Tăng cân trong 3 tháng đầu - giữa - cuối thai kỳ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Trong quá trình mang thai, việc thai phụ tăng cân là rất cần thiết cho thai nhi. Mỗi một giai đoạn thai kỳ là một quá trình cơ thể thai phụ cần phải bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cả người mẹ lẫn thai nhi.

1. Tăng cân khi mang thai bao nhiêu là đủ?

Khi mang thai cơ thể của người mẹ sẽ bắt đầu có sự thay đổi, biểu hiện rõ rệt nhất đó là việc cân nặng tăng lên.

Riêng với mỗi giai đoạn thì biểu đồ tăng cân khi mang thai của bà bầu sẽ có sự thay đổi khác nhau và tùy theo tình trạng dinh dưỡng trước khi có thai của người mẹ mà khuyến nghị mức tăng cân như sau:

Với tình trạng dinh dưỡng bình thường: Mức tăng cân của người mẹ nên đạt là 10 – 12 kg. Cụ thể:

  • Tăng cân khi mang thai 3 tháng đầu: tăng 1 kg
  • Tăng cân khi mang thai 3 tháng giữa: tăng 4 - 5 kg
  • Tăng cân khi mang thai 3 tháng cuối: tăng 5 - 6 kg

Với tình trạng dinh dưỡng gầy: Mức tăng cân nên đạt 25% so với cân nặng trước khi mang thai.

Với tình trạng dinh dưỡng thừa cân, béo phì: Mức tăng cân nên đạt 15% cân nặng trước khi mang thai.

tang-can-khi-mang-thai-bao-nhieu-la-du-1
Tăng cân khi mang thai 3 tháng đầu: tăng 1 kg

2. Cách tính tăng cân khi mang thai

Cách tính cân nặng cần tăng cho bà bầu cần dựa trên chỉ số BMI của mẹ trước khi mang thai. BMI là chỉ số cơ thể được các bác sĩ và chuyên gia sức khỏe sử dụng để xác định tình trạng cơ thể của một người nào đó có bị thừa cân hay quá gầy hay không.

Cách tính: Chỉ số BMI = cân nặng (kg) / [chiều cao * chiều cao] (m)

  • Bước 1: Lấy cân nặng (kg) ở thời điểm chưa mang thai.
  • Bước 2: Đo chiều cao và tính bình phương: Chiều cao (m) x Chiều cao (m).
  • Bước 3: Chia cân nặng cho bình phương chiều cao.

Thông qua chỉ số BMI trước khi mang thai sẽ đánh giá được tình trạng cơ thể của người mẹ để từ đó đưa ra mức cân nặng cần tăng khi mang thai. Có thể tự đánh giá chỉ số BMI của bản thân qua bảng thống kê sau đây:

  • Gầy: BMI nhỏ hơn 18.5
  • Bình thường: BMI từ 18,5 - 25
  • Thừa cân: BMI từ 25-30
  • Béo: BMI 30 - 40
  • Rất béo: BMI trên 40

3. Nguy cơ trong việc tăng cân không điều độ trong thai kỳ

tang-can-khi-mang-thai-bao-nhieu-la-du-2
Tăng cân quá ít dễ dẫn đến tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung

Tăng cân quá ít

  • Tăng cân quá ít dễ dẫn đến tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai suy dinh dưỡng, tăng tỉ lệ sinh non.
  • Ảnh hưởng quá trình tiết sữa và không đủ sữa cho con bú.
  • Có thể gây sảy thai.

Tăng cân quá nhiều

Ảnh hưởng đến mẹ:

  • Thai phụ tăng cân quá mức có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao gấp đôi những phụ nữ tăng cân bình thường và dễ dẫn đến nguy cơ tiền sản giật, tăng huyết áp.
  • Mẹ bầu sẽ có nguy cơ cao phải đối mặt với bệnh trĩ, rạn bụng, các vấn đề với vùng xương chậu, són tiểu. Cơ thể quá thừa cân cũng khiến mẹ bầu thấy khó chịu và nóng hơn những bà bầu khác.
  • Mẹ bầu tăng cân quá nhiều sẽ khiến thai nhi thường có xu hướng to hơn, vì vậy mẹ sẽ bị mệt mỏi, cổ tử cung giãn rộng và chèn vào cơ hoành gây khó thở, phù chân. Việc sinh con to cũng khiến mẹ mất sức nhiều hơn, tổn thương phần mềm như rách âm hộ, âm đạo.
  • Tỉ lệ mổ lấy thai cao khi thai to ở những thai phụ có khung chậu bình thường hay hẹp. Việc mổ lấy thai trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn đối với các bà bầu béo phì vì lớp mỡ dày dưới da sẽ khiến bác sĩ khó khăn hơn trong việc gây tê, truyền tĩnh mạch.
  • Khi tăng cân quá mức trong thai kỳ sẽ dẫn đến thừa cân và béo phì khiến da chùng không săn chắc sau khi sinh con, khó lấy lại vóc dáng sau sinh.

Ảnh hưởng đến con:

  • Thai nhi to cũng dễ bị phì các cơ quan trong cơ thể, điển hình nhất là những bất thường ở buồng tim, dẫn đến xác suất tử vong cao khi ở trong bụng mẹ.
  • Khi thai quá to, quá trình chuyển dạ ở mẹ gặp nhiều khó khăn do đầu thai to, không lọt xuống thấp, gây rối loạn cơn gò. Khi đầu thai nhi đã lọt thấp xuống, quá trình sinh vẫn diễn ra chậm, đầu dễ bị chèn ép vào khung chậu, xương vai mắc kẹt ở khoang chậu của mẹ. Nếu xử lý không kịp thời, có thể con sẽ bị ngạt.
  • Rối loạn chuyển hóa sau sinh: những bé sinh nặng cân, sau khi sinh thường dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết, kéo theo một loạt những nguy hiểm khác.
  • Thai nhi quá to dẫn đến sinh khó, các bé dễ bị chấn thương trong khi sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

44.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan