Máu toàn phần là gì và được dùng trong trường hợp nào?

Máu toàn phần được xem là chế phẩm máu toàn diện nhất, đầy đủ các thành phần. So với hồng cầu lắng, loại chế phẩm này rất hiếm khi được sử dụng. Theo đó, cần nắm rõ bản chất và các chỉ định khi sử dụng máu toàn phần, nhằm đạt hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh, tránh gây lãng phí.

1. Máu toàn phần là gì?

Máu toàn phần là toàn bộ thể tích máu thu thập được từ người hiến máu.

Chỉ những người trưởng thành khỏe mạnh và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, không thuộc các trường hợp phải trì hoãn hiến máu mới được tham gia hiến máu. Sau đó, máu sẽ được đem về các trung tâm, bệnh viện chuyên khoa huyết học. Tại đây, các đơn vị máu toàn phần này phải có kết quả an toàn với các xét nghiệm sàng lọc các bệnh nhiễm trùng qua con đường truyền máu, đạt đủ tiêu chuẩn về các tế bào máu và huyết thương mới được đưa vào phân loại nhóm máu. Cuối cùng, các đơn vị máu toàn phần sẽ được đánh dấu mã số, thời hạn sử dụng và dự trữ, sẵn sàng đáp ứng khi có nhu cầu.

Như vậy, nhìn chung, sau khi được thu thập từ người hiến máu và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết, nếu đạt yêu cầu, các đơn vị máu toàn phần sẽ được truyền trực tiếp cho người bệnh mà không qua thêm các bước xử lý nào. Trái ngược với máu toàn phần là các dạng chế phẩm khác của hồng cầu, như hồng cầu lắng, hồng cầu rửa hay hồng cầu nghèo bạch cầu. Ngoài ra, bên cạnh các chế phẩm hồng cầu, từ máu toàn phần, các bác sĩ huyết học sẽ tách chiết thành các sản phẩm khác như tiểu cầu, huyết tương, albumin... phục vụ cho các chỉ định chuyên biệt.

Truyền máu
Máu toàn phần được thu thập từ đối tượng hiến máu

2. Cách sử dụng và bảo quản máu toàn phần như thế nào?

Sau khi được lấy từ tĩnh mạch cánh tay của người hiến máu, máu toàn phần sẽ được đưa vào túi dự trữ có chứa chất chống đông và nhanh chóng đưa vào thùng, tủ mát dự trữ tạm thời, trước khi đưa vào các trung tâm hay bệnh viện chuyên khoa huyết học.

Tại bệnh viện, sau khi đã được xét nghiệm sàng lọc và phân loại theo nhóm máu, các đơn vị máu toàn phần sẽ được đóng gói dưới dạng 250ml cho mỗi đơn vị trong mỗi lần sử dụng. Máu sẽ được bảo quản tốt nhất trong nhiệt độ từ 2 độ C đến 6 độ C. Lúc này, hạn sử dụng của máu toàn phần sẽ kéo dài đến 35 ngày. Tuy nhiên, khi bảo quản ở nhiệt độ phòng từ 20 độ C đến 24 độ C, hạn sử dụng của máu toàn phần không quá 24 giờ.

Chính vì thế, chỉ lấy máu toàn phần ra khỏi môi trường dự trữ khi có chỉ định cần phải truyền máu. Kỹ thuật viên, điều dưỡng hay các cán bộ y tế nói chung có nhiệm vụ trong quy trình cấp phát máu cần tuân thủ đúng các bước theo quy định. Trong đó, vấn đề ghi nhận chính xác mã số của đơn vị máu toàn phần được cấp phát cũng như xác định đúng nhóm máu hệ ABO, hệ Rhesus của túi máu, của bệnh nhân và phản ứng chéo giữa máu túi máu và máu của bệnh nhân là quan trọng nhất.

Khi đã có chỉ định truyền máu và y lệnh cấp phát máu, máu toàn phần lấy ra khỏi tủ lạnh lưu trữ cần phải đem đi truyền nhanh trong vòng 30 phút và phải hoàn tất trong vòng 4 giờ. Nếu ngoài thời gian này, túi máu có nguy cơ bị lây nhiễm và bắt buộc cần hủy bỏ. Tương tự như vậy, nếu có bất kỳ lý do gì làm kéo dài thời gian truyền máu hay nghi ngờ có dấu hiệu tai biến trong khi truyền, cần ngừng truyền máu ngay lập tức, hủy bỏ đơn vị máu và lập biên bản báo cáo, xử trí theo quy định.

Những nhóm máu quan trọng trong truyền máu
Máu toàn phần được truyền cho người bệnh

3. Máu toàn phần được sử dụng khi nào?

Chỉ định sử dụng máu toàn phần so với hồng cầu lắng khá hạn chế. Chính vì thế, máu toàn phần ít khi được sử dụng. Dạng chế phẩm này dùng trong các trường hợp mất máu cấp gây giảm thể tích tuần hoàn (mất máu khối lượng lớn trên 30% thể tích máu, tương ứng với trên 1.500 ml máu ở người trưởng thành có trọng lượng trung bình khoảng 50kg), khi thực hiện thủ thuật thay máu hoặc thay thế cho hồng cầu lắng khi không có sẵn hay thiếu hụt hồng cầu lắng.

Không sử dụng máu toàn phần trong trường hợp bù máu khi thiếu máu mạn tính hay có tình trạng suy tim, quá tải tuần hoàn mới khởi phát.

Trong quá trình truyền máu toàn phần, không được truyền chung một đường truyền tĩnh mạch với các dược phẩm và dịch truyền cùng với máu, trừ dung dịch nước muối sinh lý nhằm khôi phục nhanh thể tích tuần hoàn có hiệu quả.

Tóm lại, máu toàn phần là dạng chế phẩm toàn diện nhất từ người hiến máu đến người nhận máu mà không trải qua các bước xử lý đặc biệt nào. Chính vì còn nhiều thành phần khác có thể không cần thiết, máu toàn phần được sử dụng khá hạn chế, chủ yếu là khi người bệnh mất máu cấp tính quá nhiều và cần bù đắp đầy đủ các thành phần trong máu một cách nhanh nhất.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan