Phương pháp hô hấp nhân tạo khi bị điện giật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Văn Hoàn - Bác sĩ Hồi sức Cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có kinh nghiệm 10 năm trong lĩnh vực Hồi sức cấp cứu.

Khi tiếp xúc với điện mà không được bảo vệ, luồng điện có khả năng gây ra những tổn thương nặng nề trên cơ thể hay những trường hợp xấu hơn là tử vong. Do đó, các bước sơ cứu người bị điện giật ban đầu là điều quan trọng để ổn định người bệnh cũng như hạn chế những thương tổn, biến chứng theo sau.

1. Điện giật là gì?

Điện giật xảy ra khi một người tiếp xúc với nguồn năng lượng điện. Tình trạng này gây ra các phản ứng vật lý đối với sự di chuyển của các dòng điện trong cơ thể. Những phản ứng này bao gồm từ những phản ứng nhẹ đến những cú sốc nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến mô trong cơ thể, quan trọng nhất là thương tổn tại chỗ, gây bỏng da hay rối loạn nhịp tim, ngừng tim và tử vong.

Mức độ nguy hiểm của điện giật phụ thuộc vào mức độ của điện áp, bộ phận nào của cơ thể bị ảnh hưởng và loại dòng điện.

2. Nguyên nhân gây ra điện giật

Một số đối tượng có nhiều nguy cơ bị điện giật hơn người bình thường. Phần lớn là trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn khi tiếp xúc nhiều với dòng điện do công việc.

Điện áp thấp thường không gây thương tích nghiêm trọng cho con người. Mặt khác, điện áp cao (hơn 500 vôn) có thể gây tổn thương mô nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đối với trẻ em, các thương tích đáng kể vẫn có thể xảy ra khi tiếp xúc với điện áp thấp khoảng 110 đến 220 vôn, được tìm thấy trong dòng điện gia dụng thông thường. Thậm chí, trẻ vẫn có thể bị điện giật ngay bởi các thiết bị gia dụng, dây nối dài và dây điện.

Điện giật
Một số đối tượng có nhiều nguy cơ bị điện giật hơn người bình thường

3. Các bước sơ cứu người bị điện giật

Có 2 bước cơ bản để cứu người bị điện giật là: Tách nạn nhân ra khỏi mạch điện; cứu chữa nạn nhân tại chỗ.

3.1 Tách nạn nhân ra khỏi mạch điện

3.1.1 Trường hợp cắt được mạch điện

Cắt điện bằng những thiết bị đóng, cắt gần nhất như: công tắc điện, cầu chì, hoặc rút phích cắm, cầu dao,...

3.1.2 Trường hợp không cắt được mạch điện

  • Nếu điện hạ áp thì người cứu: Đứng trên bàn, ghế, tấm gỗ khô, đi dép hoặc ủng cao su, đeo găng cao su để kéo nạn nhân; Dùng kìm cách điện, búa, rìu cán bằng gỗ để cắt đứt dây điện; Nếu không có các phương tiện trên có thể dùng gậy gỗ, tre khô gạt dây điện, đẩy nạn nhân để tách ra. Tuyệt đối không được chạm trực tiếp vào người nạn nhân vì như vậy người đi cứu cũng bị điện giật.
  • Nếu mạch điện cao áp, cách tốt nhất là phải nhanh chóng điện thoại cho đơn vị quản lý lưới điện hoặc qua tổng đài 19001006 để cắt điện kịp thời.

3.2 Cứu chữa nạn nhân sau khi đã tách khỏi mạch điện

Ngay sau khi nạn nhân được tách khỏi mạch điện và đưa đến vị trí an toàn, người cứu phải căn cứ vào tình trạng người bị nạn mà cấp cứu:

3.2.1 Đối với nạn nhân bất tỉnh, không có dấu hiệu thở, không bắt được mạch

Tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim lồng ngực tại chỗ.

3.2.2 Phương pháp hà hơi thổi ngạt kết hợp ép tim ngoài lồng ngực

  • Để nạn nhân nằm ngửa, nới rộng quần áo, thắt lưng, moi rớt rãi trong mồm nạn nhân ra, đặt đầu nạn nhân hơi ngửa ra sau.
  • Người cứu đứng (hoặc quỳ) bên cạnh nạn nhân, đặt chéo 2 bàn tay lên 1/3 dưới xương ức, giữa ngực nạn nhân rồi dùng cả sức mạnh thân người ấn nhanh, mạnh, làm lồng ngực nạn nhân bị nén xuống (3÷5) cm. Sau khoảng 1/3 giây, buông tay ra để lồng ngực nạn nhân trở lại bình thường. Làm như vậy, khoảng từ 80-100 lần/phút.
  • Kết hợp động tác ép tim phải hà hơi, thổi ngạt. Dùng miếng gạc đặt lên miệng nạn nhân, người cứu ngồi bên cạnh đầu, lấy một tay bịt mũi nạn nhân, một tay giữ cho miệng nạn nhân há ra (nếu thấy lưỡi bị tụt vào thì kéo ra), hít thật mạnh để lấy nhiều không khí vào phổi rồi ghé sát vào miệng nạn nhân rồi thổi mạnh cho lồng ngực phồng lên (hoặc bịt miệng để thổi vào mũi).
  • Nếu chỉ có một người cứu thì cứ 15 lần ép tim chuyển sang hà hơi, thổi ngạt 02 lần.
  • Nếu có 02 người thì một người làm động tác ép tim, người còn lại hà hơi, thổi ngạt. Cứ 05 lần ép tim lại thổi ngạt 01 lần. Điều quan trọng là phải kết hợp 02 động tác nhịp nhàng với nhau, nếu không thì động tác này sẽ phản lại động tác kia.
  • Tuyệt đối không cấp cứu bằng cách để nạn nhân nằm dưới nước hoặc đắp đất ướt lên người nạn nhân, không đổ bất cứ thuốc hay nước gì vào miệng nạn nhân.
  • Nếu nạn nhân bắt đầu có phản ứng và có dấu hiệu của tự thở lại bình thường, cần chuyển nạn nhân về vị trí phục hồi. Lúc này cho phép đầu bệnh nhân nghiêng về một bên và cho phép chất nôn hoặc chất lỏng thoát ra khỏi miệng một cách an toàn, giảm nguy cơ hít sặc vào phổi.
ép tim
Nếu chỉ có một người cứu thì cứ 15 lần ép tim chuyển sang hà hơi, thổi ngạt 02 lần

Tóm lại, điện giật là một chấn thương thường gặp trong sinh hoạt hay lao động hằng ngày, có thể gây tử vong. Các bước sơ cứu người bị điện giật ngay lập tức là rất quan trọng để ngăn ngừa thương tích nặng cũng như tỷ lệ tử vong. Đồng thời, nắm vững quy trình của phương pháp hô hấp nhân tạo khi bị điện giật và thực hiện hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu tổn thương não cũng như di chứng tàn phế về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan