Tác dụng của cây và quả tầm xuân

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Hồng Chính - Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec - Sao Phương Đông

Cây tầm xuân được sử dụng phổ biến trong Y Học Cổ Truyền với nhiều tác dụng chữa bệnh khác nhau như trị táo bón, nhọt độc, bỏng, chảy máu cam, khó tiêu, nôn ra máu,... Bộ phận có thể dùng làm thuốc của cây bao gồm hoa, lá, rễ và quả.

1. Tác dụng của cây tầm xuân

Cả phần thân, rễ, lá, ngọn non và quả tầm xuân đều được sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Việc thu hái và sơ chế tùy thuộc vào bộ phận làm thuốc:

  • Thu hái hoa tầm xuân vào mùa hạ
  • Lá và rễ cây tầm xuân được thu hoạch quanh năm
  • Quả được thu hái về làm thuốc khi chín

Các bộ phận trên đem về rửa sạch, có thể dùng tươi hoặc phơi/sấy khô. Dược liệu khô rất dễ bị ẩm mốc, nên cần được bảo quản nơi khô ráo trong điều kiện nhiệt độ phòng là tốt nhất.

Phân tích thành phần hóa học của cây tầm xuân cho thấy có một số hợp chất chống oxy hóa. Ngoài ra, trong quả tầm xuân còn chứa một hàm lượng lớn vitamin C. Riêng phần rễ cây tầm xuân có các thành phần như triterpenoid acid, sitosterol hay cachoa extract.

Tính vị của các vị thuốc từ cây tầm xuân theo Y Học Cổ Truyền:

  • Lá cây tầm xuân có vị đắng, tính bình và hơi sáp.
  • Quả tầm xuân có vị chua và tính ấm.

Theo nghiên cứu hiện đại tác dụng của cây tầm xuân như sau:

  • Dịch chiết từ rễ cây tầm xuân có tác dụng chống đông máu, loại bỏ cholesterol xấu và triglycerid, lipoprotein trong huyết thanh. Đồng thời rễ cây tầm xuân cũng giúp bảo vệ cơ tim, qua đó nâng cao sức khỏe tim mạch.
  • Lá cây tầm xuân có tác dụng sinh cơ, giúp vết thương nhanh liền sẹo

Theo Y Học Cổ Truyền, cây tầm xuân có tác dụng thanh nhiệt, giảm tình trạng nóng trong, khu phong, trừ thấp, kích thích lưu thông tuần hoàn máu, tiêu độc, giảm đau. Cây tầm xuân chủ trị các chứng bệnh sau:

  • Vàng da (hoàng đản) do nhiều nguyên nhân khác nhau.
  • Phù do viêm thận
  • Lỵ
  • Bí tiểu, tiểu khó và tiểu không tự chủ.
  • Đái dầm ở trẻ em.
  • Người già đi tiểu nhiều lần vào ban đêm.
  • Táo bón
  • Đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều
  • Nhọt độc
  • Trĩ xuất huyết,...

Cây tầm xuân được sử dụng làm thuốc dưới dạng thuốc sắc, giã tươi để đắp vào tổn thương hoặc tán bột. Tùy theo bệnh lý bác sĩ sẽ sử dụng bộ phận thích hợp như hoa, lá, rễ hay quả.

quả tầm xuân
Quả tầm xuân được sử dụng làm thuốc chữa bệnh

2. Quả tầm xuân có tác dụng gì?

Theo Y Học Cổ Truyền, quả tầm xuân được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị các vấn đề sau đây:

  • Cảm lạnh;
  • Cúm;
  • Thiếu hụt vitamin C;
  • Các vấn đề về dạ dày bao gồm co thắt dạ dày, thiếu axit dạ dày và loét dạ dày;
  • Bệnh đường ruột;
  • Bệnh tiêu chảy;
  • Táo bón;
  • Sỏi mật;
  • Bệnh túi mật;
  • Chảy nước mắt hoặc phù nề;
  • Bệnh gout;
  • Đau thần kinh tọa;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Cholesterol cao;
  • Giảm cân;
  • Huyết áp cao;
  • Các bệnh về ngực;
  • Sốt;

3. Các bài thuốc từ cây tầm xuân

  • Điều trị tổn thương ngoài da gây chảy máu: Rễ tầm xuân khô đem tán bột mịn cất trong hộp có nắp đậy kín. Lấy một ít bột rắc lên trên vết thương hoặc trộn bột cùng với dầu vừng tạo thành hỗn hợp sền sệt rồi thoa vào vết thương.
  • Chữa u tuyến giáp: Dùng 5g hoa tầm xuân, 5g hoa trùng bì, 5g hoa thanh bì và 5g hoa hồng. Sắc các vị thuốc trên với 500ml nước nấu lửa nhỏ cho đến khi còn 200ml, chia ra uống 3 lần trong ngày, tốt nhất uống khi còn ấm.
  • Trị cảm nắng
    • Dùng 3 - 9g hoa tầm xuân sắc lấy đặc uống.
    • Dùng 5g hoa tầm xuân, 10g rễ cây qua lâu, 30g sinh thạch cao và 15g dương cửu. Đem sắc kỹ chia 2 – 3 lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống 1 thang cho đến khi các triệu chứng bệnh chấm dứt
    • Dùng 10g hoa tầm xuân và 10g hoa đậu ván trắng, đem hãm với nước sôi giống như pha trà. Để khoảng 15 phút vớt hoa ra, cho thêm chút đường phèn vào uống.
  • Điều trị chảy máu cam, ói ra máu: Dùng 6g hoa tầm xuân, 15g tử tuệ căn và 30g rễ cỏ tranh, sắc trong 30 phút lấy nước uống giúp cầm máu trong các trường hợp bị thổ huyết, chảy máu cam.
  • Trị bệnh ghẻ trong mùa hè: Lấy một ít rễ tuần xuân tươi, hãm như hãm trà uống 2- 3 chén một ngày.
  • Chữa sốt rét (ngược tật): Dùng hoa tầm xuân tươi nấu nước uống thay cho trà.
  • Điều trị bệnh tiểu đường và bệnh viêm loét niêm mạc miệng kéo dài: Dùng 30ml sương đọng trên hoa tầm xuân được lấy vào buổi sáng sớm pha với một chút nước ấm uống trước khi ăn.
  • Điều trị mụn nhọt có mủ: Nghiền lá tầm xuân khô thành bột mịn sau đó trộn chung với giấm và mật ong tạo thành hỗn hợp đặc sệt. Đắp trực tiếp hỗn hợp đó lên khu vực bị tổn thương mỗi ngày 1 lần. Chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp mụn đã bị vỡ loét.
  • Trị đau răng, chữa viêm loét miệng: Dùng rễ tầm xuân tươi sắc nước đặc uống hoặc ngậm trong miệng từ 5 – 10 phút, mỗi ngày làm 3 lần.
  • Chữa viêm loét ở chân: Dùng lá tầm xuân tươi hoặc khô đun lấy nước để vệ sinh vết thương 2- 3 lần trong ngày.
  • Điều trị bỏng: Có thể lấy rễ tầm xuân tươi nấu nước rửa vết bỏng. Hoặc dùng rễ cây tầm xuân sấy khô, nghiền thành bột rồi trộn với dầu vừng, sau đó đắp vào vết bỏng.
  • Điều trị nhọt độc: Lấy 1 nắm lá và cành non của cây tầm xuân giã nát với muối. Sau đó, đắp thuốc lên chỗ mụn, dùng băng gạc y tế băng cố định lại, thay thuốc 1- 2 lần mỗi ngày.
  • Chữa tiểu khó, bí tiểu: Dùng 10g quả tầm xuân, mã đề và biển súc mỗi loại 30g, sắc với 500ml nước cho cạn còn một nửa, chia uống 2 -3 lần trong ngày.
  • Điều trị chứng chảy máu cam mãn tính: Lấy 60g rễ tầm xuân, 300g thịt vịt già cắt nhỏ hầm nhừ, ăn món này vài lần trong tuần.
  • Điều trị đái dầm ở trẻ nhỏ và chứng đi tiểu đêm nhiều lần ở người già: Dùng 30g rễ tầm xuân, sắc nước chia uống 3 lần trong ngày hoặc hầm cùng với thịt nạc lợn ăn.
  • Điều trị bệnh áp xe phổi: Dùng 15g rễ tầm xuân, 30g bo bo cùng với 30g hạt bí đao, sắc lấy nước đặc uống.
  • Chữa bệnh trĩ ra máu, tổn thương do ngã hoặc bị đánh: Lấy 30g rễ tầm xuân tươi rửa sạch đất cát, giã nát rồi chắt lấy nước uống.
  • Chữa đau bụng kinh: Sắc 120g trái tầm xuân lấy nước đặc, hòa chung với đường và rượu vang uống ấm giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả.
  • Điều trị bệnh rong kinh: Dùng rễ tầm xuân và cỏ nhọ nồi, tiên hạc thảo mỗi vị 30g cùng với 10g cây ngải cứu đốt tồn tính, mỗi ngày sắc uống 1 thang.
  • Điều trị táo bón: Dùng 10g trái tầm xuân và 3g tướng quân, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
  • Chữa vàng da (hoàng đản): Dùng 15 – 24g rễ tầm xuân, 60g thịt nạc lợn, một ít rượu vang. Hầm rễ tầm xuân và thịt lợn cho chín, sau đó thêm rượu vang vào, ăn vài lần trong ngày cho hết.
quả tầm xuân
Rễ tầm xuân tươi có thể trị đau răng, chữa viêm loét miệng

4. Lưu ý khi dùng cây tầm xuân

Tính an toàn của cây tầm xuân đối với phụ nữ có thai và cho con bú chưa được chứng minh. Phụ nữ nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng để đảm bảo chất lượng sữa mẹ cũng như sự an toàn của thai nhi.

Mặc dù, cây tầm xuân không có độc nhưng cũng không nên lạm dụng nó, chỉ nên dùng với liều lượng cho phép. Ngoài ra, một số người có thể bị dị ứng với một thành phần nào đó có trong cây tầm xuân. Vì vậy, cần dừng việc dùng thuốc ngay nếu thấy các dấu hiệu nghi ngờ bị dị ứng như nổi mề đay, ngứa ngoài da, cảm giác bứt rứt trong người, khó thở, nôn ói, tức ngực... Cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc và sản phẩm bạn đang sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan