Bị cúm: Khi nào cần đến bệnh viện?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Nhật An - Giám đốc Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Số người mắc cúm đang tăng cao, mặc dù cúm là bệnh lành tính nhưng có thể gây biến chứng, đặc biệt với một số đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch... Khi nào cúm trở nên nguy hại với sức khỏe con người là điều mà nhiều người quan tâm.

Thưa giáo sư, vậy dấu hiệu như thế nào là mắc cúm và khi nào cần đến bệnh viện?

Cúm mùa thường xảy ra vào mùa lạnh, càng lạnh càng có cơ hội lây lan và phát triển qua đường nước bọt khi ho và nói chuyện, bắn qua đường không khí. Cúm mùa gây ra bởi 2 loại virus cúm A là H1N1 và H3N2 cùng 1 loại cúm B. Ba chủng cúm này thay đổi tính kháng nguyên một cách nhẹ nhàng, gọi là kháng nguyên trôi hàng năm, nên không chịu miễn dịch lâu dài, hàng năm có thể biến chứng đi và có thể gây bệnh. Do đó năm nào cũng có nhiễm cúm.

Cúm do virus, trong trường hợp đặc biệt có thể dùng thuốc chống virus, còn lại điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ. Cúm mùa hầu hết tự khỏi mà không cần đến bệnh viện. Những trường hợp cần đến bệnh viện khi:

  • Cúm có biến chứng: Ngoài các triệu chứng của cúm như sốt, ho,... có biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa, các tổn thương ở vị trí khác. Có những biến chứng rất nặng như viêm não, tổn thương cơ quan khác, rối loạn huyết học: giảm tiểu cầu xuất huyết...
  • Nhóm có nguy cơ bị biến chứng cúm cần được khám và theo dõi cẩn thận: Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người già trên 65 tuổi, bệnh nhân có bệnh mạn tính như phổi mạn tính, hen suyễn mãn tính, phổi tắc nghẽn mãn tính... người tiểu đường, gan, thận, tim... phụ nữ mang thai, người có suy giảm miễn dịch...
Bà bầu cúm
Phụ nữ mang thai mắc cúm cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn kịp thời

Bệnh cúm có thể gây tử vong không, Thưa Giáo sư?

Cúm là bệnh lành tính. Có thể khỏi mà không để lại biến chứng nguy hiểm. Trường hợp tử vong do cúm chủ yếu xảy ra ở đối tượng nguy cơ. Ngoài ra có thể xảy ra ở người khỏe mạnh nếu chăm sóc và điều trị cúm đúng cách.

Hiện nay nhiều người bệnh tìm mua thuốc Tamiflu để dự phòng và điều trị cúm. Vậy có phải cứ bị cúm là uống tamiflu?

Thuốc điều trị cúm Tamiflu (thuốc chống virus) có tác dụng khi được điều trị đúng. Tức là chỉ có tác dụng tốt khi sử dụng trong 24h kể từ khi người bệnh phát hiện các triệu chứng cúm như sốt cao, đau đầu... Tamiflu sẽ làm cho thời gian bị bệnh ngắn lại, tuy nhiên các tác dụng khác chưa thực sự rõ ràng.

Việc tự ý mua Tamiflu sẽ gây ra những hậu quả như thế nào, Thưa Giáo sư?

Bất cứ thuốc nào cũng có tác dụng phụ, phản ứng không mong muốn. Tamiflu phải được chỉ định sử dụng đúng mới có hiệu quả tốt và cần được theo dõi an toàn. Trường hợp dùng không đúng sẽ không có tác dụng, trong khi nguy cơ tác dụng phụ vẫn có, và tốn tiền.

Tamiflu
Thuốc Tamiflu có tác dụng điều trị cúm

Giáo sư có thể chia sẻ những biện pháp phòng tránh cúm hiệu quả?

Cần cảnh giác cúm khi: Dịch lan tràn, nhiều người bị, ví dụ trong lớp học, gia đình... Cần có biện pháp phòng ngừa cúm cho bản thân và những người xung quanh bằng cách: Rửa tay bằng xà phòng, tẩy khuẩn vật dụng, bịt miệng khi ho ra bên ngoài, khẩu trang là một trong những thứ hữu hiệu để phòng lây lan dạng giọt bắn, bạn cần sử dụng khẩu trang đủ bộ lọc để không bị phát tán virus cúm ra ngoài, không để cơ thể bị nhiễm lạnh.... Ngoài ra có thể Tiêm vắc xin cúm trước khi có triệu chứng bệnh và trước mùa cúm. Đặc biệt cần tiêm vắc xin phòng cúm cho nhóm đối tượng có nguy cơ.

Rửa tay
Rửa tay bằng xà phòng giúp phòng tránh cúm

Giáo sư có thể chia sẻ cần lưu ý gì khi tiêm vắc-xin cúm và những tác dụng phụ có thể gặp khi tiêm vắc-xin?

Vắc-xin phòng cúm chỉ phòng 2 chủng cúm A và 1 chủng cúm B. Nếu có tình trạng trôi kháng nguyên, tức là kháng nguyên thay đổi thì virus cúm vẫn có thể thay đổi. Virus cúm được gọi là “virus thông minh” vì luôn nghĩ ra cách chống lại sức đề kháng của con người. Đối với các loại cúm khác có thể xảy ra theo tính chất cảnh báo dịch tễ đặt biệt, ví dụ cúm gia cầm H5N1. Do đó cần tiêm phòng nhắc lại vắc-xin cúm hàng năm.

Vắc-xin cúm thường dùng hiện nay chủ yếu là virus cúm đã được tiêu diệt (bất hoạt), không gây bệnh cúm nhưng có thể có tác dụng phụ. Một số phản ứng sau tiêm vắc-xin cúm bao gồm:

  • Tác dụng phụ gây ra biến chứng (rất hiếm): Sốc phản vệ, biểu hiện thần kinh, rối loạn tiểu cầu máu... Tuy nhiên đây là những phản ứng cực kỳ hiếm.
  • Tác dụng phụ không gây ra biến chứng: đau ở chỗ tiêm, sốt nhẹ, quấy khóc, kém ăn, đôi khi rối loạn tiêu hóa, đau đầu... Những phản ứng này hầu hết tự khỏi và không cần điều trị.

Tiêm vắc-xin cúm thường không gây ra nguy hiểm, kể ra tiêm cho người có sức đề kháng suy giảm. Tại Vinmec, trước khi tiêm vắc-xin trẻ được khám sàng lọc, những trường hợp bệnh cấp tính hoặc dị ứng không rõ căn nguyên sẽ có những trì hoãn để tránh phản ứng xấu xảy ra.

Khám nhi Vinmec Times City
Tại Bệnh viện Vinmec, tất cả các trẻ đều được khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm

Để ngăn ngừa dịch cúm trong cộng đồng, Giáo sư có thể cho biết những đối tượng nào cần được tiêm vắc-xin phòng ngừa cúm hàng năm?

Đối tượng nên tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm bao gồm:

  • Trẻ em từ 6 tháng - 5 tuổi
  • Người cao tuổi trên 65 tuổi
  • Người có bệnh lý mạn tính
  • Nhân viên y tế
  • Phụ nữ mang thai
  • Người trông trẻ (người giúp việc, giáo viên mầm non...)
  • Người bị suy giảm miễn dịch...

Ngoài ra những người khỏe mạnh bình thường cũng nên tiêm phòng cúm.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan