Các phương pháp xét nghiệm tầm soát ung thư đại trực tràng

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thuyên - Bác sĩ Giải phẫu bệnh, Khoa giải phẫu bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Một số xét nghiệm có thể được sử dụng để tầm soát ung thư đại trực tràng. Các xét nghiệm này có thể được chia thành hai nhóm chính là xét nghiệm dựa trên phân và xét nghiệm dựa trên thị giác. Các xét nghiệm này đều có những ưu và nhược điểm khác nhau.

1. Các xét nghiệm phân

Những xét nghiệm này kiểm tra phân để tìm dấu hiệu ung thư, ít xâm lấn và dễ thực hiện.

1.1 Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân

Các xét nghiệm này phân tích phân để tìm các dấu hiệu có thể của ung thư đại trực tràng (hoặc polyp). Các xét nghiệm này dễ thực hiện, có thể làm tại nhà, nhưng cần phải được thực hiện thường xuyên hơn (hàng năm). Và nếu kết quả phân dương tính (bất thường), bạn sẽ vẫn cần nội soi để đánh giá thêm.

1.2 Xét nghiệm DNA phân

Tế bào ung thư hoặc polyp thường có đột biến DNA ở một số gen nhất định. Xét nghiệm DNA phân để tìm kiếm một số bất thường của DNA từ tế bào ung thư hoặc polyp.

Thử nghiệm này nên được thực hiện 3 năm một lần. Nếu xét nghiệm dương tính, vẫn cần phải nội soi.

Kết quả xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân
Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân nhằm tìm dấu hiệu ung thư đại trực tràng

2. Các xét nghiệm trực quan (cấu trúc)

Xét nghiệm dựa trên thị giác (cấu trúc): Những xét nghiệm này xem xét cấu trúc của đại trực tràng để tìm vùng bất thường, được thực hiện với một ống soi (một dụng cụ dạng ống mềm có máy quay video nhỏ và nhẹ) hoặc bằng các xét nghiệm hình ảnh (X-quang) đặc biệt.

2.1 Nội soi đại tràng

Đối với xét nghiệm này, bác sĩ quan sát toàn bộ chiều dài của đại tràng và trực tràng bằng ống nội soi - một ống di động đường kính cỡ bằng ngón tay với một máy quay video nhỏ và nhẹ ở đầu. Ống được đưa vào qua hậu môn vào trực tràng và đại tràng. Các dụng cụ đặc biệt có thể thông qua ống nội soi để sinh thiết (lấy mẫu bệnh phẩm) ở bất kỳ vùng nào thấy tổn thương nghi ngờ.

2.1.1 Chuẩn bị trước soi

  • Hãy chắc chắn rằng bác sĩ của bạn biết về bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng (bao gồm cả aspirin, vitamin hoặc thuốc bổ trợ), và có thể cần thay đổi cách dùng thuốc trước khi nội soi.
  • Đại tràng và trực tràng phải trống và sạch để bác sĩ có thể nhìn thấy toàn bộ lớp lót bên trong (niêm mạc) trong quá trình soi. Bạn có thể cần uống một lượng lớn dung dịch nhuận tràng lỏng vào buổi tối trước khi làm thủ thuật, và phải đi ngoài nhiều lần. Bạn cũng có thể được yêu cầu không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong khoảng thời gian nhất định vào đêm trước khi được nội soi.

2.1.2 Trong quá trình nội soi

  • Thủ thuật thường mất khoảng 30 phút, nhưng có thể lâu hơn nếu thấy một hoặc nhiều polyp và cần được cắt bỏ.
  • Khi làm thủ thuật, bạn sẽ được yêu cầu nằm nghiêng với đầu gối được kéo lên, được che drap. Huyết áp, nhịp tim và nhịp thở của bạn sẽ được theo dõi trong và sau thủ thuật.
  • Bác sĩ cũng đưa khí vào đại tràng qua ống nội soi để dễ nhìn thấy niêm mạc đại tràng và sử dụng các dụng cụ để thực hiện thủ thuật.
  • Bác sĩ sẽ quan sát lớp trong cùng của đại tràng, nếu nhìn thấy polyp nhỏ, lớn hay khối u, hoặc bất cứ tổn thương bất thường nào, bác sĩ sẽ cắt bỏ trọn polyp hoặc sinh thiết những vùng nghi ngờ và được gửi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh để kiểm tra xem nó lành tính, ung thư hay tổn thương gì khác.
Nội soi đại tràng
Bệnh nhân nội soi đại tràng được yêu cầu nằm nghiêng với đầu gối được kéo lên

2.1.3 Tác dụng phụ và biến chứng có thể xảy ra

  • Việc chuẩn bị ruột trước khi nội soi có thể gây khó chịu.
  • Không khí được bơm vào ruột trong quá trình làm thủ thuật, đôi khi mọi người cảm thấy đầy hơi, đau hoặc bị chuột rút một lúc sau thủ thuật cho đến khi không khí thoát ra ngoài.
  • Nếu được cắt bỏ polyp hoặc sinh thiết trong khi nội soi, bạn có thể thấy một ít máu trong phân trong một hoặc hai ngày sau khi soi.
  • Các triệu chứng có thể bao gồm đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn. Đây có thể là một biến chứng nguy hiểm vì nó có thể dẫn đến nhiễm trùng. Lỗ thủng có thể cần phải được phẫu thuật. Hãy hỏi bác sĩ về nguy cơ của biến chứng này.

2.2 Chụp cắt lớp đại tràng (nội soi ảo)

Chụp CT sử dụng tia X, nhưng thay vì chụp một ảnh như tia X thông thường, máy quét CT sẽ chụp nhiều ảnh khi bạn nằm trên bàn chụp. Sau đó, một máy tính kết hợp những hình ảnh này thành hình ảnh chi tiết từng bộ phận cơ thể

Xét nghiệm này có thể đặc biệt hữu ích đối với một số người không thể hoặc không muốn làm xét nghiệm xâm lấn hơn (như nội soi). CT có thể được thực hiện khá nhanh chóng, và không cần dùng thuốc an thần.

Mặc dù xét nghiệm này không xâm lấn như nội soi, nhưng vẫn cần được chuẩn bị trước chụp. Nếu phát hiện polyp hoặc các tổn thương nghi ngờ, vẫn cần phải làm nội soi để sinh thiết và đánh giá đầy đủ.

2.2.1 Chuẩn bị trước chụp

  • Điều quan trọng là đại tràng và trực tràng được làm trống trước khi chụp để có được hình ảnh tốt nhất.
  • Chuẩn bị ruột trước chụp CT giống trước khi nội soi.
Chụp cắt lớp vi tính
Chụp cắt lớp vi tính là kỹ thuật an toàn, không xâm lấn

2.2.2 Trong quá trình chụp

  • Xét nghiệm này được thực hiện trong phòng đặc biệt có máy chụp CT, mất khoảng 10 phút.
  • Bạn có thể được yêu cầu uống dung dịch cản quang trước khi chụp giúp bác sĩ quan sát rõ hơn.
  • Bạn sẽ được nằm trên một cái bàn hẹp (một bộ phận của máy CT), và sẽ có một ống nhỏ, di động đặt vào trực tràng. Không khí được bơm qua ống vào trực tràng và đại tràng giúp mở rộng và quan sát hình ảnh tốt hơn. Sau đó, bạn sẽ trượt vào máy quét CT và bạn sẽ được yêu cầu nín thở trong khoảng 15 giây.
  • Bạn có thể được yêu cầu thay đổi tư thế chụp (nằm ngửa, nằm sấp hoặc nghiêng).

2.2.3 Tác dụng phụ và biến chứng có thể xảy ra:

  • Thường chụp CT có ít tác dụng phụ hơn so với nội soi.
  • Bạn có thể cảm thấy đầy hơi hoặc bị chuột rút vì không khí trong đại tràng và trực tràng, nhưng nó sẽ hết khi không khí đi ra khỏi cơ thể. Có một rủi ro rất nhỏ là không khí có thể làm tổn thương hoặc đâm thủng ruột, nhưng nguy cơ này được cho là ít hơn nhiều so với nội soi.
  • Giống như các loại chụp CT khác, kỹ thuật này có một lượng tia xạ nhỏ.

Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Bệnh viện cung cấp cho khách hàng các gói tầm soát sàng lọc ung thư: Gói tầm soát ung thư phổi, Gói tầm soát ung thư vú, Gói tầm soát ung thư dạ dày, Gói tầm soát ung thư đại tràng ... giúp khách hàng chủ động kiểm tra sức khỏe và phòng tránh ung thư.

Qúy khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: