Xét nghiệm Lipase trong chẩn đoán các bệnh lý tuyến tụy

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Xuân Lộc - Bác sĩ Ngoại Tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Có rất nhiều xét nghiệm chẩn đoán bệnh lý tuyến tụy. Tuy nhiên xét nghiệm lipase có vai trò vô cùng quan trọng, đặc hiệu hơn cả trong các bệnh lý tuyến tụy. Xét nghiệm lipase là xét nghiệm giúp xác định hoạt độ lipase trong máu. Chẩn đoán các rối loạn chức năng tụy, đặc hiệu hơn xét nghiệm amylase. Chẩn đoán viêm phúc mạc, nghẹt ruột hoặc nhồi máu ruột, nang giả tụy.

1. Xét nghiệm lipase là gì?

Lipase là một enzyme có nguồn gốc duy nhất từ tuyến tụy. Lipase được tiết vào đường tiêu hóa tham gia vào quá trình chuyển hóa trong cơ thể: Lipase được vận chuyển thông qua các ống tụy vào tá tràng, nó giúp tiêu hóa chất béo trung tính thành các axit béo và glycerol dễ hấp thu.

Lipase bình thường hiện diện trong máu với một số lượng nhỏ. Khi các tế bào trong tuyến tụy bị tổn thương, viêm tụy, ống tụy bị chặn do sỏi hoặc hiếm hơn là một khối u tuyến tụy, số lượng lipase vận chuyển vào trong máu tăng, làm tăng nồng độ lipase trong máu.

Xét nghiệm lipase là xét nghiệm giúp xác định hoạt độ lipase trong máu. Chẩn đoán các rối loạn chức năng tụy, đặc hiệu hơn xét nghiệm amylase. Chẩn đoán viêm phúc mạc, nghẹt ruột hoặc nhồi máu ruột, nang giả tụy.

2. Xét nghiệm Lipase trong chẩn đoán các bệnh lý tuyến tụy

Mục đích xét nghiệm lipase để chẩn đoán các bệnh lý tuyến tụy như: Viêm tụy, sỏi ống tụy hoặc khối u tụy, rối loạn chức năng tụy. Ngoài ra xét nghiệm còn dùng để chẩn đoán viêm phúc mạc, nhồi máu ruột, nghẹt ruột, chẩn đoán và theo dõi bệnh celiac, bệnh xơ nang, bệnh Crohn, theo dõi, đánh giá hiệu quả điều trị đồng thời xác định mức độ tăng/giảm lipase theo thời gian.

Xét nghiệm lipase đặc hiệu trong chẩn đoán viêm tụy. Đây là loại xét nghiệm được dùng để đo nồng độ của lipase trong máu. Xét nghiệm này thường được chỉ định cùng với xét nghiệm amylase với mục đích chẩn đoán và theo dõi viêm tụy cấp, viêm tụy mãn cùng các rối loạn khác liên quan đến tuyến tụy.

Xét nghiệm lipase giúp phân biệt tình trạng đau bụng do viêm tụy cấp với các tình trạng đau bụng do những căn nguyên khác. Qua đó, hoạt độ lipase sẽ nhanh chóng xác định được nguồn gốc cơn đau bụng là do tụy hay ngoài tụy.

Chỉ định xét nghiệm trong các trường hợp nghi ngờ bệnh lý tuyến tụy với những biểu hiện như:

  • Đau bụng thượng vị, hạ sườn trái, lan ra sau lưng, triệu chứng có thể xuất hiện sau khi ăn các thực phẩm giàu chất béo;
  • Buồn nôn hoặc nôn;
  • Bí trung đại tiện
Tìm hiểu hiện tượng triglyceride máu trong viêm tụy cấp
Xét nghiệm Lipase giúp chẩn đoán các bệnh lý của tuyến tụy

3. Ý nghĩa của xét nghiệm Lipase

3.1 Lipase tăng trong các trường hợp

  • Trong viêm tụy cấp tính, mức độ lipase thường rất cao, thường cao hơn gấp 5-10 lần so với giá trị tham khảo. Nồng độ lipase thường tăng trong vòng 24-48 giờ sau khi tuyến tụy bị tổn thương cấp tính và vẫn còn cao tới ngày thứ 14.
  • Hoạt độ lipase cũng có thể tăng lên do tắc nghẽn ống tụy, ung thư tuyến tụy, và các bệnh về tụy khác.
  • Tăng lipase trong các bệnh lý khác: Loét dạ dày- tá tràng gây thủng, viêm túi mật cấp, tắc ruột non, nhồi máu ruột, bệnh gan mạn tính, suy thận cấp và mạn tính, viêm phúc mạc, nghiện rượu, một số thuốc có thể làm tăng mức độ lipase như codeine, indomethacin và morphine.

3.2 Lipase giảm trong các trường hợp

Mức độ lipase giảm có thể do tổn thương vĩnh viễn các tế bào sản xuất lipase trong tuyến tụy. Điều này có thể xảy ra trong các bệnh mạn tính gây ảnh hưởng đến tuyến tụy như xơ nang.

Lipase
Lipase giảm trong một số bệnh lý mạn tính

4. Một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm lipase

  • Mẫu bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu
  • Hoạt độ lipase máu tăng khi có sự can thiệp của một số loại thuốc như: viên uống ngừa thai, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, corticosteroid, ethanol, thuốc chống virus, paracetamol...
  • Hoạt độ lipase máu có thể giảm khi có sự can thiệp của Ion canxi
  • Các bệnh như bệnh thận mãn tính và cholesterol cao
  • Có thai
  • Có thủ thuật nội soi ngược dòng (ERCP) trước khi xét nghiệm lipase

Xét nghiệm Lipase được thực hiện vào buổi sáng. Trước khi làm xét nghiệm bệnh nhân phải nhịn ăn từ 8-12 giờ. Lượng máu lấy khoảng 2ml được cho vào ống nghiệm không chống đông hoặc chống đông EDTA, lithiheparin. Kết quả xét nghiệm sẽ có sau khoảng 1 giờ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: