Lưu ý khi sử dụng dung dịch sát trùng vết thương

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Huỳnh Kim Long có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hồi sức – Cấp cứu và Đột quỵ não cấp ở người lớn.

Dung dịch sát trùng vết thương rất quen thuộc trong tủ thuốc gia đình. Tuy nhiên để dùng đúng cách dung dịch sát khuẩn vết thương, cần lưu ý những điều sau đây.

1. Các loại dung dịch sát trùng vết thương thường gặp

Thuốc sát trùng là các hóa chất sử dụng ngoài da để chống việc nhiễm trùng. Thuốc sát trùng sát khuẩn thường có dạng nước và dùng để rửa vết thương. Thuốc sát trùng ngoài da chỉ hay sử dụng khi da bị tổn thương nhẹ (như khi té bị trầy xước), chứ không có tác dụng khi bị những vết thương quá sâu (như khi bị vật nhọn đâm làm chảy máu) và càng không bao giờ được dùng thuốc sát trùng khi bị bỏng.

1.1. Cồn

Loại cồn hay được dùng để sát trùng vết thương là cồn 70 độ. Trên 70 độ thì cồn sẽ không có tác dụng diệt được vi khuẩn.

Cồn hay được sử dụng cho các trường hợp sát trùng dụng cụ, sát trùng trước khi tiêm thuốc, sát trùng vết thương,...

Cồn không được uống và để bị dây vào mắt.

1.2. Cồn i-ốt

Đây là hỗn hợp giữa cồn và i-ốt. Lượng cồn có trong hỗn hợp này thường chỉ có tác để hòa tan i-ốt và chính i-ốt mới là chất có tác dụng oxy hóa vết thương, diệt các loại nấm bám trên da và từ đó cồn i-ốt mới có tác dụng diệt khuẩn.

1.3. Dung dịch sát khuẩn betadine

Dung dịch sát khuẩn vết thương được pha chế sẵn với phức hợp hữu cơ trong đó có chứa 10% Povidone – Iodine với nồng độ khác nhau.

Thành phần i-ốt khi được kết hợp với Povidine, bôi trực tiếp vào vết thương sẽ phóng thích ra i-ốt tự do và có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và nấm có hại cho cơ thể.

1.4. Nước Oxy-già

Bản chất của Oxy già là một dung dịch không màu của hydroperoxide (H2O2) trong nước với các nồng độ khác nhau. Khi sử dụng oxy già trên vết thương, ta thường thấy có hiện tượng sủi bọt. Đó là khi bị thương, máu và tế bào tiết ra enzyme catalase với tác dụng xúc tác cho phản ứng phân giải H2O2 thành nước và õy mới được sản sinh. Bọt trắng chính là khí oxy mới được tạo ra. Oxy mới sinh này có tác dụng oxy hóa rất mạnh, làm tổn thương các màng tế bào vi khuẩn, ADN và một số thành phần thiết yếu khác của tế bào vi khuẩn.

Oxy già
Chỉ được sử dụng oxy già cho những vết thương hở

2. Các lưu ý cần biết khi sử dụng dung dịch sát trùng vết thương

2.1. Đối với cồn và cồn i-ốt

  • Cồn 90 độ không có tác dụng diệt khuẩn cao như cồn 70 độ. Cồn nồng độ cao vô tình đã tạo ra một lớp bọc bên ngoài bảo vệ phần bên trong của vi khuẩn khỏi tác dụng của cồn. Hơn nữa, cồn cao độ hơn rất dễ bay hơi nên cũng giảm phần nào hiệu quả sát trùng những lầu sử dụng sau.
  • Đối với cồn i-ốt: đây là chất sát trùng rất mạnh có tính phá hủy các chất hữu cơ, đặc biệt là da chúng ta. Vì vậy mà bạn cần lưu ý:
  • Không dùng dung dịch cồn i-ốt có nồng độ trên 5% để sát trùng;
  • Hạn chế việc sử dụng trên vùng da mặt, da nhạy cảm và chỉ nên sử dụng cho vết thương ngoài da, không nên dùng cho vết thương sâu, hở miệng.

2.2. Cách sử dụng dung dịch sát khuẩn betadine

  • Không được sử dụng dung dịch sát khuẩn betadine cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú. Cần phải hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn sử dụng;
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về cách sử dụng betadine cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi;
  • Bệnh nhân bị tăng huyết áp, rối loạn tuyến giáp, trị liệu i-ốt phóng xạ không nên sử dụng dung dịch này;
  • Không sử dụng với bệnh nhân bị viêm da dạng herpes mạn tính Duhring và người bị bướu cổ;
  • Khi gặp những tác dụng phụ như bị ngứa, có ban đỏ, vết bỏng rộp,... nên dừng việc sử dụng và cần đi khám bác sĩ.
Đau tức ngực, khó thở khi mang thai có nguy hiểm không
Mẹ bầu cần phải hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn sử dụng dung dịch sát khuẩn betadine

2.3. Đối với nước oxy già

  • Vì nước oxy già có thể gây kích ứng và gây “bỏng” da cũng như gây niêm mạc nên với những vết thương nhỏ, bạn chỉ cần dùng oxy già nồng độ loãng là đã có tác dụng (1,5%, 3%);
  • Không bôi oxy già vào những vết thương đang lành, lên da non vì oxy già sẽ gây tổn thương nguyên bào sợi và từ đó làm vết thương lâu lành hơn;
  • Chỉ được sử dụng oxy già cho những vết thương hở, không được bôi vào những vùng kín hoặc nhỏ vào những khoang kín của cơ thể bởi ở những nơi đó oxy sẽ giải phóng ra nhưng không thoát ra được do vậy có thể gây những biến chứng rất nguy hiểm như tắc mạch hơi, tắc mạch khí. Khi sử dụng ở tai, bạn cần phải được chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ vì nếu sử dụng tùy tiện có thể gây bỏng da ở tai, hoại tử tai,...;
  • Không được uống oxy già và nếu dùng oxy già để súc miệng thì phải súc thật nhanh.

Việc sử dụng dung dịch sát khuẩn vết thương để hỗ trợ sơ cứu là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, người dân cần được hướng dẫn sử dụng đúng cách, đặc biệt một số trường hợp nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để đưa ra quyết định phù hợp, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

139.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan