khi bác sĩ chỉ định và kê đơn, giúp người bệnh tuân thủ và tăng hiệu quả điều trị.

Bỏ thuốc lá
Tránh xa thuốc có lợi cho việc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

2. Phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng

Bị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có thể dẫn đến các đợt cấp của COPD. Tiêm vắc-xin là một phần quan trọng trong liệu trình điều trị phòng ngừa các đợt cấp của COPD. Các vắc-xin bao gồm:

  • Vắc-xin phế cầu khuẩn: Vắc-xin này giúp ngăn ngừa một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi; có hai loại vắc-xin (gọi là Pneumovax và Prevnar). Khuyến cáo tiêm phòng cụ thể phụ thuộc vào tuổi của bạn và các yếu tố khác. Các bác sĩ của bạn sẽ giúp quyết định xem bạn cần cả hai loại vắc-xin hay chỉ là Pneumovax, và khi nào bạn nên dùng nó (vắc-xin có thể cần phải được lặp lại sau khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm).
  • Vắc-xin cúm: Bạn nên tiêm ngừa cúm hàng năm trước mùa cúm (thường là vào mùa thu hoặc đầu mùa đông ở bán cầu bắc)
  • Vắc-xin ho gà: Vắc-xin này bảo vệ chống bệnh ho gà. Ho gà đã trở nên ngày càng phổ biến ở người lớn, mặc dù thực tế là hầu hết mọi người đã được tiêm chủng trong thời thơ ấu. Điều này là do sự miễn dịch đối với bệnh ho gà giảm đi theo thời gian. Đối với người lớn >19 tuổi nên tiêm vắc-xin phòng ho gà sau 10 năm. Các bác sĩ sẽ hỏi thêm về các yếu tố: nhân viên y tế hoặc những người tiếp xúc gần gũi với trẻ dưới một tuổi (ví dụ: ông bà, nhân viên dịch vụ chăm sóc trẻ em) để tư vấn cho bạn.

Khi bạn có dấu hiệu bệnh nặng hơn: Khó thở hơn, ho nhiều hơn, sốt... các bác sĩ của bạn có thể kê đơn thuốc. Căn cứ vào tình trạng nhiễm trùng hoặc nhiễm virus, bạn sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn hoặc thuốc kháng virus trong trường hợp bị cúm. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc trong các đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Điều quan trọng là đến gặp thầy thuốc để được kê đơn thuốc hợp lý và hiệu quả.

3. Vấn đề dinh dưỡng

Một số người mắc COPD có tình trạng hạn chế hô hấp ảnh hưởng đến bữa ăn, năng lượng cung cấp hàng ngày qua thức ăn không đủ nên hay xuất hiện giảm cân. Lâu ngày dẫn đến suy dinh dưỡng, có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn và tăng khả năng nhiễm trùng. Đây là một vấn đề quan trọng nên khi người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có hiện tượng sút cân thì nên trao đổi với bác sĩ để được nghe tư vấn, nếu cần thiết thì người bệnh sẽ được gửi khám chuyên khoa dinh dưỡng để hỗ trợ điều trị

Một số cách để giúp bạn tăng thêm năng lượng cho cơ thể qua bữa ăn, bạn có thể:

  • Ăn các bữa ăn nhỏ, thường xuyên với thức ăn đậm đặc chất dinh dưỡng (như trứng)
  • Ăn các bữa ăn cần ít sự chuẩn bị (ví dụ: các bữa ăn có thể thu nhỏ)
  • Nghỉ ngơi trước bữa ăn
  • Uống vitamin tổng hợp hàng ngày
  • Thêm chất bổ sung dinh dưỡng (đồ uống hoặc thanh chứa nhiều calo và chất dinh dưỡng)
  • Dùng thuốc theo toa để kích thích sự thèm ăn của bạn theo đơn thuốc bác sĩ chuyên khoa

Mặt khác, nếu bạn thừa cân, điều này cũng có thể làm cho các triệu chứng COPD trở nên tồi tệ hơn và nguy cơ có các bệnh đồng mắc. Bác sĩ của bạn có thể tư vấn cho bạn về cân nặng hợp lý và họ cũng có thể tầm soát và phát hiện sớm các bệnh khác ngoài bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

vitamin e tự nhiên
Uống vitamin giúp tăng thêm năng lượng cho cơ thể

4. Một số phương pháp điều trị khác

Như đã đề cập ở trên, có những điều mà mọi người bị COPD nên làm để kiểm soát bệnh của họ; bỏ hút thuốc (nếu bạn hút thuốc) là quan trọng nhất. Ngoài ra, có những phương pháp điều trị không dùng thuốc khác có thể giúp giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

4.1 Oxy liệu pháp

  • Những người bị COPD nặng hoặc tiến triển có thể có nồng độ oxy trong máu thấp. Tình trạng này, được gọi là thiếu oxy máu, có thể xảy ra ngay cả khi bạn không cảm thấy khó thở hoặc có các triệu chứng khác. Mức oxy có thể được đo bằng một thiết bị đặt trên ngón tay (đo oxy xung) hoặc bằng xét nghiệm máu (khí máu động mạch). Những người bị thiếu oxy có thể được điều trị bằng oxy, có thể cải thiện khả năng sống sót và chất lượng cuộc sống.
  • Khi bạn thở oxy ở nhà, nhân viên y tế sẽ cung cấp và lắp một ống nhỏ từ bình oxy qua hệ thống làm ẩm vào lỗ mũi và hướng dẫn bạn lưu lượng oxy để điều chỉnh. Họ cũng sẽ chỉ cho bạn cách sử dụng các thiết bị của mình để phù hợp với chỉ định của bác sỹ, cũng như cách (và khi nào) để làm sạch và thay thế chúng.
  • Khi sử dụng liệu pháp Oxy không bao giờ được sử dụng trong khi hút thuốc. Oxy là chất nổ, và hút thuốc trong khi sử dụng oxy có thể dẫn đến bỏng nặng. Những đám cháy nghiêm trọng đã xảy ra ở những người cố gắng hút thuốc trong khi sử dụng oxy.
  • Một số người mắc COPD có thể dễ bị thiếu oxy trong quá trình di chuyển bằng không khí vì những thay đổi áp suất không khí bên trong máy bay. Trước khi đi du lịch bạn nên đến khám bác sỹ để xác định rằng bạn có nguy cơ bị thiếu oxy trong chuyến bay, và oxy có thể được chỉ định để sử dụng trong khi đi máy bay.
Liệu pháp oxy
Oxy liệu pháp được sử dụng để điều trị bệnh

4.2 Van nội khí quản

Van nội khí quản (EBV) là những thiết bị nhỏ được cấy vào đường phế quản nhỏ bằng ống soi phế quản (một ống được đưa qua miệng hoặc mũi và xuống cổ họng của bạn). Các van cho phép không khí thoát ra khỏi khu vực các phế nang bị ứ khí gây chèn ép lên các phần phổi bên cạnh, vì có van một chiều nêu không khí không thể đi vào lại được. Kết quả là, các phế nang bình thường của phổi không bị ảnh hưởng có thể đảm bảo chức năng bình thường. EBV có thể là một lựa chọn cho những người tiếp tục có triệu chứng khí phế thũng mặc dù đã dùng thuốc và phục hồi chức năng phổi.

4.3 Phẫu thuật

Đối với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có một số chỉ định ngoại khoa, chẳng hạn như phẫu thuật giảm thể tích phổi hoặc ghép phổi, có thể hữu ích trong việc giảm triệu chứng ở một số người bị khí phế thũng tiến triển.

  • Phẫu thuật giảm thể tích phổi liên quan đến việc loại bỏ các khu vực phổi bị tổn thương nhiều nhất, cho phép phổi còn lại mở rộng và hoạt động bình thường hơn. Đây có thể là một lựa chọn cho những người có triệu chứng nghiêm trọng sau khi thử tất cả các liệu pháp thông thường khác, bao gồm phục hồi chức năng phổi. Không phải tất cả mọi người sẽ được hưởng lợi từ phẫu thuật này, và một số người thực sự có thể trở nên tồi tệ hơn. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể đề nghị kiểm tra hình ảnh, chẳng hạn như chụp CT, để giúp xác định xem liệu quy trình này có khả năng mang lại lợi ích hay không.
  • Ghép phổi có thể được xem xét trong trường hợp COPD nặng. Nếu thành công, cấy ghép có khả năng cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, ghép phổi vẫn chưa được chứng minh là có thể kéo dài cuộc sống của những người mắc COPD.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan