Chọc hút dịch khí phế quản qua màng nhẫn giáp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Văn Hoàn - Bác sĩ Hồi sức Cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chọc hút dịch khí phế quản qua màng nhẫn giáp là phương pháp đang được áp dụng rộng rãi để lấy bệnh phẩm nhằm mục đích xét nghiệm chẩn đoán tế bào học, vi sinh vật, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

1. Chọc hút dịch khí phế quản qua màng nhẫn giáp là gì?

Đây là thủ thuật lấy bệnh phẩm trong khí phế quản, phục vụ mục đích xét nghiệm chẩn đoán tế bào học, vi khuẩn, ký sinh vật bằng cách đặt một ống thông luồn qua kim chọc qua màng nhẫn giáp để hút dịch khí phế quản hoặc rửa khí phế quản với lượng dịch khoảng 10ml (hoặc ít hơn). Phương pháp này có thể thực hiện đối với những bệnh nhân bị suy hô hấp. Tuy nhiên, cần cẩn trọng vì kỹ thuật này có thể gây ra một số biến chứng như tràn khí dưới da, tràn khí trung thất, chảy máu tại chỗ, ho ra máu...

Suy hô hấp
Phương pháp được áp dụng trên bệnh nhân suy hô hấp

2. Chỉ định/chống chỉ định chọc hút dịch khí phế quản qua màng nhẫn giáp

2.1 Chỉ định chọc hút dịch khí phế quản qua màng nhẫn giáp

Lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm vi sinh vật (vi khuẩn, nấm, lao...) trong trường hợp người bệnh mắc các bệnh phổi nhiễm trùng không khạc được đờm: viêm phổi, viêm phế quản, hen phế quản bội nhiễm, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao phổi không ho khạc được đờm, nấm phổi, nhiễm trùng cơ hội ở người bệnh HIV/AIDS...

Lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm tế bào học tìm tế bào ung thư đối với người bệnh u phổi thể trạng không cho phép tiến hành nội soi phế quản, sinh thiết khối u...

ung thư phổi
Bệnh nhân ung thư phổi

2.2 Chống chỉ định

  • Rối loạn cầm máu đông máu: cần điều chỉnh trước khi tiến hành thủ thuật.
  • Bướu cổ gây che lấp màng nhẫn giáp, che lấp đường vào của catheter.
  • Người bệnh đang bị suy hô hấp rối loạn huyết động nặng.
  • Có cơn cường giáp cấp.
  • Người bệnh không hợp tác với thầy thuốc khi tiến hành thủ thuật.

3. Thực hiện chọc hút dịch khí phế quản qua màng nhẫn giáp

3.1 Chuẩn bị

  • Người thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa hô hấp, hồi sức cấp cứu;
  • Dụng cụ: Bộ ống thông cỡ 2mm và dài 30cm, bộ hút (có 2 đường vào ra có nút cao su lắp vừa ống nghiệm vô khuẩn, một đường nối với ống thông, đường còn lại nối với máy hút), bơm tiêm 20ml hoặc máy hút áp lực âm, ống nghiệm vô khuẩn đựng bệnh phẩm (đề tên người bệnh, số giường, khoa điều trị), dung dịch xylocain 2% và bơm tiêm 5ml để gây tê, dung dịch natriclorua 0,9% để bơm rửa khi cần thiết, kẹp phẫu tích, cồn 70°, bông y tế để sát khuẩn vùng chọc;
  • Người bệnh: Được giải thích về mục đích thủ thuật, được khám lâm sàng cẩn thận và hồ sơ bệnh án theo quy định (cần ghi mạch, nhiệt độ, nhịp thở, huyết áp trước khi thực hiện thủ thuật)
Chọc hút dịch khí phế quản qua màng nhẫn giáp
Chọc hút dịch khí phế quản qua màng nhẫn giáp

3.2 Thực hiện kỹ thuật

  • Đặt bệnh nhân nằm ngửa trên giường, phần đầu nằm ngửa tối đa;
  • Kê cao vai bệnh nhân, để cổ ưỡn 30° so với mặt giường (bộc lộ vùng cổ).
  • Xác định khe giữa sụn nhẫn, sụn giáp.
  • Sử dụng betadine và sau đó là cồn 70° sát khuẩn tại chỗ.
  • Gây tê vùng chọc kim.
  • Chọc kim dẫn ống thông qua màng nhẫn giáp theo đúng kỹ thuật;
  • Lắp hệ thống hút. Trong trường hợp ít dịch, không đủ để làm xét nghiệm thì bơm qua ống thông 10ml dung dịch natriclorua 0,9% rồi thực hiện hút.
  • Kết thúc thủ thuật: Rút kim và ống thông đồng thời.
  • Ép chặt vị trí chọc kim để phòng ngừa nguy cơ tràn khí dưới da ở vùng chọc.

3.3 Theo dõi sau thủ thuật

Theo dõi người bệnh sau thủ thuật để phát hiện biến chứng có thể xảy ra:

  • Tràn khí dưới da cổ.
  • Chảy máu chỗ chọc.
  • Ho ra máu.
  • Sốc do thuốc tê.
  • Những ngày sau có sốt hay không

4. Tai biến và cách xử trí sau chọc hút dịch khí phế quản qua màng nhẫn giáp

Một số tai biến và cách xử trí tai biến

  • Tràn khí dưới da chỗ chọc: băng ép 10-15 phút.
  • Tràn khí trung thất: thở oxy.
  • Ho ra máu ít không cần xử trí.
  • Ho ra máu nhiều: dùng các thuốc cầm máu, tìm nguyên nhân chảy máu, xem xét nội soi phế quản cầm máu.
  • Sốc do thuốc tê: xử trí như sốc phản vệ.
  • Sốt: kháng sinh từ 3-5 ngày.

Khi được chỉ định chọc hút dịch khí phế quản qua màng nhẫn giáp, bệnh nhân cần chủ động phối hợp với bác sĩ để thủ thuật diễn ra nhanh chóng, an toàn, giảm nguy cơ xảy ra tai biến, hỗ trợ cho công tác chẩn đoán xác định và điều trị bệnh sau này.

Sốt cao kéo dài
Người bệnh có thể sốt sau thủ thuật
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan