Các yếu tố nguy cơ của ung thư biểu mô tế bào đáy

Ung thư biểu mô tế bào đáy là dạng ung thư da phổ biến, bệnh thường phát triển rất chậm, xuất hiện chủ yếu ở phần đầu và cổ - nơi có tiếp xúc với ánh mặt trời nhiều nhất. Bệnh không lây lan ra các bộ phận khác của cơ thể nhưng lại có hậu quả khá phức tạp cho người bệnh.

1. Ung thư biểu mô tế bào đáy là gì?

Ung thư biểu mô tế bào đáy (Basal cell carcinoma-BCC) là loại u ác tính gồm những tế bào giống với những tế bào ở lớp đáy của thượng bì. Nguồn gốc thực sự của ung thư tế bào đáy chưa được đưa ra rõ ràng. Trong nghiên cứu, người ta thấy có sự giống nhau về hình thái và miễn dịch giữa các tế bào của ung thư biểu mô tế bào đáy và các tế bào lớp ngoài cùng của nang lông. Giới chuyên môn rằng ung thư biểu mô đáy xuất phát từ nang lông.

Đây là bệnh ung thư da có tỷ lệ cao nhất chiếm 75% các loại ung thư da khác, thường gặp ở người trên 50 tuổi và biểu hiện ở nhiều thể khác nhau.

Chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào đáy
Ung thư biểu mô tế bào đáy là một loại ung thư da ác tính

2. Yếu tố nguy cơ của ung thư biểu mô tế bào đáy

  • Ánh nắng mặt trời

Các tia cực tím trong ánh nắng mặt trời được các nhà nghiên cứu đánh giá là nguyên nhân chủ yếu gây ung thư da trong đó có ung thư biểu mô tế bào đáy. Người làm ngoài trời thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào đáy rất cao. 80% các tổn thương do ung thư tế biểu mô tế bào đáy là ở vùng da hở.

  • Các biến đổi về gen

Những bệnh nhân có gen P53 không hoạt động, thì 50% số bệnh nhân này mắc ung thư da ở tuổi 30 và 90% mắc ung thư da ở tuổi 70. Bên cạnh đó đột biến gen BRAF bẩm sinh có thể gây nên ung thư biểu mô tế bào đáy.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khiến con người dễ mắc ung thư biểu mô tế bào đáy hơn chính là:

  • Giới tính nam thường có nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào đáy hơn nữ giới
  • Đa số người mắc ung thư biểu mô tế bào đáy đều ở độ tuổi trên 50
  • Tiền sử gia đình có người mắc ung thư da
  • Người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch
  • Da mỏng hoặc da trắng cũng có nguy cơ cao mắc bệnh
  • Người tiếp xúc với tia bức xạ, thạch tín một cách thường xuyên
Ung thư da
50% số bệnh nhân này mắc ung thư da ở tuổi 30 và 90% mắc ung thư da ở tuổi 70

3. Triệu chứng của bệnh ung thư biểu mô tế bào đáy

  • Tổn thương u: Thường là u kích thước từ 1cm hoặc hơn mật độ chắc, bóng, trên có giãn mạch, không ngứa, không đau, tiến triển chậm có thể có vết loét
  • Tổn thương xơ hóa: Thường xuất hiện ở vùng mũi hoặc trán, biểu hiện thương tổn bằng phẳng với mặt da, đôi khi thành sẹo lõm, thâm nhiễm, trên có các mạch máu giãn, giới hạn không rõ.
  • Tổn thương nông dạng Paget: Thường xuất hiện ở thân mình. Thương tổn bằng phẳng với mặt da, giới hạn rõ, trên có vảy, tiến triển chậm.
  • Tổn thương loét: Các loại tổn thương trên đây có thể loét lâu lành trên có vảy tiết đen hoặc tổ chức hoại tử.
  • Tổn thương ung thư biểu mô tế bào đáy, có màu nâu đen rất dễ nhầm với hiện tượng tăng sắc tố trong ung thư tế bào hắc tố.
  • Hạch vùng có thể to, xâm nhiễm ít hoặc không di động.
Ung thư da
Ung thư biểu mô tế bào đáy có màu nâu đen, có khi gây loét da, tổn thương da

4. Điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy

Sau khi được khám, chẩn đoán và kết luận mắc ung thư biểu mô tế bào đáy, người bệnh cần được điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy ngay. Nguyên tắc điều trị bệnh là loại bỏ triệt để các tổ chức ung thư, đồng thời điều trị các khuyết điểm do tổn thương bệnh gây ra nhằm đảm bảo chức năng và thẩm mỹ sau khi cắt bỏ khối u tổn thương.

Hiện nay, người bệnh ung thư biểu mô tế bào đáy có thể được điều trị bằng các phẫu thuật như:

  • Phẫu thuật cắt bỏ rộng thương tổn: Đây là biện pháp được chỉ định nhiều nhất, đường rạch da cách bờ tổn thương từ 0,3 - 0,5 cm.
  • Phẫu thuật Mohs: Là phương pháp điều trị ung thư da cho kết quả tốt.
  • Phẫu thuật lạnh (Cryosurgery)
  • Dùng quang hóa trị liệu (photochemotherapy).
  • Phẫu thuật tạo hình phủ tổn khuyết sử dụng các vạt da tại chỗ hoặc từ xa, ghép da dày toàn bộ hay ghép da xẻ đôi.

5. Phòng ngừa bệnh ung thư biểu mô tế bào đáy

  • Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trong và sau quá trình điều trị;
  • Hạn chế tối đa tiếp xúc lâu dưới nắng mặt trời (đặc biệt là trẻ nhỏ);
  • Khám da liễu định kỳ mỗi năm để sớm phát hiện các triệu chứng bệnh;
  • Khi ra đường dưới thời tiết nắng nóng, nên bôi kem chống nắng có SPF 15 hoặc cao hơn, mặc quần áo chống nắng và đội mũ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan