Hiểu về tình trạng giảm bạch cầu trung tính

Bạch cầu là thành phần quan trọng đối với cơ thể, ảnh hưởng trực tiếp khả năng miễn dịch. Có nhiều dạng bạch cầu, mỗi loại đảm nhiệm vai trò khác nhau do đó việc tăng hoặc giảm số lượng đều không tốt. Vậy số lượng bạch cầu trung tính giảm nói lên điều gì?

1. Bạch cầu trung tính đóng vai trò gì?

Bạch cầu là thành phần không thể thiếu trong máu. Bạch cầu tham gia vào quá trình ngăn ngừa sự tấn công của vi khuẩn, ký sinh trùng vào bên trong của cơ thể, giúp giảm thiểu những tổn thương xảy ra tại các cơ quan. Bạch cầu trong cơ thể chúng ta có khá nhiều loại, mỗi loại khác nhau sẽ có khả năng tiêu diệt một số vi khuẩn, virus nhất định.

Trong các loại bạch cầu, bạch cầu trung tính chiếm số lượng tương đối lớn, khoảng 43 - 76% trên tổng số bạch cầu. Bạch cầu trung tính còn được biết đến với tên gọi là Neutrophil, chúng được sản sinh từ trong tủy xương đóng vai trò thực bào. Ngay khi vi khuẩn, virus tấn công vào cơ thể người, bạch cầu trung tính sẽ nhanh chóng phát hiện và tiêu diệt các tác nhân ngoại lai này để bảo vệ cơ thể.

2. Giảm bạch cầu trung tính được định nghĩa như thế nào?

Cụ thể hơn các loại bạch cầu hạt bao gồm: bạch cầu ưa base, bạch cầu ưa acid và bạch cầu trung tính. Trong đó bạch cầu trung tính chiếm số lượng lớn nhất khi tính trên tổng số lượng bạch cầu hạt và trên tổng số lượng tế bào bạch cầu có trong máu. Có thể thấy bạch cầu trung tính đóng vai trò quan trọng giúp chống lại các tác nhân lây nhiễm từ bên ngoài, do đó giảm bạch cầu trung tính có thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn nặng, ảnh hưởng đến tình sức khỏe của bệnh nhân.

Giảm bạch cầu trung tínhsố lượng bạch cầu trung tính giảm đi trong máu. Nếu số lượng giảm nghiêm trọng thì nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của nhiễm khuẩn và nhiễm nấm sẽ tăng lên. Khi số lượng bạch cầu trung tính giảm, việc ngăn ngừa phản ứng viêm với các nhiễm trùng không còn hiệu quả.

Giới hạn dưới tiêu chuẩn của số lượng bạch cầu trung tính là 1500/mcL (1,5 × 10^9/L) ở người da trắng và con số này sẽ thấp hơn ở người da đen: khoảng 1200/mcL (1,2 × 10^9/L).

Số lượng bạch cầu trung tính thường không duy trì ổn định như số lượng của các tế bào khá. Chúng có thể thay đổi đáng kể và nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn, tùy thuộc vào các yếu tố như tình trạng hoạt động, trạng thái lo lắng, nhiễm trùng và việc sử dụng thuốc. Do đó bệnh nhân cần thực hiện các cận lâm sàng một cách thường xuyên để xác định mức độ trầm trọng của giảm bạch cầu trung tính.

3. Mức độ trầm trọng của tình trạng giảm bạch cầu trung tính

Mức độ nghiêm trọng của việc giảm bạch cầu trung tính liên quan đến nguy cơ nhiễm trùng, chúng được phân loại như sau:

  • Giảm bạch cầu trung tính nhẹ: 1000 đến 1500/mcL (1 đến 1,5 × 10^9/L);
  • Giảm bạch cầu trung tính trung bình: 500 đến 1000/mcL (0,5 đến 1 × 10^9/L);
  • Giảm bạch cầu trung tính nặng: < 500/mcL (0,5 × 10^9/L).

Khi số lượng bạch cầu trung tính giảm xuống < 500/mcL, hệ vi khuẩn nội sinh (như vi khuẩn tồn tại tự nhiên trong miệng hoặc ruột) cũng có thể là tác nhân gây nhiễm trùng. Nếu số lượng bạch cầu trung tính giảm rơi xuống < 200/mcL (< 0,2 x 10^9/L), lúc này các phản ứng viêm (với vai trò bảo vệ cơ thể) có thể không xuất hiện và các dấu hiệu viêm thường thấy (như tăng bạch cầu hoặc có bạch cầu trong nước tiểu hoặc có bạch cầu ở những vị trí nhiễm trùng) có thể sẽ không xảy ra.

Số lượng bạch cầu trung tính giảm cấp tính, trầm trọng, đặc biệt kèm theo một yếu tố khác (như ung thư) sẽ làm suy yếu đáng kể hệ miễn dịch của cơ thể, nhiều khả năng dẫn đến nhiễm trùng, gây tử vong nhanh chóng cho bệnh nhân.

4. Nhiễm trùng thường xảy ra ở người giảm bạch cầu trung tính

  • Viêm mô tế bào;
  • Nhọt đầu đinh;
  • Viêm phổi;
  • Nhiễm khuẩn huyết;
  • Viêm miệng, viêm lợi;
  • Viêm quanh trực tràng, viêm đại tràng;
  • Viêm xoang, viêm tai giữa;
  • Viêm quanh móng...

5. Nguyên nhân gây giảm bạch cầu trung tính

Hiện tượng bạch cầu trung tính giảm xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, một số bệnh nhân có số lượng bạch cầu trung tính giảm bẩm sinh, hiện tượng này có tên gọi khác là Kostmann. Lúc này bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị thường xuyên, nếu không, tình trạng nhiễm trùng sẽ xảy ra với mức độ nặng đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của người mắc bệnh.

Bên cạnh đó, một số bệnh nhân phải đối mặt với tình trạng số lượng bạch cầu trung tính giảm theo chu kỳ, trung bình một chu kỳ kéo dài khoảng 21 ngày. So với người có số lượng bạch cầu trung tính giảm bẩm sinh, trong trường hợp này số lượng bạch cầu trung tính giảm với tốc độ chậm hơn và không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe hay tính mạng của người mắc phải. Bệnh nhân chỉ cần duy trì theo dõi và điều trị theo chỉ định.

Hiện tượng số lượng bạch cầu trung tính giảm do tự miễn cũng là vấn đề không được chủ quan. Lúc này cơ thể chúng ta sẽ sản sinh ra các loại kháng thể, làm cản trở hoạt động của bạch cầu khiến số lượng bạch cầu trung tính giảm mạnh. Nếu bệnh tự miễn không được phát hiện và kiểm soát kịp thời, bệnh nhân rất dễ bị nhiễm trùng nặng nề.

Nhiều bệnh nhân bị giảm bạch cầu trung tính không rõ nguyên nhân. Trường hợp này được gọi là giảm bạch cầu trung tính vô căn, việc điều trị giảm bạch cầu trung tính sẽ gặp nhiều khó khăn.

Giảm bạch cầu trung tính thứ phát: đây là kết quả của việc sử dụng một số loại thuốc nhất định, do sự thâm nhiễm tủy xương, do nhiễm trùng hoặc phản ứng miễn dịch...:

  • Giảm bạch cầu trung tính do thuốc: đây là một trong những nguyên nhân phổ biến do thuốc có thể làm giảm quá trình sản sinh bạch cầu qua các cơ chế gây độc, hoặc có thể làm gia tăng sự phá hủy bạch cầu trung tính thông qua các cơ chế miễn dịch. Ví dụ thuốc phenothiazines gây giảm bạch cầu trung tính liên quan đến liều sử dụng thuốc. Trong một số trường hợp giảm bạch cầu trung tính nặng liên quan đến liều có thể dự đoán được sau khi dùng thuốc chống ung thư hoặc thuốc xạ trị gây ức chế sản xuất tủy xương. Tuy nhiên vẫn có trường hợp giảm bạch cầu trung tính không thể đoán trước được, xảy ra với nhiều loại thuốc khác nhau.
  • Giảm bạch cầu trung tính do giảm sản xuất tủy xương: xảy ra ở bệnh nhân thiếu máu tăng nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu vitamin B12 hoặc thiếu folate. Thêm vào đó thiếu máu hồng cầu to và đôi khi giảm tiểu cầu nhẹ thường xảy ra đồng thời với giảm bạch cầu trung tính. Sản xuất tế bào không hiệu quả sẽ gây rối loạn sinh tủy và hình thành bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính. Thâm nhiễm tủy xương bởi bệnh bạch cầu, u tủy, u lympho, khối u di căn... có thể làm giảm sản xuất bạch cầu trung tính. Xơ tủy do khối u có thể làm trầm trọng thêm tình trạng giảm bạch cầu trung tính.
  • Cường lách có thể dẫn đến giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, thiếu máu.
  • Nhiễm trùng có thể gây giảm bạch cầu trung tính: giảm sản xuất bạch cầu trung tính hoặc gây ra sự hủy hoại miễn dịch, sử dụng nhanh chóng các bạch cầu trung tính. Giảm bạch cầu trung tính xảy ra ở trẻ em nhiễm virus: từ 1 - 2 ngày đầu sau khi bị ốm và kéo dài từ 3 - 8 ngày. Rượu có thể góp phần làm giảm bạch cầu trung tính do ức chế phản ứng hoá học của bạch cầu trung tính ở tủy khi cơ thể có nhiễm trùng.
  • Giảm bạch cầu trung tính thứ phát mạn tính do nhiễm HIV...

6. Triệu chứng giảm bạch cầu trung tính

Giảm bạch cầu trung tính thường không có triệu chứng cho đến khi tình trạng nhiễm trùng phát sinh và sốt thường là dấu hiệu duy nhất của hiện tượng nhiễm trùng. Các dấu hiệu điển hình của viêm (sưng, đỏ, đau) có thể không có.

  • Bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính thứ phát do thuốc có thể bị sốt, phát ban, và hạch to do quá mẫn.
  • Một số bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính lành tính vô căn với mức bạch cầu trung tính < 200/mcL (< 0,2 x 10^9/L) sẽ không bị nhiễm trùng nặng.
  • Bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính theo chu kỳ hoặc giảm bạch cầu trung tính bẩm sinh nặng thường có khuynh hướng bị loét miệng, viêm miệng, viêm họng, hạch to khi giảm bạch cầu trung tính trầm trọng. Thường kèm theo viêm phổi và nhiễm khuẩn huyết.

7. Chẩn đoán tình trạng giảm bạch cầu trung tính

  • Cần nghĩ đến giảm bạch cầu trung tính ở người bị nhiễm trùng thường xuyên, nặng, bất thường hoặc người có nguy cơ cao (ví dụ người tiếp nhận thuốc gây độc tế bào hoặc xạ trị), xác nhận dựa trên công thức máu;
  • Nếu giảm bạch cầu trung tính cấp hoặc trầm trọng, cần tiến hành nhanh các xét nghiệm nuôi cấy tìm vi khuẩn
  • Chẩn đoán hình ảnh: chụp X quang ngực được thực hiện trên tất cả các bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính.
  • CT ngực có thể cần thiết với bệnh nhân suy giảm miễn dịch;
  • CT của xoang hữu ích nếu bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính có triệu chứng hoặc dấu hiệu của viêm xoang;
  • Chụp CT bụng thường được thực hiện nếu bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính các triệu chứng hoặc tiền sử nghi ngờ nhiễm khuẩn trong ổ bụng.
  • Xác định nguyên nhân: hỏi tiền sử gia đình, sự hiện diện của các rối loạn khác, các loại thuốc/chế phẩm tiếp xúc hoặc nuốt phải, khám lâm sàng phát hiện lách to và các dấu hiệu rối loạn khác;
  • Xét nghiệm tủy xương: xác định giảm bạch cầu trung tính là do giảm sản sinh tủy hay do tăng hủy hoại tế bào nhằm chỉ ra nguyên nhân cụ thể của chứng giảm bạch cầu trung tính.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

266 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan