Tai bị đau nhức bên trong phải làm sao?

Đau nhức bên trong tai có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Đau nhức tai nếu không được điều trị đúng cách có thể để lại những di chứng nguy hiểm. Vậy, tai bị đau nhức bên trong phải làm sao?

1. Nguyên nhân khiến tai bị đau nhức bên trong

Đau nhức bên trong tai là một tình trạng có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Có rất nhiều dạng đau tai khác nhau. Một số cơn đau diễn ra bất chợt, bệnh nhân sẽ cảm thấy nhói rồi cơn đau nhanh chóng biến mất. Trường hợp này thường do nguyên nhân từ bên ngoài tai, ví dụ như bất ngờ nghe âm thanh quá lớn làm màng nhĩ đau bất ngờ, áp lực gió khi di chuyển hoặc áp lực nước khi bơi. Một số tình trạng đau nhức bên trong là do các bệnh lý gây ra, trường hợp này bệnh nhân thường có những cơn đau từ từ, âm ỉ. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến gây đau nhức bên trong tai:

1.1 Nhiễm trùng

Nguyên nhân phổ biến khiến cho tai bị đau nhức bên trong là nhiễm virus hoặc vi khuẩn, gây ra viêm viêm tai giữa hoặc viêm tai trong. Viêm tai giữa thường xuất phát từ những bệnh lý nhiễm trùng tai mũi họng khác, chẳng hạn như cảm cúm hoặc dị ứng làm tắc nghẽn và sưng tấy đường tai mũi, họng. Đối với viêm tai trong, ngoài đau nhức tai người bệnh còn có thể bị rối loạn chức năng thăng bằng, tai chảy mủ hoặc có dịch,...

1.2 Lấy ráy tai không đúng cách

Ráy tai là sự kết hợp của chất nhờn tiết ra từ tai với bụi bẩn, vi khuẩn hay các tác nhân lạ. Khi ráy tai tích tụ, khô lại thành cục lớn sẽ khiến tai bị đau nhức bên trong và có cảm giác ù tai hoặc giảm thính lực. Tình trạng này sẽ càng tồi tệ hơn nếu bệnh nhân dùng ngón tay hoặc bông ngoáy quá mạnh để lấy ráy tai, vì lấy ráy không đúng cách sẽ chỉ làm cho ráy càng tụt sâu vào bên trong.

1.3 Thủng màng nhĩ

Bệnh nhân thủng màng nhĩ sẽ có các triệu chứng như đau nhói bên trong tai, đau đầu, ù tai, nếu nặng hơn thì có thể bị suy giảm thính lực hoặc mất thính lực. Nguyên nhân gây thủng màng nhĩ có thể là do ngoáy tai quá sâu, bị viêm tai giữa nặng nhưng không điều trị đúng cách hoặc do nghe một âm thanh quá lớn...Nếu gặp phải các triệu chứng trên, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.

1.4 Khối u trong tai

Khối u trong tai có thể gây chèn ép và ảnh hưởng đến các cấu trúc khác của tai khiến tai bị đau nhói. Khối u trong tai nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến các ổ nhiễm trùng nặng hơn gây áp xe não, viêm màng não,...Ngoài ra, khối u tai cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm, do vậy bệnh nhân cần thăm khám càng sớm càng tốt.

1.5 Áp xe răng cũng dẫn đến tai bị đau nhức bên trong

Áp xe răng là tình trạng hình thành ổ mủ bên trong răng, nướu hay xương giữ răng, dẫn tới đau răng, đau đầu và đau bên trong tai. Các triệu chứng khác gồm có sưng mặt, răng lung lay, nhạy cảm với thực phẩm nóng và lạnh, hơi thở hôi hoặc có mùi khó chịu. Nếu nhiễm trùng nặng bệnh nhân còn có thể bị sốt, mệt mỏi, khó nuốt hoặc khó thở.

1.6 Một số nguyên nhân khác

Bên cạnh những lý do kể trên, còn có một số nguyên nhân dẫn tới đau nhức bên trong tai, bao gồm:

  • Viêm mũi dị ứng: Viêm mũi dị ứng đôi khi kèm theo sốt, ho, hắt hơi và có thể dẫn đến đau nhói trong tai.
  • Viêm xoang; Viêm xoang xảy ra khi các xoang bị nhiễm trùng, gây ảnh hưởng đến tai-mũi-họng. Bệnh nhân bị viêm xoang thường có các dấu hiệu như đau đầu, đau nhức bên trong tai, choáng váng,...
  • Đau họng: Bệnh nhân đau họng thường có các triệu chứng như sưng hạch ở cổ, khản tiếng, mất tiếng và đau nhói tai.
  • Viêm amidan: Viêm amidan có thể khiến amidan sưng lên, đau buốt và khó chịu khi nuốt, kèm theo sốt cao và đôi khi đau nhói trong tai.

2. Tai bị đau nhức bên trong phải làm sao?

Đau nhức bên trong tai khiến người bệnh rất khó chịu và gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Sau đây là một số giải pháp giúp giải đau nhức tai tại nhà:

  • Uống nhiều nước: Uống nước có thể giúp cơ tai chuyển động nhẹ nhàng và giảm triệu chứng đau nhức. Do vậy, khi bị đau nhói trong tai, bệnh nhân có thể ngậm một ngụm nước nhỏ và nuốt từ từ để giúp tình trạng đau nhói trong tai
  • Chườm ấm: Đây là phương pháp được nhiều người sử dụng để giảm tình trạng đau nhói trong tai. Bệnh nhân có thể sử dụng một túi chườm ấm, sau đó chườm nhẹ xung quanh phần tai bị đau. Bệnh nhân nên lặp lại cách làm này thường xuyên để cho hiệu quả tốt.
  • Nhai kẹo cao su cũng có thể giảm đau và áp lực ở tai, đặc biệt trong các trường hợp đau tai do thay đổi áp suất khí quyển đột ngột.
  • Nghỉ ngơi ở tư thế ngồi, dựa thẳng lưng thay vì nằm cũng có thể làm giảm áp lực trong tai giữa và cải thiện tình trạng đau nhức.
  • Bệnh nhân cũng có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Ibuprofen. Lưu ý nên hỏi ý kiến nhân viên y tế trước khi sử dụng để tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc.

Ngoài ra, bệnh nhân lưu ý không được làm những việc sau đây:

  • Khi nghi ngờ có dị vật trong tai, không dùng bông ngoáy hoặc các vật dụng khác đưa vào tai để lấy ra vì có thể làm tổn thương tai nghiêm trọng.
  • Không dùng cồn, oxy già hay các thuốc nhỏ vào trong tai để tự điều trị khi chưa rõ nguyên nhân.
  • Tuyệt đối không vỗ mạnh vào tai để làm giảm ù, ngứa.

3. Cách phòng ngừa đau nhức bên trong tai

Luôn giữ cho tai khô ráo: Sau khi tắm hoặc bơi lội, bệnh nhân nên nghiêng tai để nước có thể chảy ra ngoài và nhẹ nhàng dùng tăm bông thấm khô nước.

Tránh áp lực quá lớn đối với tai, đặc biệt là khi đi lặn, bơi lội hoặc di chuyển nơi quá nhiều gió

Lấy ráy tai đúng cách: Bệnh nhân nên lấy ráy tai nhẹ nhàng, đúng cách hoặc có thể tới các cơ sở lấy ráy chuyên nghiệp để tránh gây tổn thương tai

Điều trị dứt điểm các bệnh lý viêm nhiễm tai mũi họng để tránh gây ra các biến chứng lâu dài.

Nếu bị ngứa tai kéo dài, tai có mùi, đau hoặc cảm giác nghe kém,bệnh nhân cần đi khám ngay vì để lâu có thể gây ảnh hưởng tới thính lực.

Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý: Nên ăn nhiều rau củ quả và các thực phẩm giàu dinh dưỡng, hạn chế đồ ăn cay nóng, đồ ăn quá cứng. Bệnh nhân cũng nên ăn chậm, nhai kỹ để luyện cơ hàm.

Tóm lại, đau nhức tai tuy không quá nguy hiểm nhưng cần được điều trị đúng cách. Nếu tình trạng đau nhức kéo dài, đặc biệt kèm theo sốt, chảy dịch, bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

155.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan