Chẩn đoán và xử trí tai biến liên quan đến thuốc tương phản

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thục Vỹ - Bác sĩ Chẩn Đoán Hình Ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Việc sử dụng thuốc tương phản trong một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng phổ biến mang lại nhiều ưu điểm nhất định. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bị sốc phản vệ thuốc cản quang.

1. Thuốc tương phản là gì?

Thuốc tương phản hay còn gọi là chất tương phản được sử dụng để cải thiện hình ảnh bên trong cơ thể khi người bệnh chụp X-quang, chụp cắt lớp điện toán (CT), chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm. Thông thường, thuốc tương phản cho phép bác sĩ phân biệt giữa bệnh lý và không bệnh lý.

Chất tương phản giúp bác sĩ phân biệt các khu vực được kiểm tra so với các mô xung quanh. Bằng cách cải thiện khả năng hiển thị của các cơ quan, mạch máu hoặc mô, chất cản quang giúp bác sĩ dễ dàng phát hiện có bệnh lý xảy ra.

Chất tương phản đi vào cơ thể theo một trong ba cách:

  • Uống
  • Đưa qua đại tràng
  • Tiêm vào mạch máu (tĩnh mạch hoặc động mạch)

Sau chụp với chất tương phản, thuốc này sẽ được cơ thể hấp thụ hoặc đào thải thông qua nước tiểu hoặc nhu động ruột.

Giá trị của chụp có ép và không ép thấy rõ hệ thống đài bể thận
Hình ảnh kết quả phim Xquang có sử dụng chất đối quang

2. Các loại thuốc tương phản

Các hợp chất dựa trên i-ốt và bari-sulfat

Các hợp chất này được gọi là chất cản quang được sử dụng trong chụp X-quang và chụp cắt lớp (CT) và chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Vật liệu tương phản có cấu trúc hóa học i-ốt. Đây là một nguyên tố hóa học tự nhiên được tiêm vào tĩnh mạch hoặc động mạch, đĩa đệm hoặc dịch não tủy hoặc vào các khoang cơ thể khác. Còn Barium-sulfate là chất cản quang phổ biến nhất được dùng bằng đường uống hay các dạng khác bao gồm:

  • Bột, được trộn với nước trước khi dùng
  • Chất lỏng
  • Miếng dán

Khi các chất tương phản có nguồn gốc từ iốt và bari-sulfat có mặt trong một khu vực cụ thể của cơ thể, chúng sẽ chặn hoặc hạn chế khả năng tia X đi qua. Do đó, các mạch máu, các cơ quan và mô cơ thể khác có chứa các hợp chất dựa này sẽ thay đổi cách chứng xuất hiện trên hình ảnh X-quang hoặc CT.

Gadolinium là thành phần chính của chất tương phản thường được sử dụng trong chụp cộng hưởng từ (MRI). Khi chất này đi vào trong cơ thể, nó làm thay đổi tính chất từ ​​của các phân tử nước gần đó, giúp tăng cường chất lượng hình ảnh của MRI.

Nước muối và không khí cũng được sử dụng làm chất tương phản trong một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.

Microbubble và microspheres đã được sử dụng trong siêu âm, đặc biệt là để kiểm tra tim.

Thở máy sau phẫu thuật
Trường hợp bệnh nhân suy hô hấp nặng không nên tiêm thuốc đối quang

3. Chẩn đoán và xử trí tai biến do thuốc cản quang

Biến chứng nguy hiểm nhất của tai biến do chụp thuốc cản quang là sốc thuốc cản quang có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc với thuốc cản quang từ vài phút đến vài giờ.

3.1 Chất cản quang có Barium Sulfate

Bạn nên nói với bác sĩ nếu những tác dụng phụ nhẹ của barium-sulfate trở nên nghiêm trọng hơn hoặc không biến mất:

  • Co thắt dạ dày;
  • Tiêu chảy;
  • Buồn nôn;
  • Nôn;
  • Táo bón.

Triệu chứng của sốc phản vệ do thuốc cản quang có chứa barium-sulfate:

  • Nổi mày đay;
  • Ngứa;
  • Da đỏ;
  • Sưng cổ họng;
  • Khó thở hoặc nuốt;
  • Khàn tiếng;
  • Kích động;
  • Hoang mang;
  • Tim đập nhanh;
  • Da hơi xanh.

Bạn có nguy cơ bị phản ứng bất lợi với barium-sulfate nếu:

  • Có tiền sử hen suyễn, sốt cỏ khô hoặc dị ứng khác, điều này sẽ làm tăng nguy cơ phản ứng dị ứng với các chất phụ gia trong chất bari-sulfate.
  • Bị xơ nang, sẽ làm tăng nguy cơ tắc nghẽn trong ruột non.
  • Mất nước nghiêm trọng, có thể gây táo bón nghiêm trọng.
  • Tắc nghẽn đường ruột hoặc thủng bị nặng do tác nhân bari-sulfat.
truyền dịch
Một số trường hợp có thể truyền dịch bằng đường tĩnh mạch khi bệnh nhân tụt huyết áp

3.2 Chất cản quang có thành phần iốt

Phản ứng nhẹ bao gồm:

  • Buồn nôn và nôn;
  • Đau đầu;
  • Ngứa;
  • Có cơn đỏ bừng mặt;
  • Phát ban da nhẹ hoặc nổi mề đay.

Phản ứng vừa phải bao gồm:

  • Phát ban da nghiêm trọng hoặc nổi mề đay;
  • Khò khè;
  • Nhịp tim bất thường;
  • Huyết áp cao hay thấp;
  • Khó thở.

Phản ứng sốc phản vệ bao gồm:

  • Khó thở;
  • Ngừng tim;
  • Phù nề cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể;
  • Co giật;
  • Huyết áp thấp.

Có tỷ lệ rất nhỏ người bệnh có thể bị phản ứng chậm nên dấu hiệu phát ban có thể xảy ra vài giờ đến vài ngày sau khi chụp với chất cản quang có thành phần là iốt.

Truyền dịch
Đường truyền tĩnh mạch được thiết lập giúp truyền dịch vào cơ thể bệnh nhân

3.3 Xử trí sốc phản vệ

Bước đầu tiên, nhân viên Y tế sẽ ngừng tiêm thuốc cản quang và tiêm epinephrine (adrenaline) ngay lập tức. Thuốc này có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được tiêm tĩnh mạch glucocorticoid và thuốc kháng histamine, những loại thuốc này giúp giảm viêm trong đường dẫn khí nên cải thiện khả năng thở.

Bác sĩ có thể sử dụng thêm các chất chủ vận beta như albuterol để giúp thở dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được thở oxy giúp cơ thể có được đủ lượng oxy cần thiết. Nếu người bệnh có thêm bất kỳ biến chứng do sốc phản vệ thì cũng sẽ được điều trị.

Sốc phản vệ thuốc cản quang rất nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời, bởi vậy bạn nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện các kỹ thuật có tiêm thuốc tương phản.

539 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan