Tại sao bạn cần chụp MRI vú?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Anh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chụp cộng hưởng từ MRI là phương pháp chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng hiện đại và hiệu quả, mang đến hình ảnh rõ nét giúp chẩn đoán chính xác các tổn thương ở tuyến vú.

1. Chụp MRI tuyến vú là gì?

Chụp cộng hưởng từ MRI là phương pháp sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra các hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong vú.

2. Tại sao cần chụp MRI tuyến vú?

Chụp cộng hưởng từ tuyến vú mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh nhân và bác sĩ, bao gồm:

  • Nó được sử dụng như một công cụ bổ sung để sàng lọc vú sau khi chụp nhũ ảnh và siêu âm hoặc có thể được dùng trong sàng lọc những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao
  • Đánh giá mức độ ung thư sau chẩn đoán hoặc đánh giá thêm những bất thường trên nhũ ảnh.
  • An toàn do không sử dụng tia X nên bệnh nhân không bị ảnh hưởng bởi bức xạ ion hóa.
  • Là phương pháp đánh giá tốt tình trạng túi ngực thẩm mỹ.

Bên cạnh mặt lợi ích, chụp cộng hưởng từ MRI tuyến vú vẫn còn một số hạn chế nhất định. MRI tuyến vú không phải là sự thay thế cho chụp nhũ ảnh. Mặc dù đây là một xét nghiệm có hiệu quả cao, đôi khi chụp cộng hưởng từ tuyến vũ vẫn có thể không tìm thấy ung thư. MRI tuyến vú cũng có thể dẫn đến kết quả dương tính giả. Điều này có nghĩa là xét nghiệm tìm thấy một khối lượng hoặc sự thay đổi khác, nhưng đó không phải là ung thư thực sự. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ có thể đề nghị siêu âm. Nếu vị trí nghi ngờ ung thư vẫn không phát hiện được bằng siêu âm thì bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm sinh thiết MRI.

chup-mri-tuyen-vu-1
Chụp MRI giúp sàng lọc ung thư vú ở những phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao

3. Những trường hợp chỉ định chụp MRI tuyến vú

Dưới đây là các trường hợp được chỉ định chụp MRI vú, bao gồm:

  • Trong trường hợp không kết luận được bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh tuyến vú thông thường, sẽ được chỉ định sử dụng MRI vú để xác định những tổn thương.
  • Đưa ra các đánh giá về mức độ lan rộng của tổn thương ung thư vú sau chẩn đoán.
  • Kiểm tra vú đối bên cho những bệnh nhân bị ung thư vú ung thư vú.
  • Đánh giá sự xâm lấn sâu của ung thư đến cân cơ.
  • Đánh giá những tổn thương còn sót lại sau phẫu thuật cắt bỏ khối u.
  • Nghi ngờ khối u tái phát đối với những bệnh nhân có hoặc không có tạo hình tuyến vú sau phẫu thuật.
  • Đánh giá trước, trong và sau đợt hóa trị.
  • Tầm soát ung thư vú đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh.
  • Có tổn thương hạch nách ác tính mà khối u nguyên phát chưa phát hiện.
  • Khảo sát các trường hợp vú rất to có hoặc không có túi ngực.
  • Đánh giá sự toàn vẹn của túi ngực thẩm mỹ.

4. Chuẩn bị chụp MRI vú

Để có kết quả tốt, bạn nên lên lịch khám vào những thời điểm nhất định của chu kỳ kinh nguyệt. Ví dụ: nếu bạn đang ở độ tuổi tiền mãn kinh, cơ sở chụp MRI có thể yêu cầu bạn lên lịch làm thủ tục trong các ngày từ 5 đến 15 của chu kỳ kinh nguyệt. Bạn nên cho họ biết mình đang ở ngày thứ mấy của chu kỳ kinh nguyệt để cơ sở có thể sắp đặt thời gian chụp MRI vú tốt cho bạn.

Khi bạn đã lên lịch chụp MRI vú, bạn sẽ nhận được hướng dẫn chi tiết về cách chuẩn bị. Dưới đây là một số gợi ý chung:

  • Hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc bạn đang dùng, cũng như bất kỳ dị ứng thuốc hoặc các điều kiện y tế khác mà bạn có.
  • Hãy nói với bác sĩ nếu bạn đang mang thai.
  • Phụ nữ đang cho con bú cũng nên thông báo với bác sĩ. MRI vú được tiến hành trong khi phụ nữ đang cho con bú có thể không tạo ra hình ảnh đủ rõ ràng để giải thích chính xác. Các bác sĩ khuyến cáo, bạn nên ngừng cho con bú 2 ngày sau khi chụp MRI có tiêm thuốc tương phản từ để cơ thể bạn có thời gian thải hết thuốc. Trước khi chụp MRI vú, bạn nên hút và dự trữ sữa để cho bé bú.
  • Hãy thông báo với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ các thiết bị y tế cấy ghép trong người. Những thứ này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng khi tiếp xúc với từ tính mạnh MRI. Ví dụ như máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim, hay que cấy thuốc,..
  • Tuyệt đối không đem theo bất cứ vật gì bằng kim loại trong lúc chụp MRI vú.
chup-mri-tuyen-vu-2
Hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc bạn đang dùng trước khi chụp MRI tuyến vú

5. Trước khi chụp MRI vú

Khi đã được chỉ định chụp MRI vú, bạn sẽ di chuyển đến khoa chẩn đoán hình ảnh. Tại đây, các nhân viên y tế sẽ tiếp đón và hướng dẫn bạn thay đồ và tháo các đồ trang sức cũng như vật kim loại bạn mang theo. Khi thay đồ xong, bạn sẽ được đặt nằm trên giường chụp ở tư thế thoải mái, phù hợp với bộ phận cần chụp; sau đó giường sẽ tự động di chuyển đến vùng chụp.

Trong trường hợp bạn bị mắc chứng sợ không gian hẹp, hãy thông báo với bác sĩ để được sử dụng thuốc an thần liều nhẹ trước khi tiến hành chụp.

Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiêm thuốc tương phản từ vào tĩnh mạch ở cánh tay của bạn, nhằm làm rõ các mô hoặc mạch máu trên hình MRI. Thời gian tiêm thuốc khoảng từ 1-2 phút. Khi tiêm thuốc, bạn có thể cảm thấy toàn thân ấm lên, hoặc lưỡi có vị đắng. Các triệu chứng này sẽ hết trong vòng từ 2-5 phút.

6. Trong khi chụp MRI vú

Bác sĩ sẽ giúp định vị bạn trên bàn có đệm được thiết kế đặc biệt cho chụp MRI vú. Bạn sẽ nằm úp mặt xuống, hai tay ở bên cạnh và tựa đầu vào gối. Ngực của bạn được để gọn trong hai lỗ trống trên bàn bên trong có chứa coil- bộ phận giúp phát hiện tín hiệu từ trường từ máy MRI. Ở giữa máy chụp MRI vú có 1 lỗ tròn lớn, toàn bộ bàn sau đó sẽ trượt vào bên trong lỗ tròn này của máy.

Bạn sẽ cần nằm yên trong suốt 2 đến 6 chuỗi hình ảnh. Mỗi chuỗi sẽ kéo dài đến 15 phút. Khi chụp, máy sẽ phát ra âm thanh lớn do hiện tượng cộng hưởng từ. Trong trường hợp này, bạn có thể đeo tai nghe nhạc để thư giãn, giúp giảm tiếng ồn.

7. Sau khi chụp MRI vú

chup-mri-tuyen-vu-3
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là đơn vị đầu tiên đưa vào sử dụng máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla công nghệ Silent, mang đến những ưu điểm vượt trội

Bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh sẽ xem các hình ảnh chụp MRI vú của bạn. Bạn sẽ chờ khoảng 30 phút (hoặc vài giờ nếu cần hội chẩn) để nhận được phim và bảng kết quả.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là đơn vị đầu tiên đưa vào sử dụng máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla công nghệ Silent, mang đến những ưu điểm vượt trội. Chụp cộng hưởng từ MRI tại Vinmec sẽ có những ưu điểm vượt trội sau:

  • Công nghệ chụp cao, an toàn bậc nhất bởi sự chính xác, không xâm lấn và không dùng tia xạ.
  • Chất lượng hình ảnh cao, cho phép bác sĩ đánh giá toàn diện, hạn chế bỏ sót các tổn thương tại các cơ quan
  • Hạn chế tối đa tiếng ồn, tạo sự thoải mái nhất cho người bệnh khi chụp, giảm căng thẳng, điều này giúp chất lượng hình ảnh tốt hơn và rút ngắn thời gian chụp tối đa
  • Chụp MRI với công nghệ Silent đặc biệt đối với trường hợp người bệnh là người già và trẻ em, người có sức khỏe yếu, người bệnh đang phẫu thuật...
  • Chụp MRI tại Vinmec có thể chụp tái tạo mạch máu 3 chiều không cần tiêm thuốc đối quang từ, có thể chụp tái tạo và xử lý các xảo nhiễu chuyển động của bệnh nhân

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Anh đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh đặc biệt trong chẩn đoán hình ảnh ung thư vú, giáp. Được đào tạo chính quy tại trường Đại học Y Thái Bình và đào tạo chuyên khoa sau đại học tại trường Đại Học Y Hà Nội. Hiện bác sĩ đang là bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Cancer.net

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan