9 điều cần biết về viêm gan A

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Viêm gan A là bệnh gan do siêu vi viêm gan A (HAV) gây ra. Bệnh có liên quan chặt chẽ với việc dùng nước hoặc thực phẩm không an toàn, vệ sinh cá nhân kém và quan hệ tình dục không lành mạnh.

1. Virus viêm gan A là gì?

Bệnh viêm gan A là bệnh do virus làm tổn thương tế bào biểu mô gan và suy giảm chức năng gan. Đây là một bệnh lây nhiễm từ người sang người theo đường phân miệng do nguồn nước bị nhiễm bẩn, thực phẩm nhiễm virus nhưng chưa được nấu kỹ.

Không giống viêm gan B, virus viêm gan A không gây ra bệnh cảnh viêm gan mạn tính, tức là tình trạng viêm gan không kéo dài quá 6 tháng và rất hiếm khi gây chết người. Một tỷ lệ nhỏ tử vong trong bối cảnh của suy gan cấp tính. Bệnh viêm gan A hoàn toàn có thể được điều trị khỏi sau 2-4 tuần. Các cách phòng bệnh viêm gan A cũng tỏ ra có hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh. Hiện nay đã có vaccine phòng bệnh viêm gan A hiệu quả và an toàn.

Virus viêm gan A
Virus viêm gan A

2. Phân bổ địa lý đối với bệnh viêm gan A

Phân bổ địa lý với bệnh viêm gan A có nghĩa là xác định khu vực có mức độ nhiễm virus viêm gan A cao, trung bình hoặc thấp.

  • Khu vực có mức độ nhiễm bệnh cao: Ở các nước thu nhập thấp và trung bình có điều kiện vệ sinh và thực hành vệ sinh kém, nhiễm trùng là tình trạng phổ biến và hầu hết trẻ em (90%) đã bị nhiễm vi rút viêm gan A trước 10 tuổi, thường không có triệu chứng.
  • Khu vực có mức độ nhiễm bệnh thấp, trung bình: Ở các nước thu nhập cao với điều kiện vệ sinh và vệ sinh tốt, tỷ lệ nhiễm trùng thấp. Bệnh có thể xảy ra ở thanh thiếu niên và người trưởng thành trong các nhóm có nguy cơ cao, chẳng hạn như PWID, MSM, những người đi du lịch đến các khu vực xảy ra viêm gan A.

3. Viêm gan A lây truyền qua đường nào?

Ở người mắc bệnh viêm gan A, virus được tìm thấy nhiều nhất trong phân, và cả trong nước bọt, nước tiểu. Các chất thải của người bệnh được thải ra ngoài sẽ làm ô nhiễm môi trường xung quanh, phát tán virus rộng rãi. Những đường lây lan chính của virus viêm gan A bao gồm:

  • Ăn thức ăn chế biến bởi người bị viêm gan A không rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh;
  • Uống nước ở nguồn nước ô nhiễm;
  • Ăn sò, ốc sinh sống ở nguồn nước ô nhiễm;
  • Tiếp xúc thường xuyên với người bệnh viêm gan A;
  • Quan hệ tình dục với người đang mang virus.

Bệnh viêm gan A không lây truyền qua máu vì có rất ít virus trong máu. Đường phân - miệng là con đường lây lan chính của bệnh. Ăn thức ăn, thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh, uống nước bị nhiễm bệnh, bơi lội trong ao hồ, bể bơi bị nhiễm bệnh hoặc ăn chung thức ăn, sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân như khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng với người bệnh có thể gây lây truyền bệnh viêm gan A.

Viêm gan lây
Viêm gan A lây truyền qua đường tiêu hóa

4. Triệu chứng của bệnh viêm gan A

Một số người không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào khi mắc bệnh. Nếu có triệu chứng, thường khoảng sau 2 đến 6 tuần sau khi virus xâm nhập vào cơ thể, người bệnh sẽ có các biểu hiện:

  • Vàng da
  • Vàng tròng trắng mắt
  • Phân nhạt màu, thường có màu xám
  • Nước tiểu màu nâu sẫm
  • Đau bụng

Ngoài ra còn xuất hiện một số triệu chứng toàn thân như:

  • Ngứa ngáy toàn thân.
  • Sốt nhẹ
  • Mệt mỏi
  • Biếng ăn
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Người lớn có dấu hiệu và triệu chứng bệnh rõ hơn trẻ em. Mức độ nghiêm trọng của bệnh và kết quả gây tử vong cao hơn ở các nhóm tuổi lớn hơn.

Trẻ em bị nhiễm bệnh dưới 6 tuổi thường không gặp phải các triệu chứng đáng chú ý và chỉ có 10% bị vàng da. Trong số trẻ lớn và người lớn, nhiễm trùng thường gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, với vàng da xảy ra trong hơn 70% trường hợp. Viêm gan A đôi khi tái phát. Người vừa mới khỏi bệnh lại bị bệnh cấp tính. Tuy nhiên, những đối tượng này có khả năng tự phục hồi.

5. Nguy cơ mắc bệnh viêm gan A

Bất cứ ai chưa được tiêm phòng hoặc bị nhiễm trước đó đều có thể bị nhiễm vi rút viêm gan A. Ở những khu vực có virus lan rộng, hầu hết các trường hợp nhiễm viêm gan A xảy ra khi trẻ còn nhỏ. Các yếu tố rủi ro bao gồm:

  • Vệ sinh kém;
  • Thiếu nước sạch;
  • Sống trong một gia đình có người nhiễm bệnh;
  • Tiếp xúc người bị viêm gan A cấp tính;
  • Đi du lịch đến các khu vực xảy ra bệnh viêm gan A mà không được tiêm chủng.
  • Quan hệ tình dục
Quan hệ tình dục an toàn
Quan hệ tình dục không an toàn có thể mắc bệnh viêm gan A

6. Chẩn đoán bệnh nhân mắc viêm gan A

Các trường hợp viêm gan A không thể phân biệt lâm sàng với các loại viêm gan siêu vi cấp tính khác. Chẩn đoán cụ thể được thực hiện bằng cách phát hiện các kháng thể Immunoglobulin G (IgM) đặc hiệu của HAV trong máu. Các xét nghiệm bổ sung bao gồm phản ứng chuỗi sao chép polymerase ngược (RT-PCR) để phát hiện RNA virus viêm gan A và có thể cần các cơ sở thí nghiệm chuyên ngành thực hiện.

7. Phòng ngừa viêm gan A

Cải thiện vệ sinh, an toàn thực phẩm và tiêm chủng là những cách hiệu quả nhất để phòng ngừa viêm gan A.

Sự lây lan của viêm gan A có thể được giảm bằng cách:

  • Cung cấp đầy đủ nước uống an toàn;
  • Xử lý nước thải hợp lý
  • Thực hiện vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh.

Một số vắc-xin viêm gan A bất hoạt tiêm có sẵn trên toàn thế giới. Không có vắc-xin được cấp phép cho trẻ em dưới 1 tuổi. Các nhà sản xuất khuyến nghị tiêm 2 liều vắc-xin để đảm bảo bảo vệ lâu dài hơn khoảng 5 đến 8 năm sau khi tiêm vắc-xin.

rửa tay 2
Rửa tay thường xuyên trước bữa ăn giúp phòng viêm gan A

8. Tiêm chủng ngừa viêm gan A

Tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan A nên là một phần của kế hoạch toàn diện về phòng ngừa và kiểm soát viêm gan do virus. Lập kế hoạch cho các chương trình tiêm chủng quy mô lớn bao gồm các đánh giá về ảnh hưởng của bệnh đến kinh tế và xem xét các phương pháp phòng ngừa thay thế hoặc bổ sung, như cải thiện vệ sinh và giáo dục sức khỏe để cải thiện thực hành vệ sinh.

9. Chiến lược của WHO trong cuộc chiến chống virus viêm gan A

Từ năm 2011, cùng với chính phủ của các quốc gia, các đối tác, WHO đã tổ chức các chiến dịch Ngày Viêm gan Thế giới hàng năm (là 1 trong 9 chiến dịch y tế hàng năm của mình) để tăng cường nhận thức và hiểu biết về viêm gan virus.

Tại Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec địa chỉ tin cậy dành cho những khách hàng có nhu cầu tiêm chủng vắc xin phòng ngừa viêm gan A, gồm Avaxim 80UI 0,5ml của Sanofi (Pháp) và Havax 0.5ml của Công ty TNHH MTV Vaccin và sinh phẩm số 1 VN và Twinrix 0,5 ml ( vaccine phòng Viêm gan A và Viêm gan B) của Bỉ. Đây là những loại vắc-xin được sản xuất bởi các công ty uy tín được cấp phép bởi bộ Y tế phù hợp theo độ tuổi cần tiêm chủng, đảm bảo an toàn từ khâu kiểm nhập, bảo quản đến khi sử dụng.

Tiêm chủng, tiêm phòng, tiêm vacxin tại vinmec
Đăng kí tiêm chủng phòng ngừa viêm gan A là biện pháp phòng bệnh tốt nhất

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: who.int

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

77.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan