Phẫu thuật vỡ, lún xương sọ

Vỡ, lún xương sọ là dạng chấn thương sọ não nghiêm trọng chứa đựng nguy cơ tử vong cực kỳ cao. Nguyên nhân chính thường do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt,... Phẫu thuật vỡ, lún xương sọ là kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề chuyên môn rất cao và có nhiều năm kinh nghiệm để thực hiện.

1. Tìm hiểu chung về phẫu thuật vỡ, lún xương sọ

Lún sọ là tình trạng bản ngoài của xương sọ bị vỡ và nằm dưới bản trong xương sọ bình thường ở các vị trí xung quanh. Đây là dạng chấn thương sọ não thường gặp nhất và phải xử trí cấp cứu ngoại khoa đúng cách. Vết thương khi lún sọ có thể sạch hoặc bẩn, lún sọ kín hoặc lún sọ hở và có thể xảy ra tại bất kỳ vị trí nào trên xương sọ như nền sọ, thái dương, chẩm, trán, đỉnh đầu.

Lún sọ hở nghiêm trọng hơn lún sọ kín vì nguy cơ nhiễm trùng vào trong sọ rất cao, đặc biệt là trường hợp lún sọ ở khu vực khoang tĩnh mạch. Hấu hết các bệnh nhân bị vỡ, lún xương sọ đều được chỉ định phẫu thuật và sử dụng kết hợp kháng sinh phối hợp, phổ rộng và bao vây trong khoảng 2 - 7 ngày.

Chấn thương sọ não
Vỡ, lún xương sọ là dạng chấn thương sọ não nghiêm trọng

2. Một số trường hợp cần lưu ý khi phẫu thuật vỡ, lún xương sọ

Một số trường hợp mà chúng tôi liệt kê dưới đây cần được chỉ định thận trọng trước khi thực hiện phẫu thuật vỡ, lún xương sọ:

  • Vết thương sạch, nguy cơ nhiễm trùng thấp và xa vị trí lún sọ.
  • Sau khi kiểm tra không phát hiện bằng chứng rách màng cứng.
  • Diện lún xương sọ nhỏ hơn 1cm.
  • Vết lún không liên quan đến xoang trán.
  • Kiểm tra trong sọ không có khối tụ máu lớn.
  • Không ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người bệnh.

3. Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện phẫu thuật vỡ, lún xương sọ

3.1. Người thực hiện phẫu thuật

  • Phẫu thuật viên là bác sĩ chuyên khoa thần kinh giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật vỡ, lún xương sọ.
  • 2 phụ mổ.
  • Đội ngũ gây mê bao gồm: Bác sĩ gây mê chính, kỹ thuật viên gây mê phụ, nhân viên trợ giúp gây mê.
  • Kíp chuẩn bị dụng cụ: Những dụng cụ viên trong và ngoài kíp mổ.

3.2. Bệnh nhân

  • Bệnh nhân sẽ được chẩn đoán, thực hiện các xét nghiệm sinh học, đánh giá tổng thể tình trạng chấn thương, kết hợp với điều trị, nuôi dưỡng sao cho đủ điều kiện thực hiện cuộc phẫu thuật.
  • Trước khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân và gia đình sẽ được giải thích rõ ràng về tình trạng bệnh, khả năng có thể xảy ra trong phẫu thuật, những tai biến thường gặp do phẫu thuật, gây mê, thuốc giảm đau... Hoặc một số ảnh hưởng do chính cơ địa của người bệnh.
  • Bệnh nhân cần tắm rửa, gội đầu sạch sẽ, tùy thuộc và chấn thương mà bệnh nhân sẽ được chỉ định nên cắt tóc hay không.
  • Trước khi phẫu thuật bệnh nhân nên nhịn ăn trong vòng 6 tiếng.

3.3. Dụng cụ phẫu thuật

  • Bộ dụng cụ đại phẫu.
  • Dụng cụ phẫu thuật thần kinh chuyên dụng.
  • Thuốc.
  • Dịch truyền

3.4. Thời gian dự kiến phẫu thuật

Thông thường thời gian trung bình để thực hiện phẫu thuật nứt, lún xương sọ khoảng 1 tiếng rưỡi. Có thể kéo dài hơn nếu tùy thuộc và tình trạng vết thương của bệnh nhân.

Chấn thương sọ não
Phẫu thuật vỡ, lún xương sọ

4. Các bước tiến hành phẫu thuật vỡ, lún xương sọ

4.1. Tư thế phẫu thuật

Tùy thuộc vào vị trí của vết thương mà đặt tư thế bệnh nhân sao cho phù hợp nhất.

4.2. Kỹ thuật thực hiện

  • Thông thường sẽ thực hiện phương pháp gây mê nội khí quản toàn thân.
  • Xác định vị trí rạch da theo hình chữ U bao quanh vết lún sọ hay theo vị trí của vết thương.
  • Xử lý các tổn thương:
    • Bóc tách các tổ chức dưới da khu vực thương tổn để bộc lộ rõ ràng vũng xương bị vỡ lún. Lưu ý rằng bản trong của sọ bao giờ cũng lún rộng hơn bản ngoài. Tiếp đến nâng vũng xương bị vỡ lún, trong khi thực hiện cố gắng bảo quản màng não. Nếu có dị vật thì cần phải lấy ra trong quá trình thực hiện.
    • Nếu màng não của bệnh nhân bị rách thì phải khâu kín và phục hồi tối đa có thể.
    • Mảnh xương bị rời ra cần phải làm sạch và đặt lại vị trí ban đầu, trừ trường hợp xương bị vỡ vụn thành quá nhiều mảnh và bị nhiễm bẩn.
    • Khâu treo màng cứng, đặt một dẫn lưu bên ngoài của màng cứng. Trong khi thực hiện cần phải cầm máu tốt để tránh trường hợp tụ dịch máu ngoài màng cứng.
  • Đóng vết mổ 2 lớp (yêu cầu bắt buộc), có thể kèm dẫn lưu.

4.3. Một số trường hợp đặc biệt

Xương sọ bị lún kiểu bóng bàn

  • Trường hợp này thường gặp ở trẻ em dưới 1 tuổi, nếu bị lún ít thì chỉ định phẫu thuật còn phụ thuộc vào các yếu tố như có bị tụ máu hay rách màng cứng kèm theo hay không.
  • Đối với trường hợp lún nặng thì phải can thiệp bằng phẫu thuật hoặc thủ thuật.
  • Thủ thuật: Khoan một lỗ nhỏ bên cạnh diện xương lún và sử dụng dụng cụ để năng phần xương bị lún.

Lún sọ ở vùng khoang tĩnh mạch

  • Đối với trường hợp lún sọ tại vùng khoang tĩnh mạch sẽ điều trị bảo tồn trong trường hợp bệnh nhân không có rò dịch tủy hoặc tắc xoang.
  • Nếu bệnh nhân bị tắc xoang tĩnh mạch thì cần phải can thiệp ngoại khoa, tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương để có biện pháp xử lý thích hợp. Sau khi phẫu thuật cần điều trị thuốc chống đông cho bệnh nhân.
Gây mê nội khí quản
Thực hiện phương pháp gây mê nội khí quản toàn thân trước khi làm phẫu thuật

5. Theo dõi và xử trí tai biến sau phẫu thuật

Theo dõi tình trạng bệnh nhân

  • Kiểm tra khả năng thở, đo huyết áp.
  • Tình trạng thần kinh sau mổ.
  • Dẫn lưu sọ.
  • Viêm màng não.

Xử trí tai biến sau phẫu thuật

  • Chảy máu: Cần kiểm tra và tiến hành mổ lại, tiền hành truyền máu ngay sau khi phát hiện.
  • Sử dụng thuốc điều trị động kinh nếu bệnh nhân có dấu hiệu.
  • Viêm màng não: Chọc dịch.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan