Vắc xin lao (BCG) được tiêm cho trẻ sơ sinh vào lúc nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Theo nghiên cứu về các số liệu thống kê liên quan đến bệnh lao trên thế giới cho thấy, Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh lao cao nhất thế giới. Do đó, việc tiêm phòng lao mà đặc biệt là phòng lao ở trẻ sơ sinh là điều rất quan trọng và cấp thiết.

1. Tiêm vắc xin lao thực hiện khi nào là tốt nhất?

Bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm thường gặp trên lâm sàng, bị gây ra bởi vi khuẩn lao có tên là Mycobacterium Tuberculosis. Bệnh có khả năng lây nhiễm trực tiếp qua không khí, qua giao tiếp và hệ hô hấp khi tiếp xúc với người bị bệnh.

Ngày nay, tỉ lệ mắc bệnh ngày càng cao. Để hạn chế các trường hợp nhiễm lao, người ta đã đưa ra chương trình tiêm vắc xin phòng lao áp dụng cho tất cả các trẻ trên thế giới ngay từ giai đoạn sơ sinh. Vắc-xin dự phòng lao BCG là một vắc xin sống giảm độc lực được sản xuất trực tiếp từ vi khuẩn lao Calmette Guerin.

Tiêm vắc xin lao cho trẻ sơ sinh
Trẻ được tiêm vắc xin phòng lao ngay từ giai đoạn sơ sinh

Trong vắc-xin phòng lao BCG có chứa kháng nguyên BCG nên khi đưa vào cơ thể sẽ kích thích cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch (miễn dịch đặc hiệu chủ động) để từ đó sinh ra các kháng thể chống lại kháng nguyên.

Tuy nhiên, trong vắc xin phòng lao hay bất kể các loại vắc xin nào khác thì các tác nhân gây bệnh đều đã được làm suy yếu đi hoặc đã bị bất hoạt nên không thể gây ra bệnh lý cho cơ thể. Theo thống kê số liệu lâm sàng cho thấy có khoảng 1/1000000 trường hợp tiêm vắc xin phòng lao bị nhiễm BCG mà đều xảy ra ở các bệnh nhân bị nhiễm HIV hay những người bị suy giảm miễn dịch.

Câu trả lời là vắc-xin lao BCG có thể được tiêm ở mọi lứa tuổi, nhưng tiêm càng sớm càng tốt. Khuyến cáo của Bộ Y tế đưa ra nên tiêm vắc xin lao trong tháng đầu tiên sau sinh, tiêm trước 28 ngày tuổi là tốt nhất. Đối với những trẻ sơ sinh có sức khỏe tốt, sau sinh không cần tuân thủ theo chế độ chăm sóc đặc biệt, không phải nằm phòng theo dõi hay lồng kính, tiêm vắc xin lao có thể được thực hiện ngay trong ngày đầu sau sinh.

Việc tiêm vắc xin phòng lao muộn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao hơn những trẻ đã được tiêm phòng, thậm chí nhiễm lao ngay những ngày đầu sau sinh do lúc này, hệ thống miễn dịch của trẻ còn chưa hoàn thiện, yếu ớt nên không có đủ khả năng để hoàn toàn tự bảo vệ cơ thể trước mọi tác nhân xâm nhập nhất là lao và các loại vi khuẩn khác.

Đối với những trẻ chưa đủ điều kiện sức khỏe hoặc chưa được tiêm phòng ở giai đoạn 1 tháng tuổi, sau đó có thể tiêm vắc xin phòng lao cho trẻ nhưng vắc xin chỉ có tác dụng khi cơ thể trẻ chưa bị nhiễm khuẩn lao. Còn các trường hợp nếu đã xác định chính xác trẻ nhiễm lao thì việc tiêm phòng lao lúc này là không cần thiết.

1.1 Chỉ định tiêm phòng lao

Áp dụng cho tất cả các trường hợp chưa bị nhiễm lao, sức khỏe tốt và không mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch.

1.2 Chống chỉ định tiêm vắc xin phòng lao

  • Trẻ đang bị sốt cao.
  • Trẻ mới khỏi bệnh, cơ thể còn đang trong giai đoạn phục hồi.
  • Trẻ có hiện tượng bị viêm da mủ.
  • Trẻ mắc các bệnh mạn tính như sởi, viêm phổi...
  • Trẻ bị sinh non, thiếu cân hoặc đang nằm lồng kính với chế độ chăm sóc đặc biệt.
  • Trẻ có dấu hiệu của các bệnh lý về suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng...

2. Lưu ý trước khi tiêm phòng

Tiêm vắc xin lao cho trẻ sơ sinh
Cần cho trẻ đi khám đầy đủ và nghe tư vấn từ phía bác sĩ trước khi cho trẻ tiêm vắc xin

  • Cho trẻ đi khám đầy đủ và nghe tư vấn từ phía bác sĩ trước khi quyết định cho trẻ tiêm vắc xin. Lựa chọn cơ sở y tế uy tín, chất lượng để thực hiện việc tiêm phòng, tránh nguy cơ xảy ra những điều đáng tiếc.
  • Mặc cho trẻ trang phục quần áo rộng rãi, thoáng mát.
  • Cho trẻ ăn đủ bữa trước khi tiêm, không bị no quá không bị đói để tránh trường hợp trẻ bị nôn ói hay choáng, hạ đường huyết khi tiêm vắc-xin.

3. Lưu ý sau khi tiêm phòng lao cho trẻ

  • Cho trẻ ở lại cơ sở tiêm phòng tối thiểu 30 phút sau tiêm để theo dõi phản ứng của cơ thể sau tiêm hay các dấu hiệu bất thường do đáp ứng với vắc xin.
  • Theo dõi liên tục cơ thể trẻ trong 4 ngày đầu sau tiêm để phát hiện kịp thời các vấn đề xảy ra như sốt, nhiễm trùng vết tiêm, sưng mủ...
  • Khi phát hiện ra các dấu hiệu bất thường trên cơ thể trẻ thì cần cho trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay để được thăm khám, tư vấn và điều trị đúng phương pháp, không tự ý xử lý cho trẻ dùng thuốc tại nhà khi chưa được bác sĩ kê đơn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
  • Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bú mẹ để tăng khả năng đề kháng cho cơ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

364.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan