Ung thư tuyến cận giáp: Những điều cần biết

Ung thư tuyến cận giáp khá hiếm gặp, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh nếu điều trị muộn. Hiện nay có nhiều biện pháp giúp điều trị ung thư tuyến cận giáp mà bệnh nhân có thể lựa chọn, chẳng hạn như phẫu thuật, hoá trị liệu, xạ trị, chăm sóc hỗ trợ,...

1. Ung thư tuyến cận giáp là gì?

Tuyến cận giáp nằm phía sau tuyến giáp, bao gồm 4 vùng có kích thước bằng hạt đậu. 4 vùng này được chia thành 2 nhóm chính, bao gồm tuyến cận giáp trên và tuyến cận giáp dưới. Những tuyến này chịu trách nhiệm sản xuất hormone Parathormone (PTH) hoặc Parathyrin, đồng thời giúp kiểm soát lượng canxi trong máu – rất cần thiết cho sức khỏe của thận, xương và ruột.

Khi mắc ung thư tuyến cận giáp, các tế bào ung thư sẽ phát triển bất thường trong tuyến này, có thể sinh ra khối u lành tính hoặc ác tính. Các khối u lành tính có sự phát triển không kiểm soát các tế bào, tuy nhiên không có khả năng xâm lấn vào các mô bình thường hoặc di căn sang các cơ quan khác. Đối với khối u tuyến cận giáp ác tính, ung thư có thể xâm lấn các mô và lây lan cục bộ, thậm chí di căn sang các vị trí xa trong cơ thể.

Khối u tuyến cận giáp dạng ác tính thường khá hiếm gặp và có tốc độ phát triển chậm. Nhìn chung, ung thư tuyến cận giáp có thể hình thành trong các mô của 1 trong 4 tuyến cận giáp.

2. Nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của ung thư tuyến cận giáp?

Ung thư tuyến cận giáp thường được chẩn đoán ở những người trong độ tuổi từ 40 – 50, với mức độ ảnh hưởng như nhau đối với cả nam và nữ. Hiện nay, nguyên nhân gây ung thư tuyến cận giáp vẫn chưa được xác định cụ thể, tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc loại ung thư này, bao gồm:

  • Sự hiện diện của khối u hàm cường tuyến cận giáp (HPT-JT).
  • Cường cận giáp biệt lập trong gia đình (FIHP).
  • Hội chứng đa sản nội tiết tuýp 1 (MEN1).
  • Tiếp xúc với bức xạ ở cổ.

3. Các dấu hiệu phổ biến của ung thư tuyến cận giáp

Có 3 dấu hiệu chính của ung thư biểu mô tuyến cận giáp, bao gồm suy nhược, mệt mỏi và có khối u tại cổ. Tăng canxi trong máu là nguyên nhân chính dẫn đến các triệu chứng trên, kèm theo một số biểu hiện khác mà bệnh nhân có thể gặp phải như:

  • Yếu mệt cơ thể.
  • Buồn nôn, ói mửa.
  • Ăn mất cảm giác ngon miệng.
  • Giảm cân không rõ nguyên do.
  • Tăng tần suất đi tiểu hơn bình thường.
  • Táo bón.
  • Rối loạn suy nghĩ.

Ngoài ra, bệnh nhân mắc ung thư tuyến cận giáp cũng có thể có các dấu hiệu khác sau:

  • Đau bên hông, bụng hoặc lưng không có dấu hiệu biến mất.
  • Có khối u ở cổ.
  • Gãy xương.
  • Đau trong xương.
  • Giọng nói thay đổi (ví dụ khàn giọng).
  • Khó nuốt.

4. Các biện pháp giúp chẩn đoán ung thư tuyến cận giáp

Các phương thức xét nghiệm được sử dụng phổ biến nhất trong chẩn đoán ung thư tuyến cận giáp là khám sức khỏe vùng cổ, xét nghiệm hình ảnh và xét nghiệm máu. Các khối u tuyến cận giáp đôi khi khó cảm nhận được khi sờ cổ trong quá trình khám sức khỏe do chúng có kích thước nhỏ.

Nhìn chung, ung thư tuyến cận giáp khá khó để chẩn đoán, chủ yếu là do u tuyến cận giáp dạng lành tính và ác tính trông tương đối giống nhau qua xét nghiệm hình ảnh. Nếu chỉ thực hiện mỗi các xét nghiệm hình ảnh sẽ không thể phân biệt được đây là khối u tuyến cận giáp lành tính hay ác tính. Khi đó, việc thực hiện xét nghiệm máu đo nồng độ canxi và hormone tuyến cận giáp cũng như đánh giá các đặc điểm của khối u sẽ được sử dụng để chẩn đoán.

Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy mức PTH tăng cao, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân chụp Sestamibi / SPECT (kiểu chụp CT được thực hiện trong khoa y học hạt nhân). Trong phương pháp này, công nghệ chụp cắt lớp vi tính phát xạ Proton đơn lẻ sẽ được sử dụng. Trong khi đó, chụp Sestamibi là loại dược phẩm phóng xạ hoặc protein gắn hạt phóng xạ. Chất này sẽ được tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân, khi phát hiện mô tuyến cận giáp bất thường, nó sẽ hấp thụ vật chất và hiện rõ hạt phóng xạ trên phim chụp CT. Mô tuyến cận giáp bình thường sẽ không hấp thụ vật chất, điều này giúp bác sĩ phân biệt được giữa tuyến cận giáp hoạt động bình thường và bất thường.

Để chẩn đoán bất kỳ loại ung thư, mô hay tế bào nào cũng cần được bác sĩ giải phẫu bệnh kiểm tra qua xét nghiệm sinh thiết. Trong quá trình sinh thiết, các tế bào tại khối u nghi ngờ sẽ được loại bỏ và xem xét dưới kính hiển vi. Trong trường hợp chụp MRI hay CT cho thấy có sự hiện diện của ung thư, sinh thiết sẽ được thực hiện như một phần của quy trình phẫu thuật nhằm giúp loại bỏ tuyến cận giáp.

5. Các giai đoạn cụ thể của ung thư tuyến cận giáp

Không giống như những bệnh ung thư khác, ung thư tuyến cận giáp không có hệ thống phân giai đoạn tiêu chuẩn. Sau khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, ung thư có thể được coi là khu trú hoặc di căn, cụ thể:

  • Khu trú: Ung thư được tìm thấy trong các tuyến cận giáp và có thể lan đến những mô gần các tuyến.
  • Di căn: Ung thư tuyến cận giáp đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như gan, xương, phổi, tuyến tụy, tuyến xung quanh tim hoặc các nút oanhnymph.

6. Ung thư tuyến cận giáp được điều trị như thế nào?

Nhiều bệnh nhân băn khoăn rằng liệu ung thư tuyến cận giáp có chữa được không? Thực tế, loại ung thư này có rất nhiều lựa chọn điều trị và loại điều trị mà bệnh nhân nhận được sẽ phụ thuộc vào loại ung thư tuyến cận giáp cũng như các yếu tố nguy cơ khiến bệnh tái phát hoặc lan rộng.

6.1. Điều trị ung thư tuyến cận giáp bằng phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật là lựa chọn chủ đạo và hiệu quả nhất cho bệnh nhân mắc ung thư tuyến cận giáp. Hiện nay có 3 loại phẫu thuật được sử dụng trong điều trị ung thư tuyến cận giáp, bao gồm:

  • Cắt bỏ khối u: Loại bỏ toàn bộ tuyến cận giáp bất thường và nang xung quanh nó. Đôi khi, các hạch bạch huyết, một nửa tuyến giáp ở cùng bên cơ thể bị ung thư, mô, cơ và dây thần kinh ở cổ cũng được cắt bỏ.
  • Mổ khối u: Được sử dụng trong trường hợp không thể loại bỏ hoàn toàn được khối u tuyến cận giáp. Phương pháp mổ khối u giúp loại bỏ càng nhiều khối u càng tốt.
  • Loại bỏ khối u tại các cơ quan khác: Được áp dụng khi ung thư di căn sang các vùng khác trong cơ thể, chẳng hạn như phổi.

Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về lựa chọn phẫu thuật tốt cho bản thân để đạt hiệu quả điều trị tối ưu. Trong nhiều trường hợp, phẫu thuật ung thư tuyến cận giáp có thể làm hỏng các dây thần kinh của dây thanh. Khi tổn thương này xảy ra, bệnh nhân có thể cần điều trị bằng các phương pháp giúp giải quyết vấn đề về giọng nói do di chứng này để lại.

6.2. Xạ trị cho bệnh nhân ung thư tuyến cận giáp

Xạ trị được sử dụng trong điều trị ung thư tuyến cận giáp thường là bức xạ bên ngoài. Loại bức xạ này được tạo ra từ một máy bên ngoài cơ thể, được áp dụng chủ yếu để điều trị ung thư tuyến cận giáp khu trú, di căn hoặc tái phát sau khi điều trị.

6.3. Hoá trị liệu cho ung thư tuyến cận giáp

Hoá trị là việc sử dụng các loại thuốc ở dạng viên hoặc tiêm đường tĩnh mạch (IV). Hoá trị sẽ đi vào máu và đến toàn bộ cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Đây được xem là một lợi thế lớn của hoá trị. Tuy nhiên, phương pháp này thường không được khuyến nghị sử dụng để điều trị cho ung thư tuyến cận giáp do nó không mang lại hiệu quả cao. Mặc dù vậy, một số bệnh nhân bị ung thư tuyến cận giáp di căn và tái phát thì hoá trị liệu vẫn được sử dụng nếu không thể phẫu thuật.

Hiện nay không có phác đồ hoá trị tiêu chuẩn cho bệnh ung thư tuyến cận giáp. Các loại thuốc hoá trị có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau, bao gồm: Cyclophosphamide, Dacarbazine (DTIC), Methotrexate, 5-fluorouracil, Lomustine hoặc Doxorubicin.

6.4. Các thử nghiệm lâm sàng trong điều trị ung thư tuyến cận giáp

Các thử nghiệm lâm sàng có thể hữu ích đối với hầu hết các loại ung thư và mọi giai đoạn bệnh. Thử nghiệm lâm sàng được thiết kế nhằm giúp bác sĩ xác định giá trị của một phương pháp điều trị ung thư tuyến cận giáp cụ thể.

Nhìn chung, các thử nghiệm lâm sàng sẽ được thiết kế để điều trị cho một giai đoạn ung thư nhất định và được xem là hình thức điều trị đầu tiên hoặc lựa chọn điều trị sau khi các phương pháp khác không mang lại hiệu quả. Chúng cũng được sử dụng để đánh giá các loại thuốc điều trị giúp ngăn ngừa ung thư, phát hiện bệnh sớm hơn và kiểm soát tốt các tác dụng phụ. Do đó, các thử nghiệm lâm sàng là vô cùng quan trọng trong việc nâng cao kiến thức của chúng ta về bệnh tật.

6.5. Biện pháp chăm sóc hỗ trợ bệnh nhân ung thư tuyến cận giáp

Chăm sóc hỗ trợ là phương pháp điều trị được sử dụng nhằm giúp quản lý mức canxi trong cơ thể, bao gồm:

  • Dịch truyền tĩnh mạch.
  • Thuốc giúp tạo ra nhiều nước tiểu hơn.
  • Thuốc ngăn cơ thể hấp thụ quá nhiều lượng canxi từ thực phẩm.
  • Thuốc ngăn tuyến cận giáp sản sinh ra quá nhiều hormone.

Nhìn chung, ung thư tuyến cận giáp khá khó để chẩn đoán nhưng lại có rất nhiều lựa chọn điều trị, phụ thuộc vào loại ung thư tuyến cận giáp cũng như các yếu tố nguy cơ khiến bệnh tái phát hoặc lan rộng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: oncolink.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan