Thông tin cần biết về mụn rộp sinh dục

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bệnh mụn rộp sinh dục hay còn gọi với cái tên khác là Herpes sinh dục, là bệnh lý nhiễm khuẩn đường sinh dục do virus Herpes Simplex (HSV) gây nên. Virus bệnh khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực tới sức khỏe của người bệnh vì thế các chuyên gia khuyên rằng bạn nên tìm hiểu kỹ về bệnh mụn rộp sinh dục để có biện pháp phòng tránh và xử lý nếu cần. Vậy mụn rộp sinh dục là gì? Để hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa mụn rộp sinh dục mời các bạn hãy cùng tìm hiểu qua những chia sẻ dưới đây.

1. Mụn rộp sinh dục là gì?

Mụn rộp sinh dục là một loại bệnh lây truyền qua đường tình dục ( STDs ). Nhiễm trùng HSV có thể gây ra vết loét và mụn nước quanh môi, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Đôi khi, nhiễm HSV không gây ra vết loét hoặc bạn bị nhiễm HSV nhưng không phát hiện ra. Mụn rộp sinh dục là loại bệnh khó chữa khỏi, tuy nhiên có một số loại thuốc có thể rút ngắn thời gian tái phát các thương tổn và làm cho nó ít nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí ngăn chặn xảy ra.

2. Những loại virus có thể gây ra mụn rộp sinh dục

Có hai loại HSV có thể gây ra mụn rộp sinh dục: HSV-1HSV-2. Nguyên nhân phổ biến nhất của mụn rộp sinh dục là HSV-2. HSV-1 thường gây ra vết loét chợt xuất hiện trên miệng, môi và mắt, nó đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ.

Theo thống kê tại Hoa Kỳ, có ít nhất 50 triệu người, trong đó có khoảng 1⁄6 người trưởng thành bị nhiễm HSV. Mụn rộp sinh dục phổ biến ở nữ giới hơn là nam giới.

3. Virus herpes lây truyền như thế nào?

HSV lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với vết loét herpes, thường là trong quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn. HSV cũng có thể có mặt trên da ngay cả khi không có vết loét. Nếu một người tiếp xúc với vi-rút trên da người bị nhiễm bệnh, thì người đó cũng có thể bị nhiễm bệnh.

Sau khi một người bị nhiễm lần đầu, HSV ở lại trong cơ thể. Nó di chuyển đến các tế bào thần kinh gần cột sống và lưu trú ở đó cho đến khi hệ miễn dịch của cơ thể có sơ xuất nó bắt đầu trở lại hoạt động. Khi điều này xảy ra, virus sau đó di chuyển dọc theo các dây thần kinh, trở lại nơi đầu tiên xâm nhập vào cơ thể và gây ra sự bùng phát mới của vết loét và mụn nước. Đây là tình trạng tái phát. Virus có thể được truyền cho người khác trong quá trình tái phát.

Tìm hiểu về bệnh lây nhiễm qua đường tình dục chlamydia, lậu và giang mai
Quan hệ tình dục là con đường lây truyền virus herpes

4. Khoảng bao lâu các triệu chứng sẽ xuất hiện sau khi bị nhiễm vi-rút herpes?

Khi một người bị nhiễm HSV lần đầu tiên, các triệu chứng sẽ xuất hiện khoảng 2 đến 10 ngày sau khi virus xâm nhập vào cơ thể.

Các triệu chứng của đợt bùng phát herpes đầu tiên là gì?

Lúc đầu, có thể có các triệu chứng giống như cúm, sốt, ớn lạnh, đau cơ, mệt mỏi và buồn nôn. Các vết loét xuất hiện dưới dạng mụn nước nhỏ, chứa đầy chất lỏng trên bộ phận sinh dục, mông hoặc các khu vực khác. Các vết loét thường tập trung lại thành cụm, khu vực xuất hiện vết loét sẽ bị sưng và đau. Nếu vết loét ở bộ phận sinh dục, bạn sẽ có cảm giác đau nhói hoặc nóng rát khi đi tiểu.

Sự bùng phát đầu tiên của mụn rộp sinh dục có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Trong thời gian này, vết loét vỡ ra và giải phóng chất lỏng. Sau một khoảng thời gian, các vết loét sẽ khô và lành lại mà không để lại sẹo.

Các triệu chứng của herpes tái phát là gì?

Khi bệnh sắp xảy ra một lần nữa, bạn sẽ có cảm giác nóng rát, ngứa hoặc ngứa ran gần nơi virus xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra còn có các triệu chứng như đau ở lưng, mông, đùi hoặc đầu gối. Vài giờ sau, vết loét có thể xuất hiện. Trong các đợt tái phát, thường không có sốt hoặc sưng ở vùng sinh dục. Các vết loét sẽ lành nhanh hơn trong vòng 3 đến 7 ngày. Ngoài ra, tái phát thường ít đau đớn hơn lần đầu. Bùng phát thường xảy ra thường xuyên nhất trong năm đầu tiên sau khi bị nhiễm bệnh. Đối với nhiều người, số lượng các lần tái phát sẽ giảm theo thời gian.

Mụn rộp sinh dục được chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán mụn rộp sinh học, các bác sĩ sẽ lấy một mẫu chất lỏng từ vết loét của bạn, sau đó mang đi kiểm tra để xem nó có chứa virus hay không và nếu có thì đó là loại HSV nào. Trong trường hợp không có vết loét, bạn có thể làm xét nghiệm máu. Những xét nghiệm này phát hiện các kháng thể mà cơ thể tạo ra để chống lại virus. Xét nghiệm máu cũng có thể xác định được các loại HSV.

5. Làm thế nào để ức chế mụn rộp sinh dục?

Sử dụng thuốc kháng vi-rút có thể rút ngắn thời gian và mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát. Nếu sử dụng hằng ngày có thể làm giảm số lượng các lần tái phát . Đây được gọi là liệu pháp ức chế. Trong một số trường hợp, liệu pháp ức chế có thể ngăn chặn sự bùng phát trong một thời gian dài. Nó cũng làm giảm nguy cơ truyền herpes từ người bị mắc phải cho người khác.

Những biện pháp giúp giảm nguy cơ truyền virus herpes cho bạn tình:

Nếu bạn bị mụn rộp sinh dục, bạn cần thực hiện các bước sau để tránh truyền HSV cho bạn tình:

  • Nói với các đối phương rằng bạn bị mụn rộp sinh dục trước khi có quan hệ tình dục.
  • Có thể truyền HSV cho người khác ngay cả khi bạn không có vết loét. Virus có thể xuất hiện trên da trước và sau khi bùng phát. Sử dụng bao cao su có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm HSV, tuy nhiên chúng không cung cấp sự bảo vệ hoàn toàn. Những vùng da có vi-rút nhưng không được bao bọc bởi bao cao su có thể lây nhiễm. Liệu pháp ức chế có thể làm giảm nguy cơ truyền bệnh cho bạn tình.
  • Hãy cảnh giác với các triệu chứng loét. tránh tiếp xúc tình dục từ khi bạn cảm thấy các triệu chứng này xuất hiện cho đến một vài ngày sau khi các vảy biến mất. Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi có thể tiếp xúc với vết loét. Điều này sẽ giúp bạn không tái nhiễm chính mình hoặc truyền vi-rút cho người khác.

6. Virus herpes có thể ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?

Nếu một phụ nữ đang mang thai và bị nhiễm HSV, nó có thể truyền cho thai nhi trong khi sinh (khi đi qua bộ phận sinh sản phụ nữ bị nhiễm bệnh). Nguy cơ truyền nhiễm cũng rất cao nếu người mẹ lần đầu tiên bị nhiễm HSV trong khi mang thai hoặc có đợt bùng phát đầu tiên vào cuối thai kỳ. Tuy nhiên, nó cũng có thể xảy ra trong một đợt bùng phát tái phát nếu người mẹ bị nhiễm bệnh trước khi mang thai, nhưng nguy cơ truyền bệnh thấp hơn nhiều.

Nếu có vết loét hoặc dấu hiệu cảnh báo về sự bùng phát tại thời điểm sinh nở, thai phụ có thể cần phải sinh mổ để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Quyết định phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả vết loét trên cơ thể bạn và liệu thai nhi có tiếp xúc với chúng trong khi sinh hay không.

Có thể cho con bú nếu người mẹ bị nhiễm virus herpes hay không?

Virus herpes không thể truyền sang em bé qua sữa mẹ. Tuy nhiên, em bé có thể bị nhiễm bệnh bằng cách chạm vào vết đau trên cơ thể bạn. Hãy chắc chắn rằng bất kỳ vết loét nào em bé có thể tiếp xúc đều được che chắn khi bế em bé hoặc trong khi cho con bú. Rửa tay bằng xà phòng và nước trước và sau khi cho bé ăn. Nếu người mẹ có vết loét trên vú, mẹ không nên cho bé bú từ vú đó.

Gói Khám, Sàng lọc các bệnh xã hội của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec giúp khách hàng khám sàng lọc các bệnh xã hội nhằm phát hiện bệnh sớm để có hướng điều trị hiệu quả, tránh biến chứng xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

266.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan