Chọc hút hạch hoặc u dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Nữ Trà My - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Kỹ thuật chọc hút hạch hoặc u dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính đang được ứng dụng rộng rãi hiện nay trong việc chẩn đoán xác định các tổn thương trong ổ bụng hoặc khoang sau phúc mạc. Từ kết quả thu được, bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng điều trị thích hợp nhất cho bệnh nhân.

1. Chọc hút khối u hoặc chọc hút hạch dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính là gì?

Chọc hút (hay chọc hút bằng kim nhỏ) là thủ thuật sử dụng một cây kim nhỏ, rỗng để đâm xuyên qua da vào tổn thương, lấy mẫu tế bào hoặc dịch từ khối u hoặc hạch. Mẫu tế bào thu được sẽ được gửi tới phòng xét nghiệm để khảo sát dưới kính hiển vi. Đây là kỹ thuật rất hữu ích để phát hiện ung thư.

Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) còn được gọi là chụp cắt lớp điện toán. Đây là phương pháp sử dụng máy CT chạy vòng quanh cơ thể bệnh nhân, phát ra sóng X-quang và đo độ hấp thụ năng lượng tia X của các cấu trúc cơ thể. Sau đó, các thông tin này được tổng hợp với nhau, tạo thành hình ảnh của cơ thể trên không gian 2 chiều hoặc 3 chiều.

Chọc hút hạch hoặc khối u dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính giúp bác sĩ định vị rõ tổn thương trong khi thực hiện thủ thuật, từ đó xác định được hướng đi của kim một cách chính xác tới vị trí tổn thương để cắt (hoặc hút) bệnh phẩm. Kỹ thuật này thường được áp dụng trong trường hợp không thực hiện được siêu âm khi tổn thương ở sâu, người bệnh thừa cân hoặc sau phẫu thuật,...

2. Chi tiết kỹ thuật chọc hút hạch hoặc u dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính

2.1 Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định

Thực hiện kỹ thuật để xác định các tổn thương khối trong ổ bụng hoặc khoang sau phúc mạc nhưng không rõ bản chất.

Chống chỉ định

  • Các trường hợp bị rối loạn đông máu;
  • Người bệnh không hợp tác: Người già hoặc trẻ em,...;
  • Không có đường vào an toàn để chọc hút.
Phương pháp này chống chỉ định cho  bệnh nhân mắc rối loạn đông máu
Kỹ thuật chống chỉ định với người bị rối loạn đông máu

2.2 Chuẩn bị kỹ thuật

  • Ekip thực hiện: Gồm bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ phụ, điều dưỡng, bác sĩ (hoặc kỹ thuật viên gây mê nếu bệnh nhân không hợp tác) và kỹ thuật viên điện quang;
  • Phương tiện kỹ thuật: Máy chụp cắt lớp vi tính, phim, máy in phim và hệ thống lưu trữ hình ảnh;
  • Vật tư y tế: Bơm tiêm các cỡ, nước cất hoặc nước muối sinh lý, găng tay, áo, mũ, khẩu trang, bông, gạc, băng dính, kim chọc hút chuyên dụng và kim sinh thiết chuyên dụng;
  • Thuốc: Thuốc gây tê tại chỗ, thuốc gây mê toàn thân nếu có chỉ định gây mê và thuốc đối quang iod tan trong nước;
  • Bệnh nhân: Được bác sĩ giải thích rõ về thủ thuật, quy trình thực hiện; người bệnh quá kích thích và không nằm yên có thể được cho dùng thuốc an thần; tại phòng can thiệp người bệnh nằm sấp, được lắp máy theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở, điện tâm đồ, SpO2; sát trùng da, phủ khăn vô khuẩn có lỗ;
  • Phiếu xét nghiệm: Hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định thực hiện thủ thuật, phim chụp X-quang, chụp CLVT, CHT nếu có

2.3 Tiến hành kỹ thuật

  • Nguyên tắc chung: Đặt đường truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân trước khi can thiệp; thực hiện thủ thuật dưới gây tê tại chỗ; một số trường hợp cần tiêm thuốc cản quang;
  • Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa hoặc sấp, nghiêng trái - phải tùy yêu cầu của bác sĩ; thực hiện gây tê tại chỗ;
  • Tiếp cận tổn thương: Bác sĩ chọc kim dưới định hướng của cắt lớp vi tính vào tổn thương.

Lưu ý quan trọng:

  • Nguyên tắc chọn đường vào: Cần chọn đường chọc hút khối u hoặc chọc hút hạch ngắn nhất có thể. Tuy nhiên, phải tránh những cấu trúc ống tiêu hóa, màng phổi, mạch máu. Đối với một số loại kim nhỏ có thể chọc qua ống tiêu hóa. Trường hợp cần phải chọc qua ống tiêu hóa thì nên tránh chọc qua đại tràng để giảm nguy cơ viêm phúc mạc;
  • Một số kỹ thuật có thể áp dụng: Thay đổi tư thế bệnh nhân để lựa chọn vị trí chọc vào hạch (hoặc khối u) an toàn nhất; có thể bẻ cong hoặc chuyển hướng kim chọc; hít sâu hoặc thở ra trong quá trình đẩy kim; bơm khí hoặc nước vào ổ phúc mạc để đẩy các tạng không mong muốn, ép bụng bệnh nhân,... Một số trường hợp có nguy cơ chảy máu cao, có thể nút đường chọc sinh thiết trong lúc rút kim ra khỏi cơ thể bệnh nhân.

2.4 Nguy cơ tai biến

Kỹ thuật chọc hút hạch hoặc u dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính có thể xảy ra một số tai biến không mong muốn như:

  • Thủng ruột, viêm phúc mạc;
  • Tràn máu trong ổ bụng hoặc khoang sau phúc mạc;
  • Tràn dịch màng phổi;
  • Tăng huyết áp kịch phát trong các trường hợp sinh thiết khối u tủy thượng thận hoặc u cận hạch;
  • Có thể làm tế bào ung thư lan ra theo đường chọc.
Tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi là một trong số những biến chứng không mong muốn khi thực hiện thủ thuật

Về cách xử trí, tùy mức độ tai biến và nguyên nhân gây ra, bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp đúng theo phác đồ chuẩn.

Kỹ thuật chọc hút hạch hoặc u dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính cần được thực hiện một cách chặt chẽ để giảm tối đa nguy cơ biến chứng. Vì vậy, bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình thực hiện thủ thuật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

359 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan