Ứng dụng của phương pháp điều trị hạ thân nhiệt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Phương pháp điều trị hạ thân nhiệt cho bệnh nhân ngưng tuần hoàn được giới thiệu lần đầu vào năm 1950 và ngày càng được chứng minh có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cấp cứu và cải thiện tỉ lệ tử vong cũng như biến chứng trên bệnh nhân ngưng tuần hoàn hô hấp. Đây chính là cơ hội cho bệnh nhân sau ngừng tim để có thể sống sót và giảm tỉ lệ các di chứng nặng nề về não sau này.

1. Kỹ thuật hạ thân nhiệt là gì?

Kỹ thuật hạ thân nhiệt là các biện pháp làm giảm nhiệt độ cơ thể bệnh nhân sau khi đã được cấp cứu tim sau ngừng tuần hoàn, biện pháp thông thường có thể là chườm đá hoặc truyền nước lạnh nhưng không thể kiểm soát được nhiệt độ chính xác dẫn tới hiệu quả hạn chế. Chính vì vậy các bác sĩ đã đưa một ống thông vào mạch máu để tiến hành hạ thân nhiệt điều trị, đưa nhiệt độ bệnh nhân về 33 độ trong 24 giờ để chờ cho các tế bào não hồi phục. Sau 24 giờ, máy sẽ làm ấm bệnh nhân một cách chặt chẽ với tiêu chuẩn 0,25 độ/giờ cho tới khi đạt nhiệt độ bình thường.

Thân nhiệt giảm chính là một cách giúp giảm chuyển hóa yếm khí ở tế bào, giảm nhu cầu oxy cũng như năng lượng của mô, giảm canxi vào tế bào và giảm sản xuất gốc tự do, tổn thương hàng rào máu não, từ đó não bớt phù viêm và tưới máu não, cấp oxy tốt hơn, giảm tình trạng độc tế bào não và hồi phục rất tốt. Thực tế phương pháp này đã được thực hiện thường quy trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam vẫn còn hạn chế.

2. Chỉ định của phương pháp điều trị hạ thân nhiệt

Rối loạn đông máu
Kỹ thuật chống chỉ định với bệnh nhân rối loạn đông máu

Phương pháp này chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bảo vệ tế bào thần kinh ở bệnh nhân hôn mê sau khi ngưng tuần hoàn hô hấp;
  • Bệnh nhân ngưng tuần hoàn có biểu hiện rung thất- nhanh thất vô mạch trong khi hồi sinh tim phổi;
  • Bệnh nhân hôn mê sau ngừng tim có biểu hiện vô tâm thu- hoạt động điện vô mạch trong khi hồi sinh tim phổi;
  • Cuối cùng là bệnh nhân tăng áp lực nội sọ kéo dài và không đáp ứng với điều trị nội khoa.

Các chống chỉ định của phương pháp bao gồm:

  • Bệnh nhân rối loạn huyết động nặng, kéo dài;
  • Bệnh nhân nhiễm trùng nặng;
  • Bệnh nhân rối loạn đông máu, chảy máu kéo dài;
  • Bệnh nhân mắc các lý huyết học nặng lên khi hạ thân nhiệt.

3. Các phương pháp hạ thân nhiệt

  • Hạ thân nhiệt bề mặt: Nghĩa là sử dụng nước lạnh hoặc chăn lạnh, miếng dán với các thiết bị trao đổi nhiệt cho bệnh nhân, hạ nhiệt khu trú bằng mũ,...
  • Hạ thân nhiệt bên trong: Kiểm soát thân nhiệt bằng nội mạch qua catheter chứa dung dịch lạnh đưa vào tĩnh mạch trung tâm hoặc truyền dịch vào tuần hoàn chung.

4. Các giai đoạn hạ thân nhiệt

Có 4 giai đoạn hạ thân nhiệt:

  • Giai đoạn 1: Là giai đoạn hạ thân nhiệt nhanh, bằng phương pháp được lựa chọn ở trên thì nhiệt độ cơ thể nhanh chóng đạt mức 32-36°C trong 1-3 tiếng;
  • Giai đoạn 2: Duy trì thân nhiệt mong muốn và tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân cũng như chiến lược của từng trung tâm hồi sức mà duy trì tình trạng trong 24-48 giờ;
  • Giai đoạn 3: Là giai đoạn làm ấm trở lại với mức tăng thân nhiệt từ 0,25- 0,5°C mỗi giờ để tránh biến chứng phù phổi cấp hay rối loạn huyết động;
  • Giai đoạn 4: Duy trì thân nhiệt ở mức bình thường trong khoảng thời gian 24 giờ.

Kỹ thuật hạ thân nhiệt là kỹ thuật tiên tiến và đã được chứng minh ở nhiều nơi trên thế giới về mức độ hiệu quả đối với bệnh nhân ngưng tuần hoàn. Chính vì vậy kỹ thuật này rất cần được nhân rộng ở Việt Nam để đem lại kết quả điều trị tốt cho bệnh nhân nặng bị ngưng tuần hoàn hô hấp khi các biện pháp khác đã vô nghĩa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan