Bệnh cúm lây trong thời gian nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Các bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân ở nhà khi bị cúm để tránh lây truyền virus cảm cúm cho người khác. Vậy cơ chế bệnh cúm lây như thế nào và trong thời gian bao lâu?

1. Cúm lây như thế nào?

Cúm là một bệnh nhiễm trùng do virus cúm tấn công vào vùng đầu và ngực của bệnh nhân. Các triệu chứng thường gặp bao gồm ho, đau họng và sổ mũi. Cơ thể bạn sẽ đau nhức, mệt mỏi và có thể bị sốt cao hơn 37,8 độ C. Thông thường, mọi người thường gặp những dấu hiệu trên trước khi các triệu chứng ở đường hô hấp phát triển.

Phần lớn virus cảm cúm tồn tại ở những phân tử nước lơ lửng trong không khí. Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi ra nước bọt có chứa virus cúm, chúng có thể văng xa tới gần 2 mét. Một người sẽ tiếp xúc với virus cúm khi hít phải những hạt nước li ti hoặc để chúng vô tình rơi vào miệng, mũi hoặc mắt của họ. Con người cũng có thể nhiễm virus nếu chạm vào nơi có dính phân tử nước chứa virus, chẳng hạn như mặt bàn, quầy kệ hoặc tay nắm cửa, và sau đó đưa tay sờ mặt của mình. Virus cảm cúm có thể sống trên bề mặt cứng trong thời gian lên tới 48 giờ.

Cúm lây như thế nào, đường lây của cúm
Phần lớn virus cảm cúm tồn tại ở những phân tử nước lơ lửng trong không khí.

Do đó, nếu muốn đi làm hoặc đi học trở lại sau khi đã đỡ bệnh, bạn nên thực hiện các bước sau để bảo vệ mọi người xung quanh:

● Rửa tay thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng;

● Thông báo cho những người khác rằng bạn đã bị ốm để họ cũng nhớ rửa tay;

● Hắt hơi hoặc ho vào khuỷu tay thay vì bàn tay;

● Đeo khẩu trang y tế.

2. Bệnh cúm có lây không và trong bao lâu?

Trả lời cho câu hỏi “Bệnh cảm cúm có bị lây không?”, các bác sĩ cho biết bệnh cúm thường lây trong khoảng 1 tuần. Thông thường, bạn có thể bắt đầu truyền bệnh từ 1 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Giai đoạn lây lan sẽ kéo dài trong 5 - 7 ngày sau khi bạn cảm thấy mình đã bị bệnh. Trẻ em và một số người có thể lây lan virus cảm cúm trong thời gian lâu hơn cho đến khi tất cả các triệu chứng giảm dần.

Một số chuyên gia y tế cho rằng bệnh nhân có khả năng lây lan virus mạnh nhất trong 3 - 4 ngày đầu tiên. Đây là giai đoạn người bệnh ho và hắt hơi rất nhiều, dẫn đến việc bắn virus vào trong không khí và các vật thể xung quanh.

Nếu bạn vẫn còn sốt thì đồng nghĩa là nguy cơ truyền nhiễm chưa biến mất. Người bệnh nên ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hạ thân nhiệt một cách tự nhiên mà không cần uống thuốc.

Hắt hơi
Bệnh cúm khiến người bệnh ho và hắt hơi rất nhiều

3. Điều trị cảm cúm

Thuốc kháng sinh không thể điều trị cúm vì đây là căn bệnh do virus gây ra chứ không phải vi khuẩn. Để kiểm soát các triệu chứng, người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi, uống nhiều nước và bổ sung chất lỏng, cũng như dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin).

Để giảm nhanh các triệu chứng, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống virus cảm cúm, tuy nhiên những loại thuốc này không thể giúp ngăn chặn sự lây lan. Bạn vẫn có thể khiến người khác bị bệnh ngay cả khi đang dùng thuốc kháng virus điều trị cúm. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị bệnh nhân điều trị cúm bằng 4 loại thuốc được FDA phê chuẩn sau đây:

● Baloxavir marboxil (Xofluza);

● Oseltamivir (Tamiflu);

● Peramivir (Rapivab);

● Zanamivir (Relenza). Lưu ý Relenza là một loại thuốc hít, vì vậy bạn không nên sử dụng nếu bị hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Những loại thuốc trên có tác dụng rút ngắn thời gian mắc bệnh cũng như giai đoạn lây lan cúm. Để thuốc phát huy hiệu quả, tốt nhất là bắt đầu uống trong vòng 48 giờ kể từ khi các triệu chứng xuất hiện. Tuy nhiên, thuốc kháng virus cảm cúm có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy.

Những đối tượng có nguy cơ cao gặp biến chứng cúm (trên 65 tuổi, bệnh mãn tính hoặc phụ nữ mang thai, ...) nên phối hợp tốt bác sĩ khi bị bệnh để được theo dõi. Ngoài ra, nếu có bất kỳ triệu chứng cúm nghiêm trọng nào, chẳng hạn như khó thở hoặc chóng mặt, cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Đối với bệnh cảm cúm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa là cần thiết và quan trọng hơn tìm thuốc chữa hay biện pháp điều trị. Người bệnh nên tuân thủ yêu cầu của bác sĩ là cách ly với mọi người khi đang ốm, ngay cả khi đã cảm thấy khỏe hơn. Đây là cách bảo vệ mọi người và không lây lan cúm hiệu quả.

4. Phòng ngừa virus cảm cúm

Tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm là sự lựa chọn tốt cho bạn và cả đình để ngăn ngừa nhiễm cúm, được các tổ chức y tế khuyến cáo.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, heathline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

59.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan