Quy trình thực hiện chụp x quang thực quản

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Khổng Tiến Đạt, Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm với hơn 14 năm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Chụp x quang thực quản là phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ có cái nhìn cụ thể hơn về các thành phần ống tiêu hóa phía sau vùng miệng hầu và chủ yếu tập trung vào thực quản. Thực quản là một đoạn ống tiêu hóa xuất phát từ phía sau lưỡi ở vùng hầu kéo dài đến nối vào dạ dày.

1. Chụp x quang thực quản là gì?

Thực quản là một ống cơ thuộc hệ tiêu hóa, có nhiệm vụ đưa thức ăn từ vùng miệng hầu xuống đến dạ dày. Thực quản được chia làm ba đoạn tương ứng với vị trí giải phẫu của nó bên trong cơ thể, bao gồm thực quản đoạn cổ, thực quản đoạn ngực và thực quản đoạn bụng. Chiều dài trung bình của thực quản khoảng 25cm. Trên đường đi của thực quản tồn tại 3 vị trí hẹp nhất là chỗ nối hầu thực quản tương ứng với sụn nhẫn, chỗ bắt chéo của cung động mạch chủ và đoạn thực quản chui xuống cơ hoành tương đương với cơ thắt thực quản dưới.

Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh chụp x quang thực quản để chẩn đoán các bệnh lý gây ra các triệu chứng như khó nuốt hoặc các bất thường khác của đường tiêu hóa trên bao gồm thực quản, dạ dày và đoạn đầu ruột non, tá tràng. Để thực hiện chụp x quang thực quản, người bệnh sẽ được yêu cầu nuốt chất cản quang đã được pha với nước. Loại chất cản quang được sử dụng phổ biến nhất trên lâm sàng là barium, chúng sẽ bắt màu cản quang sáng trên phim chụp. Đặc điểm này giúp làm nổi bật lên hình ảnh của thực quản, đường bờ lót bên trong cũng như những thay đổi về hình dạng trong cử động nuốt của thực quản. Các bất thường được phát hiện trên phim chụp xquang thực quản sẽ là những gợi ý để chẩn đoán các bệnh lý của đường tiêu hóa trên.

Yếu cơ vùng hầu họng gây khó nuốt
Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh chụp x quang thực quản để chẩn đoán các bệnh lý gây ra các triệu chứng như khó nuốt

2. Phim chụp x quang thực quản giúp chẩn đoán được các bệnh lý gì?

Phim chụp x quang thực quản thường được chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến bất thường cấu trúc và chức năng của đường tiêu hóa trên. Một số các rối loạn mà phim chụp X quang thực quản có thể giúp ích trong việc chẩn đoán bao gồm:

  • Thoát vị hoành
  • Túi thừa thực quản
  • Co thắt tâm vị
  • Viêm thực quản
  • Tắc nghẽn lòng thực quản
  • Rối loạn hoạt động cơ thực quản biểu hiện bằng triệu chứng nuốt khó hoặc đau quặn bụng
  • Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
  • Ổ loét thực quản
  • Khối u trong lòng thực quản, bao gồm cả những khối u lành tính và khối u ác tính
  • Các khối u từ các cấu trúc xung quanh chèn ép gây biến dạng lòng thực quản
  • Nôn tái diễn
  • Không luồn ống nội soi vào được thực quản khi tiến hành nội soi đường tiêu hóa
  • Đánh giá các đường rò thực quản

Đôi khi chụp X quang thực quản là một phần của tiến trình chụp X quang toàn bộ đường tiêu hóa trên, liên quan đến cả dạ dày và tá tràng. Một phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác thường được thực hiện kèm theo chụp X quang thực quản là nội soi dạ dày thực quản hoặc nội soi tá tràng dạ dày thực quản.

3. Chống chỉ định thực hiện chụp Xquang thực quản

Chất cản quang barium nên được thay thế bằng các hợp chất cản quang tan trong nước trong những trường hợp sau để bảo đảm an toàn cho người bệnh:

  • Nghi ngờ có thủng thực quản
  • Đánh giá các đường rò tiêu hóa sau phẫu thuật sửa chữa

Khi sử dụng các thuốc cản quang tan trong nước cho bệnh nhân cần lưu ý nguy cơ sặc chất lỏng vào đường hô hấp. Tai biến hít phải các dung dịch cản quang tan trong nước có thể dẫn đến phù phổi diện rộng và đe dọa tính mạng người bệnh. Những thuốc có độ thẩm thấu thấp như Omnipaque nên được sử dụng thay thế trong những trường hợp này.

4. Quy trình thực hiện chụp Xquang thực quản

Khám bệnh
Người bệnh cần được tư vấn quy trình thực hiện và các nguy cơ, tai biến và các nguy cơ có thể gặp trước, trong và sau chụp phim

Để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, phương pháp chụp X quang thực quản cần được tiến hành tuần tự theo các bước sau:

  • Chuẩn bị bệnh nhân: người bệnh cần được tư vấn quy trình thực hiện và các nguy cơ, tai biến và các nguy cơ có thể gặp trước, trong và sau chụp phim. Lưu ý dặn dò người bệnh cần nhịn ăn uống trước khi tiến hành thủ thuật trong ít nhất 12 giờ và không mang trang sức, kim loại vào phòng chụp. Ngay trước khi chụp, các thông tin hành chính như tên tuổi và tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng thuốc nên được kiểm tra để tránh các sai sót.
  • Chuẩn bị phương tiện cần có như máy chụp phim X quang, thuốc cản quang, bơm tiêm, bông gạc, ...
  • Lựa chọn tư thế cho người bệnh: có thể hướng dẫn người bệnh đứng thẳng hoặc nằm tùy theo mục đích khảo sát trong từng trường hợp. Khi nghi ngờ các bất thường trong vận động của thực quản như co thắt tâm vị, rối loạn cử động nuốt hoặc muốn phát hiện dị vật trong lòng thực quản hoặc các đoạn hẹp trên thành thực quản nên lựa chọn tư thế đứng cho người bệnh.
  • Trong khi tiến hành chụp, người bệnh cần ngậm sẵn một ngụm thuốc cản quang và nuốt hoặc ngừng nuốt theo hướng dẫn của kỹ thuật viên. Người bệnh cần nín thở một vài lần trong suốt quá trình chụp để đảm bảo chất lượng phim chụp không bị nhiễu hình ảnh.

Chụp phim X quang thực quản mất trung bình khoảng 30 phút cho mỗi lần chụp. Một số các hình ảnh bất thường có thể thu được trên phim chụp xquang thực quản bao gồm

  • Rối loạn vận động thực quản với hình ảnh bất thường các sóng thứ cấp
  • Thực quản giãn to, uốn khúc ngoằn ngoèo
  • Thực quản có hình mỏ chim trong bệnh lý co thắt tâm vị
  • Biến dạng lòng thực quản do chèn ép từ các khối u ở các cơ quan xung quanh
  • Hình ảnh viêm thực quản
  • Ung thư thực quản.

5. Tác dụng phụ của thuốc cản quang

Táo bón
Nếu thuốc cản quang không được đào thải hoàn toàn khỏi cơ thể sau chụp X quang, người bệnh có thể mắc phải chứng táo bón

Nếu thuốc cản quang không được đào thải hoàn toàn khỏi cơ thể sau chụp X quang, người bệnh có thể mắc phải chứng táo bón. Vì thế, lời khuyên uống nhiều nước và ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ luôn được ứng dụng cho những người chụp phim X quang thực quản để tăng đào thải thuốc ra khỏi đường tiêu hóa. Nếu táo bón kéo dài và không cải thiện, bác sĩ có thể chỉ định thêm các thuốc nhuận tràng.

Phân của người bệnh sau khi chụp Xquang thường có màu sáng hơn do cơ thể không hấp thu barium. Màu sắc phân sẽ trở lại bình thường sau khi chất cản quang được đào thải hết.

Người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay nếu xuất hiện các vấn đề sau:

  • Có bất thường liên quan đến nhu động ruột và mất nhu động ruột
  • Đau bụng hoặc sưng nề vùng bụng
  • Đại tiện phân có kích thước nhỏ hơn bình thường

Ngoài ra, chụp phim X quang thực quản còn là một thủ thuật làm tăng mức phơi nhiễm với tia X. Nguy cơ xuất hiện các tai biến liên quan đến phơi nhiễm tia X sẽ tăng dần theo thời gian và có mối liên quan đến số lần chụp phim Xquang trong suốt cuộc đời. Phơi nhiễm tia xạ trong thai kỳ còn có thể gây ra các dị tật thai bất thường. Vì thế, phụ nữ mang thai không nên tiến hành chụp X quang thực quản.

Chụp X-quang thực quản có thuốc cản quang là phương pháp chẩn đoán hình ảnh để đánh giá cấu trúc giải phẫu của đường tiêu hóa. Vì thế bệnh nhân nên chọn các cơ sở y tế uy tín có đủ hệ thống máy móc y tế hiện đại để thực hiện kỹ thuật này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan