Sự thay đổi của cơ thể khi gây mê toàn thân

Bài viết có sự tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Xuận Tịnh - Bác sĩ Gây mê - Hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Gây mê toàn thân là hình thức mạnh nhất, thường được sử dụng để giúp bệnh nhân thư giãn và giảm đau trong quá trình phẫu thuật. Trong và sau quá trình gây mê toàn thân, cơ thể bệnh nhân có thể có những sự thay đổi.

1. Gây mê toàn thân là gì?

Có nhiều hình thức gây mê như: Tiền mê (khởi mê), gây mê toàn thân hoặc gây mê - gây tê phối hợp. Trong đó, gây mê toàn thân là phương pháp phối hợp nhiều loại thuốc nhằm mục đích giúp bệnh nhân ngủ mê, không đau đớn khi thực hiện phẫu thuật. Đây là loại gây mê mạnh nhất, thường được sử dụng nhất trong quá trình phẫu thuật. Khi sử dụng gây mê toàn thân trong phẫu thuật, bác sĩ có thể thực hiện các phương pháp điều trị hiệu quả. Trong khi đó, nếu bệnh nhân tỉnh táo và có thể cảm nhận được cơn đau thì việc phẫu thuật rất khó diễn ra.

2. Quá trình gây mê toàn thân

Đầu tiên, bệnh nhân được đối chiếu thông tin cá nhân, đảm bảo không có sai sót về người bệnh và thủ thuật thực hiện. Sau đó, người bệnh được cho sử dụng thuốc an thần để có thể đặt ống nội khí quản. Khi đã gắn các thiết bị theo dõi, các quy trình an toàn được đáp ứng, việc gây mê có thể bắt đầu.

Khi thực hiện gây mê toàn thân, các thuốc sẽ được tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân hoặc được hít vào phổi dưới dạng khí. Các cơ của cơ thể bị tê liệt, bao gồm cả các cơ hô hấp. Vì vậy, bệnh nhân được đặt một ống nội khí quản và thở máy để hỗ trợ hô hấp trong suốt thời gian gây mê.

Gây mê nội khí quản
Kỹ thuật đặt ống nội khí quản trong gây mê toàn thân

Trong quá trình phẫu thuật, người bệnh được theo dõi chặt chẽ bằng các thiết bị theo dõi nhịp tim, lượng oxy trong máu, ECG và số lần thở. Ngoài ra, bệnh nhân còn được theo dõi sát bởi các nhân viên trong phòng mổ và bác sĩ gây mê. Ống nội khí quản sẽ được rút ra khi bệnh nhân hồi tỉnh sau phẫu thuật. Với những phẫu thuật lớn như phẫu thuật tim hở, phẫu thuật não, bệnh nhân thường mất thời gian lâu hơn để tỉnh lại, có thể phải thở máy trong 6 - 8 giờ sau phẫu thuật.

Sau khi tỉnh lại, bệnh nhân có thể uống nước và duy trì chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong ngày đầu tiên sau phẫu thuật, bệnh nhân nên nghỉ ngơi thư giãn. Thời gian sau, người bệnh được khuyến nghị không vận hành máy móc hạng nặng, tránh uống rượu, sử dụng thuốc an thần,... nếu không có chỉ định của bác sĩ.

3. Sự thay đổi của cơ thể khi gây mê toàn thân

  • Không cảm thấy đau đớn

Mục đích của gây mê là giúp bệnh nhân không cảm thấy đau đớn khi thực hiện phẫu thuật. Các loại thuốc được đưa vào cơ thể người bệnh sẽ chặn luồng dẫn truyền của các dây thần kinh, ngăn các tín hiệu đau truyền tới não. Vì vậy, bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau đớn cho tới khi hiệu lực của thuốc gây mê giảm dần.

  • Mất toàn bộ ý thức

Khi gây mê toàn thân, bệnh nhân sẽ bất tỉnh hoàn toàn. Khi các loại thuốc bắt đầu có tác dụng, người bệnh sẽ bắt đầu cảm thấy choáng váng. Trong vòng một phút tiếp theo, bệnh nhân sẽ trở nên vô thức, các cơ bắp giãn ra và người bệnh cần hỗ trợ hô hấp cũng như các biện pháp tăng nhiệt độ vì dưới ảnh hưởng của thuốc gây mê hệ thống hô hấp sẽ không hoạt động tự động, thân nhiệt có thể bị giảm. Người bệnh sẽ không thể nhớ được bất kỳ điều gì trong suốt quá trình phẫu thuật. Do vậy, gây mê toàn thân giúp giảm bớt những lo ngại của phẫu thuật.

Vô thức, gây mê
Sau khi gây mê, người bệnh rơi vào trạng thái vô thức

4. Các vấn đề thường gặp sau gây mê toàn thân

Có nhiều tác dụng phụ liên quan đến gây mê toàn thân, từ những tác động nhỏ không đáng kể tới những rủi ro nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Những tác dụng phụ khác nhau phụ thuộc vào thời gian phẫu thuật, vấn đề nền tảng của bệnh nhân. Người lớn tuổi, bị thừa cân, có thói quen hút thuốc lá, mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận,... có nguy cơ gặp rủi ro khi gây mê toàn thân cao hơn so với người khỏe mạnh.

Một số vấn đề thường gặp trên cơ thể sau gây mê toàn thân gồm:

  • Buồn ngủ: Các thuốc sử dụng trong gây mê toàn thân thường gây buồn ngủ và nhiều người bệnh ngủ gà gật trong khoảng vài giờ sau mổ. Sau đó, người bệnh có thể cảm thấy thoải mái hơn;
  • Buồn nôn và nôn ói: Là vấn đề thường gặp nhất sau gây mê. Có thể dễ dàng phòng ngừa và điều trị buồn nôn, nôn ói sau phẫu thuật bằng nhiều loại thuốc khác nhau;
  • Khô miệng: Do đặt ống thở nên phải mở miệng liên tục trong quá trình phẫu thuật dẫn đến bệnh nhân bị khô miệng. Triệu chứng này sẽ nhanh chóng cải thiện sau khi người bệnh có thể ăn uống lại;
  • Đau họng và khàn tiếng: Sau phẫu thuật kéo dài, người bệnh có thể bị đau họng, khàn tiếng hoặc viêm họng do kích thích của ống thở. Để khắc phục, bệnh nhân có thể dùng thuốc xịt họng hoặc viên ngậm. Nếu tình trạng khàn tiếng không cải thiện sau mổ 5 - 7 ngày thì người bệnh nên đi khám để được kiểm tra, điều trị;
  • Run và ớn lạnh: Là phản ứng tự nhiên của cơ thể với các thuốc được sử dụng trong phẫu thuật và triệu chứng này sẽ hết khi cơ thể đào thải hết thuốc. Ngoài ra, triệu chứng run và ớn lạnh cũng có thể do thân nhiệt hạ thấp trong quá trình phẫu thuật. Nếu do nguyên nhân này, sau khi ủ ấm bệnh nhân sẽ hết run, ớn lạnh. Bệnh nhân cũng có thể bị lạnh run nếu bị sốt sau phẫu thuật nhưng tình trạng này khá hiếm gặp và có thể điều trị theo chỉ định của bác sĩ;
  • Đau cơ: Một trong số các thuốc thường sử dụng trong gây mê toàn thân có thể gây đau cơ. Ngoài ra, việc bệnh nhân nằm bất động hoàn toàn ở một tư thế trong quá trình phẫu thuật cũng có thể gây đau cơ. Ngoài ra, sử dụng một số loại thuốc giãn cơ khi phẫu thuật cũng gây đau cơ, mỏi cơ sau mổ;

Ngứa: Các thuốc dùng trong và sau phẫu thuật có thể gây ngứa. Các thuốc giảm đau, đặc biệt là thuốc thuộc nhóm morphin gây ngứa nhiều hơn các thuốc khác dùng trong gây mê toàn thân.

Khô miệng lưỡi
Sau gây mê toàn thân người bệnh có thể gặp tình trạng khô miệng

5. Những biến chứng nghiêm trọng có thể gặp phải sau gây mê toàn thân

  • Bí tiểu: Gây mê toàn thân gây liệt cơ toàn cơ thể, trong đó có bàng quang. Không chỉ bị ảnh hưởng bởi thuốc gây mê, trong những phẫu thuật cần đặt thông tiểu, bàng quang cũng có thể bị ảnh hưởng. Sau khi rút thông tiểu, bệnh nhân có thể bị đau khi tiểu hoặc bí tiểu. Trường hợp không tiểu được sau phẫu thuật cần được can thiệp y tế ngay;
  • Loạn thần: Thay đổi tri giác, loạn thần là vấn đề có thể xuất hiện sau gây mê toàn thân. Tình trạng này hay gặp ở người bệnh lớn tuổi, có sa sút trí tuệ, mắc bệnh Alzheimer hoặc các bệnh lý gây loạn thần khác. Sự kết hợp các thuốc và cơ địa loạn thần làm gia tăng triệu chứng này cho tới khi cơ thể đào thải thuốc mê hoàn toàn. Ngoài ra, môi trường lạ (bệnh viện), do yếu tố kích thích ánh đèn cả ngày và đêm, âm thanh máy móc, can thiệp liên tục của nhân viên y tế,... có thể làm nặng hơn tình trạng loạn thần, sa sút trí tuệ;
Sa sút trí tuệ, lãng trí, quên
Người bệnh lớn tuổi có thể gặp tình trạng sa sút trí tuệ do biến chứng của gây mê

  • Khó cai máy thở: Ở hầu hết bệnh nhân, sau khi kết thúc phẫu thuật, ống thở sẽ được rút ra và người bệnh có thể tự thở trở lại sau vài phút. Số khác, người bệnh cao tuổi, có bệnh lý đi kèm (đặc biệt là bệnh hô hấp hay tim mạch) sẽ cần nhiều thời gian để cai máy thở. Những người bệnh không an toàn khi tháo bỏ máy thở sau mổ sẽ được tiếp tục thở máy vài giờ cho tới khi tỉnh hẳn. Một số trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân được chăm sóc ở phòng chăm sóc đặc biệt cho tới khi có thể tự thở;
  • Hít sặc hoặc viêm phổi: Là một biến chứng nghiêm trọng xảy ra do dịch và thức ăn bị hít vào phổi ở thời điểm trước, trong hoặc sau phẫu thuật. Bình thường, mỗi người có thể ho để loại bỏ dị vật ra khỏi đường thở nhưng trong phẫu thuật, phản xạ ho bị mất nên bệnh nhân có thể hít các chất nôn vào phổi. Tình trạng này gây viêm phổi sau phẫu thuật. Đây là một biến chứng nặng cần điều trị kháng sinh hoặc cần nhập viện lại. Vì vậy, bệnh nhân thường được khuyên không ăn uống một thời gian trước khi vào phòng mổ;

  • Liệt ruột: Thuốc mê có thể khiến ruột không hoạt động trở lại một thời gian sau mổ, gây liệt ruột. Người bệnh không xì hơi được sau mổ sẽ bị chướng bụng, khó chịu. Vấn đề này thường tự khỏi ư sau mổ một vài ngày. Trong trường hợp không hết, bệnh nhân nên báo với bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân khác gây liệt ruột hoặc sử dụng thuốc làm tăng nhu động ruột. Khi hết liệt ruột, bệnh nhân có thể được cho xuất viện;
  • Cục máu đông: Giữ một tư thế bất động trong nhiều giờ trong quá trình phẫu thuật làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông - thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu sau mổ. Cục máu đông thường hình thành ở các chi, đặc biệt là ở cẳng chân, sau đó trôi về trung tâm gây thuyên tắc các mạch máu khác, đặc biệt là động mạch phổi, có thể gây tử vong. Vì vậy, sau mổ bệnh nhân được khuyên nên sớm vận động lại ngay khi có thể để ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông hoặc các biến chứng hô hấp khác;
thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu,  máu đông
Cơ chế thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu ở người bệnh sau gây mê

  • Tăng thân nhiệt ác tính: Là tình trạng đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra do phản ứng quá mức của cơ thể đối với một số thuốc gây mê và có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Thân nhiệt tăng cao và co cơ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy đa cơ quan. Để dự phòng nguy cơ tăng thân nhiệt ác tính trong quá trình phẫu thuật, những người có tiền căn hoặc tiền sử gia đình có người bị tăng thân nhiệt ác tính cần được kiểm tra cẩn thận trước khi gây mê;
  • Thức tỉnh gây mê: Xảy ra khi các thuốc gây mê không đạt được hiệu quả làm người bệnh mất tri giác hoàn toàn. Thức tỉnh gây mê có thể để lại nhiều di chứng lâu dài cho bệnh nhân như mất ngủ, rối loạn tâm thần, trầm cảm,... Ngày nay, với các phương tiện theo dõi hiện đại như máy đo độ đau, máy theo dõi độ sâu gây mê,... biến chứng thức tỉnh gây mê rất hiếm xảy ra.

Gây mê toàn thân có thể dẫn tới nhiều biến chứng khó lường như chấn thương đường thở, tổn thương não, thậm chí tử vong. Vì vậy, khi gây mê phẫu thuật, cần phân tích cẩn thận lợi ích và nguy cơ, thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu nguy cơ tai biến, giúp cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân. Đặc biệt, nếu gặp các biến chứng nghiêm trọng sau mổ như bí tiểu, khó thở,... bệnh nhân cần nhập viện ngay để điều trị cấp cứu.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có đầy đủ các trang thiết bị Y tế hiện đại: Máy mê, các phương tiện hồi sức cấp cứu, trang thiết bị theo dõi: máy siêu âm, monitor, PCA, Auto bolus, máy kích thích thần kinh... Bệnh viện cũng có đội ngũ Y bác sỹ có nhiều năm kinh nghiệm, được đào tạo bài bản về Gây mê hồi sức/ điều trị giảm đau, trang thiết bị y tế hiện đại giúp theo dõi và chăm sóc an toàn cho khách hàng. Vì thế, khi có vấn đề gì về sức khỏe, khách hàng liên hệ tới bệnh viện để được tư vấn và có những chỉ định phù hợp.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan