Cảm cúm có nên xông lá

Thời tiết thay đổi kèm theo độ ẩm thấp dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, trong đó phổ biến nhất là bệnh cảm cúm. Có nhiều cách điều trị cảm cúm, trong đó Đông Y ghi nhận xông là một trong những phương pháp điều trị bệnh hữu hiệu để nhanh chóng đẩy lùi các triệu chứng của cảm cúm.

1. Triệu chứng bệnh cảm cúm

Cảm cúm là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp có tác nhân gây bệnh là virus cúm. Bệnh bắt đầu đột ngột và thường kéo dài 7 đến 10 ngày, đa số mọi người bình phục hoàn toàn. Đối với người già, trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu, cảm cúm có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Bệnh cảm cúm gây ra bởi virus được phân loại theo loại A, B và C, trong đó cúm A là dạng phổ biến nhất. Hiện nay các loại virus cúm nguy hiểm như H5N1, H7N9, H1N1,...

Triệu chứng của cảm cúm: Thường xuất hiện ra đột ngột và bắt đầu 24 đến 48 giờ sau khi tiếp xúc với virus cúm. Các triệu chứng nặng thường kéo dài 3 đến 5 ngày gồm có:

  • Sốt, sợ gió, sợ lạnh.
  • Hắt hơi, sổ mũi, ho, đau rát họng.
  • Đau đầu, nhức hốc mắt, đau mỏi người.
  • Mệt mỏi.
  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng.
  • Bụng đầy chướng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, giảm vị giác, khứu giác.

2. Các phương pháp điều trị cảm cúm

Thông thường, bệnh cảm cúm do virus gây ra cho nên bạn chỉ cần nghỉ ngơi và uống đủ nước là có thể khỏi bệnh. Dưới đây là một số cách điều trị cảm cúm, bạn nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ và dược sĩ để có sự hướng dẫn phù hợp:

  • Sử dụng các loại thuốc làm giảm các triệu chứng của cảm cúm như: Acetaminophen ( Tylenol) và Ibuprofen (Advil, Motrin) để giảm sốt.
  • Giảm ho, hắt hơi sổ mũi bằng siro ho và thuốc thông mũi.
  • Xông hơi các loại lá thảo dược, tắm nước ấm, phun sương có thể làm giảm tiết nước bọt, thông thoáng đường hô hấp, giãn mạch máu dưới da, ra mồ hôi tạo cảm giác nhẹ nhàng, thư giãn.
  • Thường xuyên súc họng miệng giúp làm sạch đường thở, giảm đau họng.
  • Uống đủ nước, ăn đầy đủ chất và dễ tiêu, bổ sung vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cơ thể.
  • Sử dụng thuốc kháng virus cho những người bị cúm nặng hoặc có nguy cơ bị biến chứng (cần theo sự chỉ định của bác sĩ).

3. Bị cảm cúm có nên xông lá không?

  • Theo Y Học Hiện Đại giải thích: Xông hơi là phương pháp làm cho cơ thể tiết ra mồ hôi, loại bỏ các độc tố ra ngoài. Ngoài ra hơi nước nóng làm giãn mạch ngoại biên, kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài. Thành phần tinh dầu bên trong các loại thảo dược theo hơi nước nóng thẩm thấu qua da và niêm mạc, làm thông thoáng đường thở, giãn mạch máu ngoại vi, tăng cường lưu thông máu, kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài, giúp giảm nhanh các triệu chứng cảm cúm như ho, sổ mũi, đau nhức đầu, mỏi cơ.
  • Y Học Cổ Truyền giải thích nguyên nhân cảm cúm là do là ngoại cảm phong nhiệt (nhiễm phong nhiệt) và ngoại cảm phong hàn (nhiễm phong hàn). Xông hơi lá trị cảm cúm là phương pháp điều trị rất hiệu quả và an toàn. Các loại thảo dược trị cảm cúm thường được sử dụng như gừng, sả, tía tô, kinh giới, lá chanh, bưởi... đây là những vị thuốc có tác dụng làm ra mồ hôi (phát hãn giải cơ biểu), ấm da và cơ thể (tán phong hàn).

4. Phương pháp xông lá trị cảm cúm đúng cách

  • Chuẩn bị nồi lá xông trị cảm cúm thông thường gồm có: Lá sả, lá bưởi, cành kinh giới, lá tía tô, hương nhu, chanh, gừng, húng. Rửa sạch lá loại bỏ bụi bẩn và tạp khuẩn, sau đó vào nồi nước đậy kín, đun sôi trong vòng 10 phút.
  • Người bệnh trước khi xông hơi cần làm sạch cơ thể, ngồi trên giường, phủ một tấm chăn mỏng qua đầu và cả nồi nước xông vừa đun xong để giữ hơi nóng. Mở vung nồi thật chậm cho hơi thoát ra từ từ, không nên mở nhanh sẽ gây bỏng.
  • Khi xông người bệnh hít thở thật chậm và sâu để hơi xông đi vào sâu bên trong đường hô hấp.
  • Khi thấy trong người đã nhẹ, không còn cảm giác sợ lạnh, sợ gió, đau mỏi cơ thì ngừng xông, dùng khăn bông khô lau hết mồ hôi, thay quần áo khô và nằm nghỉ.
  • Thời gian xông hơi: Không nên xông quá 15-20 phút.
  • Không được tắm ngay sau khi xông vì lỗ chân lông đang mở gặp nước lạnh sẽ bít lại, dẫn đến máu huyết không lưu thông.

5. Những chú ý khi xông lá trị cảm cúm

Bạn không nên sử dụng được phương pháp xông hơi trị cảm cúm trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân đang sốt cao, co giật, khát nước, ra nhiều mồ hôi không nên tùy tiện xông hơi mà phải đi khám ở cơ sở y tế.
  • Bệnh nhân đang bị suy nhược cơ thể; người già yếu, trẻ nhỏ.
  • Phụ nữ có thai hay mới sinh, phụ nữ đang trong ngày có kinh nguyệt.
  • Bệnh nhân đang bị tiêu chảy mất nước, người đang bị sốt xuất huyết giai đoạn thoát dịch.
  • Người mắc bệnh ngoài da, cao huyết áp, tim mạch, rối loạn tâm thần.
  • Trong quá trình xông, nếu thấy choáng váng, bủn rủn, khó thở, hồi hộp, tức ngực thì cần ngừng ngay. Trường hợp bị choáng, sốc phải đưa tới bệnh viện để cấp cứu.

Hiện nay virus cúm đã có nhiều biến thể, việc điều trị không phải chỉ xông lá là đủ, bạn cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc.

Xông lá trị cảm cúm là phương pháp điều trị rất hiệu quả và an toàn, tuy nhiên bạn đọc cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế trước khi áp dụng phương pháp này để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan