Vai trò của thuốc giãn cơ trong gây mê

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Thành - Bác sĩ Gây mê Giảm đau, Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Trong gây mê phẫu thuật bác sĩ gây mê thường kết hợp nhiều loại thuốc để đạt được vô cảm tốt cho người bệnh, trong đó có 3 loại thuốc không thể thiếu là thuốc mê, thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ.

1.Thuốc giãn cơ là gì?

Thuốc giãn cơ là thuốc có tác dụng gây liệt cơ vân có hồi phục nhằm tạo thuận lợi cho quá trình gây mê và phẫu thuật.

Khi dùng thuốc giãn cơ, tất cả các cơ vân không thể co cơ được kể cả cơ hô hấp, do đó người bệnh không thể vận động được toàn thân và không tự thở mà phải cần đến sự hỗ trợ của máy giúp thở.

2.Tại sao phải dùng thuốc giãn cơ trong gây mê?

Trong một số phẫu thuật cần kiểm soát đường thở, bác sĩ gây mê sẽ đặt ống thở (nội khí quản) cho người bệnh. Thủ thuật này gây ra phản xạ nguy hiểm và gây đau rất nhiều nên cần đến thuốc mê, thuốc giảm đauthuốc giãn cơ.

Thuốc giãn cơ trong trường hợp này giúp tránh các phản xạ có thể gây nguy hiểm và hạn chế tổn thương các cấu trúc vùng hầu họng thanh môn đặt biệt là dây thanh trong lúc bác sĩ thao tác đặt ống thở cho người bệnh.

Ngoài ra thuốc giãn cơ làm cơ “mềm” hơn giúp phẫu thuật viên dễ dàng thao tác hơn trong các phẫu thuật vùng ngực, bụng, chỉnh hình xương,...

3.Cơ chế tác dụng của thuốc giãn cơ

vecuronium
Thuốc vecuronium thuộc nhóm thuốc giãn cơ không khử cực

3.1 Sinh lý co cơ

Để hiểu được cơ chế tác dụng của thuốc giãn cơ, chúng ta cần tìm hiểu sinh lý của tình trạng co cơ.

Khớp nối thần kinh cơ là khớp nối tận cùng của thần kinh và cơ vân trong đó tận cùng thần kinh trước synap có lưu giữ các túi chứa Acetylcholin (ACh) và tế bào cơ sau synap có gắn các thụ thể của Ach (AChR). Khi Ach gắn vào AChR sẽ khởi phát quá trình khử cực gây co cơ.

Cơ chế hoạt động co cơ có thể giải thích rõ hơn như sau: khi có điện thế động xuất hiện trong dây thần kinh thì các kênh Calci mở ra để dòng Calci đi vào nội bào, từ đó khởi phát sự phóng thích Ach từ các túi sy náp khuếch tán vào khe sy náp để gắn kết với thụ thể AchR ở tế bào cơ. AchR trở nên hoạt hóa cho phép Natri và Calci đi vào tế bào cơ, khử cực màng tế bào cơ và gây co cơ.

Khi Natri và Calci không thể đi vào tế bào cơ được nữa thì ion Kali đi ra khỏi tế bào cơ để bắt đầu quá trình tái cực và AchR trở lại trình trạng nghỉ ngơi để chuẩn bị cho hoạt hóa tiếp theo.

Sau khi khởi phát xong khử cực thì Ach vào khe sy náp và bị phân cắt thành Acetyl CoA và Cholin bởi men Acetylcholinesterase.

3.2 Cơ chế tác dụng của thuốc giãn cơ

Dựa vào cơ chế tác dụng, thuốc giãn cơ được chia thành 2 loại: thuốc giãn cơ khử cựcthuốc giãn cơ không khử cực. Thuốc giãn cơ khi tiêm vào cơ thể sẽ cạnh tranh với Ach để gắn kết vào AChR.

Thuốc giãn cơ khử cực (succinylcholine): cơ chế tác dụng giống như Ach đã nói ở phần trên. Succinylcholin gắn chặt vào AchR gây khử cực màng tế bào làm cho màng tế bào không đáp ứng được với kích thích của Ach dẫn đến tình trạng liệt cơ. Đặc điểm của thuốc này là giãn cơ sau khi rung cơ và hết tác dụng khi thuốc tách khỏi AchR và phân hủy bởi pseudocholinestherase.

Thuốc giãn cơ không khử cực bao gồm 2 nhóm aminosteroid (pancuronium, vecuronium, rocuronium) và nhóm benzylinsoquinoline (D-tubocuraine, atracurium, cis-atracurium, mivacurium) nồng độ cao của thuốc đối kháng cạnh tranh có hồi phục với Ach để gắn vào AchR. Ach không gắn được với AchR nên không gây khử cực màng tế bào cơ nên cơ bị giãn. Đặc điểm của thuốc giãn cơ không khử cực là không gây rung cơ.

4.Sử dụng thuốc giãn cơ có gì nguy hiểm không?

Suy hô hấp
Suy hô hấp vẫn có thể xảy ra do tồn dư thuốc giãn cơ trong cơ thể

Cũng như hầu hết các thuốc sử dụng để chữa bệnh khác thuốc giãn cơ cũng có những tác dụng phụ, những rủi ro và tỷ lệ dị ứng nhất định tùy theo từng loại thuốc.

Hơn nữa, do tác dụng liệt cơ kể cả cơ hô hấp nên việc sử dụng thuốc giãn cơ chỉ được chỉ định trong gây mê phẫu thuật bởi bác sĩ gây mê là những chuyên gia có kinh nghiệm xử lý đường thở và một số tình huống đặc biệt được chỉ định trong thở máy tại khoa hồi sức tích cực.

Sau khi hồi tỉnh, nguy cơ suy hô hấp vẫn có thể xảy ra do tồn dư thuốc giãn cơ trong cơ thể. Do đó, những trường hợp phẫu thuật có chỉ định thuốc giãn cơ sẽ được ekip gây mê và hồi tỉnh theo dõi độ giãn cơ liên tục trong mổ và độ hồi phục co cơ khi cuộc mổ kết thúc bằng máy theo dõi chuyên dụng TOF-watch.

5.Làm thế nào để hồi phục tình trạng liệt cơ do thuốc giãn cơ?

Thông thường khi thuốc giãn cơ hết tác dụng sau một khoảng thời gian (tùy thuộc thời gian bán hủy của từng loại thuốc) thì cơ sẽ hoạt động trở lại. Tuy nhiên để thúc đẩy nhanh tiến trình này giúp cho người bệnh hồi phục nhanh chóng chức năng của cơ trong đó quan trọng nhất là cơ hô hấp nhằm tránh tình trạng suy hô hấp do tồn dư thuốc giãn cơ thì bác sĩ gây mê có thể cho thêm thuốc hóa giải giãn cơ để đối kháng với tác dụng của thuốc giãn cơ.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ , hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan