Vệ sinh sạch sẽ nhưng hơi thở vẫn có mùi, vì sao?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II, Bác sĩ cao cấp Đoàn Dư Đạt - Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Hơi thở có mùi ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, khiến chúng ta kém tự tin khi giao tiếp. Xung quanh vấn đề này, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra như hơi thở có mùi hôi là bị bệnh gì, vì sao vệ sinh răng miệng sạch sẽ nhưng hơi thở có mùi. Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết dưới đây.

Hơi thở có mùi xảy ra khi những vi khuẩn tự nhiên ở trong khoang miệng phá vỡ các hạt thức ăn tồn tại giữa răng và dọc theo đường nướu, đặc biệt là trên lưỡi. Quá trình này xảy ra sẽ giải phóng một loạt hợp chất có mùi hôi ở miệng.

1. Nguyên nhân hơi thở có mùi hôi

  • Hơi thở có mùi sau khi ngủ dậy vào buổi sáng:

Nước bọt đóng vai trò làm sạch các vi khuẩn gây mùi trong miệng. Khi ngủ giấc dài vào ban đêm, lượng nước bọt tiết ra không đủ, nên các vi khuẩn này phát triển nhiều hơn, khiến hơi thở có mùi. Tuy nhiên, hơi thở khó chịu vào buổi sáng là hiện tượng hoàn toàn bình thường, các nhà nghiên cứu gọi đây là “chứng hôi miệng buổi sáng”.

  • Hơi thở có mùi khi thở bằng miệng:

Thở bằng miệng làm nước bọt bay hơi và làm khô miệng, dẫn đến khả năng làm sạch vi khuẩn của nước bọt bị giảm. Có một số người thở bằng miệng khi ngủ và có thể là khi tập thể dục. Để khắc phục, chỉ cần nhớ bổ sung nước khi tập luyện.

  • Ăn các loại thực phẩm có mùi:

Hành, tỏi là hai loại thực phẩm khiến hơi thở có mùi. Ngoài ra, một số loại gia vị khác hoặc bắp cải, súp lơ, củ cải cũng gây ra chứng hôi miệng. Mặc dù mùi của những thực phẩm này có thể biến mất sau khoảng 1 – 2 giờ, nhưng khi ợ hơi, mùi từ thực phẩm vẫn có thể quay trở lại. Như vậy, mùi hôi từ thức ăn không chỉ xuất phát từ miệng, mà còn ở đường tiêu hóa.

  • Nhịn đói:

Khi nhịn đói, hoặc bỏ bữa sẽ khiến hơi thở có mùi. Nguyên nhân là do khi không ăn thì miệng cũng sẽ không tiết ra nhiều nước bọt. Ngoài nhiệm vụ làm sạch các hạt thức ăn, nước bọt còn giúp phá vỡ thức ăn để đưa thức ăn xuống họng dễ dàng hơn.

  • Hút thuốc lá:

Hơi thở có mùi là một trong những hậu quả của hút thuốc lá. Hút thuốc vừa làm tăng lượng hợp chất tạo mùi trong miệng và phổi, vừa làm khô miệng, dẫn đến việc sản xuất ít nước bọt hơn.

ve-sinh-sach-se-nhung-hoi-tho-van-co-mui-vi-sao-1
Hút thuốc lá gây hôi miệng
  • Một số loại thuốc gây khô miệng:

Sử dụng các loại thuốc kháng histamin, lợi tiểu, chống loạn thần và giãn cơ có thể gây ra một số tác dụng phụ, trong đó có khô miệng. Lưỡi là nơi chứa hầu hết các vi khuẩn khiến hơi thở có mùi, do đó, để khắc phục tình trạng này, cần làm sạch lưỡi bằng bàn chải đánh răng hoặc dụng cụ cạo lưỡi, sẽ tạm thời ngăn chặn mùi hôi miệng.

  • Bị nghẹt mũi:

Chất nhầy ở trong mũi đóng vai trò lọc tất cả các hạt lạ hít vào. Khi bị nghẹt mũi, chất nhầy bắt đầu tích tụ ở phía sau cổ họng, làm cho những hạt lạ hít vào miệng, đọng lại trên bề mặt lưỡi và gây ra hôi miệng.

  • Ăn kiêng:

Giảm cân bằng phương pháp cắt giảm lượng carbohydrate nạp vào sẽ khiến mức độ hơi thở có mùi tăng lên.

  • Bị sâu răng:

Những mảng bám tích tụ trên răng có thể làm mòn răng và gây ra sâu răng. Khi bị sâu răng, việc vệ sinh răng cũng khó hơn, dễ dẫn đến hôi miệng nhiều hơn.

  • Niềng răng và các thiết bị cố định răng:

Thức ăn sẽ bám trên các thiết bị niềng răng và chỉnh nha như răng giả và cầu răng cố định, khiến cho việc vệ sinh răng miệng khó khăn hơn, dẫn đến hơi thở có mùi.

  • Uống rượu:

Khi uống rượu, cơ thể sẽ chuyển hóa rượu thành một chất có mùi khó chịu. Ngoài ra, chất cồn trong rượu còn gây khô miệng, nhất là khi ngủ. Do đó, khi chọn mua dung dịch súc miệng diệt khuẩn thì cần kiểm tra xem thành phần của sản phẩm có chứa cồn không.

  • Bị ợ nóng, ợ hơi:

Hầu hết các trường hợp hơi thở có mùi đều là do vi khuẩn trong miệng gây ra, tuy nhiên, hôi miệng cũng có thể là do bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Khi bị trào ngược, một phần thức ăn trong dạ dày sẽ được đưa trở lại vào thực quản, làm hỏng mô cổ họng và gây hôi miệng.

  • Bị viêm họng:

Viêm họng là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, không phải virus và khiến hơi thở có mùi. Viêm họng cũng khiến các tế bào bị phân hủy và gây mùi hôi ở miệng. Ngoài ra, những người mắc các bệnh như sùi mào gà, lậu ở miệng, họng... thì khoang miệng thường có nhiều virus, vi khuẩn, hoặc nấm Candida cộng sinh, gây đau rát họng, lở loét ở cổ họng, có giả mạc trong họng và khiến hơi thở có mùi.

  • Lượng đường trong máu cao:

Nếu thấy hơi thở có mùi ngọt như đường, đó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 1.

  • Hội chứng Sjogren:

Hội chứng Sjogren là sự rối loạn hệ thống miễn dịch, thường xuất hiện ở phụ nữ trung niên cũng như những người mắc các bệnh tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp và lupus. Những người bị hội chứng Sjogren thường bị khô miệng, làm tăng nguy cơ khiến hơi thở có mùi.

  • Nhiễm ký sinh trùng, giun sán:

Ký sinh trùng và giun sán không chỉ sống trong dạ dày, mà còn sống các bộ phận của cơ thể. Chúng phá hủy nội tạng, sinh sản và tiết ra những chất độc hại với cơ thể, gây mùi hôi qua miệng. Nếu để lâu sẽ rất nguy hiểm, hôi miệng do nhiễm ký sinh trùng có thể phát triển thành bệnh lý trầm trọng, có khả năng dẫn đến tử vong.

  • Vệ sinh miệng không tốt:

Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu khiến hơi thở có mùi. Khi thức ăn bám giữa răng và nướu, vi khuẩn sẽ xâm nhập và gây ra mùi hôi. Khi bị hôi miệng, nếu chỉ sử dụng các loại nước súc miệng hoặc kẹo cao su thì sẽ không diệt được vi khuẩn do đây chỉ là giải pháp tạm thời.

2. Cách chữa và ngăn ngừa hơi thở có mùi

ve-sinh-sach-se-nhung-hoi-tho-van-co-mui-vi-sao-2
Đánh răng đều đặn 2 lần/ngày nhằm ngăn ngừa hơi thở có mùi

Dưới đây là một số cách giúp chữa và ngăn ngừa hơi thở có mùi:

  • Đánh răng 2 lần/ngày và ít nhất 2 phút/lần. Sau mỗi bữa ăn, có thể chờ ít nhất khoảng 30 phút để đánh răng. Nếu đánh răng ngay sau khi ăn, axit có thể tấn công men răng khiến men răng dễ bị tổn thương. Khi đánh răng, nên nhớ chải lưỡi cho sạch, vì đây là nơi chứa nhiều vi khuẩn và các mảnh vụn thức ăn ẩn trong nước bọt;
  • Thay bàn chải khoảng 3 tháng/lần;
  • Sử dụng kem đánh răng có chứa flour;
  • Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng;
  • Sử dụng nước súc miệng để hơi thở có mùi dễ chịu;
  • Hạn chế uống cà phê, hút thuốc, sử dụng các đồ uống có chứa cồn;
  • Uống nhiều nước để kích thích tiết nước bọt.

Nếu bị hơi thở có mùi kéo dài thì bạn cần đến bác sĩ để được tư vấn, vì có thể bạn bị các bệnh về răng miệng hoặc vấn đề sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

266.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan