Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng bệnh bướu nhân tuyến giáp

Bướu nhân tuyến giáp là bệnh lý có thể phát hiện sớm dựa trên các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Đặc biệt, những người có tiền sử gia đình bị bệnh lý tuyến giáp cần chú ý những thay đổi vùng cổ và thăm khám sức khỏe định kỳ.

1. Bệnh bướu nhân tuyến giáp là căn bệnh như thế nào?

Tuyến giáp là một cơ quan có hình cánh bướm, nằm ở vùng cổ, có nhiệm vụ sản xuất các loại hoóc môn gồm Thyroxine ( T4), Tri-iodo-thyronine ( T3), có vai trò điều hòa các hoạt động sống trong cơ thể.

Bướu nhân tuyến giáp là một bệnh lý tuyến giáp, xuất phát từ các tế bào bất thường gây ra những thay đổi trong cấu trúc và chức năng nội tiết của tuyến giáp. Bệnh có thể lành tính hoặc ác tính nhưng đa số là lành tính (không ung thư). Theo đó, nếu bệnh được phát hiện càng sớm, khả năng chữa trị càng cao, do đó người bệnh cần khám bệnh sớm khi nghi ngờ các triệu chứng liên quan đến bệnh bướu nhân tuyến giáp.

2. Triệu chứng lâm sàng bướu nhân tuyến giáp

Hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh bướu tuyến giáp đều không có triệu chứng báo hiệu cụ thể, chỉ phát hiện bệnh khi tình cờ đi khám sức khỏe hoặc thực hiện siêu âm tuyến giáp. Tuy nhiên nếu thấy xuất hiện các triệu chứng sau đây thì bạn nên đi thăm khám và nhờ sự tư vấn của bác sĩ:

  • Cảm giác vùng cổ to ra hoặc sờ thấy khối u ở vùng cổ
  • Đau vùng cổ, nuốt nghẹn, khó thở, nói khàn
  • Biểu hiện của rối loạn chức năng tuyến giáp: Run tay, hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ, lo âu, gầy, sút cân
  • Tiền sử gia đình mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp
  • Người đã từng chiếu xạ ở vùng cổ
bướu nhân tuyến giáp
Nên đi siêu âm tuyến giáp khi thấy những triệu chứng bất thường ở vùng cổ

3. Xét nghiệm cận lâm sàng bướu nhân tuyến giáp

3.1 Siêu âm tuyến giáp

Siêu âm tuyến giáp là một xét nghiệm được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán và điều trị bướu nhân tuyến giáp. Xét nghiệm giúp quan sát các đặc điểm của tuyến giáp mà thăm khám lâm sàng không thể nhận biết được bằng cách đánh giá các đặc điểm về kích thước, số lượng, vị trí, tính chất của nhân giáp.

Siêu âm tuyến giáp còn được sử dụng để hỗ trợ một số thủ thuật như chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ, điều trị hút dịch, tiêm cồn, điều trị laser và theo dõi hiệu quả điều trị.

Siêu âm có giá trị cao trong việc xác định các đặc điểm của nhân giáp nhưng không thực sự đáng tin cậy trong chẩn đoán phân biệt tổn thương lành tính hay ác tính.

3.2 Sinh hóa máu

Xét nghiệm sinh hóa được sử dụng là đo nồng độ các hormon tuyến giáp (FT3, FT4 và TSH). Xét nghiệm mang tính chất bước đầu, giúp bác sĩ phân loại bệnh và định hướng đúng nguyên nhân gây bệnh. Trong bệnh lý bướu nhân tuyến giáp, hoóc môn tuyến giáp thường có nồng độ bình thường. Nếu nồng độ của các loại hoóc môn tăng lên hoặc giảm xuống, nguy cơ mắc bệnh cường giáp hoặc suy giáp sẽ cao hơn.

3.3 Chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ

Xét nghiệm chọc hút tế bào tuyến giáp có giá trị cao trong chẩn đoán phân biệt bệnh bướu nhân tuyến giáp lành tính hay ác tính, với độ tin cậy lên tới 95%. Xét nghiệm được chỉ định khi có nhân tuyến giáp ≥ 5mm và kết quả thăm dò tế bào học nhân giáp.

Tỷ lệ thành công của thủ thuật chọc hút tế bào tuyến giáp cao hơn khi có sự kết hợp của siêu âm. Dưới hình ảnh của siêu âm, tuyến giáp được hiện lên rõ ràng giúp bác sĩ xác định chính xác vị trí nhân giáp để chọc hút, từ đó làm tăng tính tin cậy của kết quả xét nghiệm.

Kết quả chọc hút tế bào tuyến giáp được đọc như sau:

  • Ác tính: Tỷ lệ ung thư chiếm từ 4 - 5% gặp chủ yếu ở 4 dạng (ung thư thể nhú, ung thư thể nang, ung thư thể tủy và ung thư thể không biệt hóa).
  • Lành tính: Chiếm tỷ lệ từ 69 - 74% gặp chủ yếu ở các dạng bướu keo, viêm tuyến giáp Hashimoto, viêm tuyến giáp bán cấp, nang tuyến giáp.
  • Nghi ngờ: Tình trạng quá sản nang, quá sản tế bào Hurthle và một số kết quả gây nghi ngờ ung thư nhưng chưa khẳng định được chính xác.
  • Không xác định: Tình trạng không xác định xảy ra do chọc hút không đúng vị trí, dẫn đến chỉ thấy tế bào bọt (Foam cell) hoặc dịch nang hoặc có quá ít tế bào hoặc quá nhiều hồng cầu.
chọc hút tế bào
Chọc hút tế bào giúp chẩn đoán chính xác bệnh bướu nhân tuyến giáp

3.4 Xạ hình tuyến giáp

Xạ hình tuyến giáp giúp xác định bướu đơn nhân hay đa nhân mà không giúp xác định kích thước của nhân bướu. Ngoài ra, xét nghiệm còn có giá trị trong chẩn đoán bướu sau xương ức.

Kết quả xét nghiệm được đọc như sau:

  • Nhân nóng: Tăng bắt chất phóng xạ, gặp ở 10% bướu nhân đặc
  • Nhân lạnh: Giảm bắt chất phóng xạ, có nguy cơ ác tính cao (5 - 15%) do các tế bào ung thư bắt i-ốt kém hơn các tế bào bình thường
  • Nhân ấm: Bắt tương đương mô xung quanh

3.5 Chụp CT scanner và cộng hưởng từ (MRI)

CT và MRI không có giá trị phân biệt bướu nhân tuyến giáp lành tính hay ác tinh, nhưng có giá trị trong đánh giá chính xác mức độ lan tỏa cũng như mức độ chèn ép khí quản của bướu nhân sau ức.

Bệnh bướu nhân tuyến giáp là căn bệnh nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng điều trị bệnh sẽ cao hơn rất nhiều so với các căn bệnh khác. Vì thế khi thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh thì bạn nên đến các trung tâm Y tế để thăm khám và chẩn đoán các bệnh liên quan đến tuyến giáp.

Gói tầm soát, sàng lọc các bệnh lý về tuyến giáp của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec giúp: Kiểm tra chức năng tuyến giáp, đồng thời Sàng lọc & phát hiện sớm các bệnh lý về tuyến giáp phổ biến như: bướu cổ đơn thuần, cường giáp, suy giáp, viêm tuyến giáp, nhân tuyến giáp, ung thư tuyến giáp, ... để từ đó có biện pháp điều trị thích hợp, kịp thời.

Để được tư vấn và đăng ký đặt lịch khám, Quý Khách hàng có thể liên hệ thống bệnh viện, phòng khám Vinmec trên toàn quốc TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan