Day huyệt phong trì có tác dụng gì?

Huyệt phong trì đóng vai trò quan trọng trong hệ thống huyệt đạo của con người. Huyệt đạo này được sử dụng hiệu quả trong điều trị các bệnh lý về thần kinh như rối loạn tiền đình, đau đầu chóng mặt, thiếu máu não, giảm thị lực, thoái hóa cột sống, ù tai...

1. Khái niệm huyệt phong trì

Huyệt phong trì là huyệt đạo thứ 20 của nhóm Kinh Đởm và hội với mạch Dương Duy, được giới thiệu lần đầu tiên trong cuốn sách Thiên Nhiệt Bệnh (Linh Khu). Đây là huyệt đạo rất thông dụng và ý nghĩa của tên huyệt đạo tương tự như công dụng trong điều trị các bệnh lý. Theo đó, trong nghĩa Hán – Việt, Phong nghĩa là gió – chỉ những tác nhân gây bệnh bên ngoài và tính chất diễn biến, tiến triển của bệnh, Trì nghĩa là cái ao – nói tới một chỗ hõm. “Phong Trì” là huyệt nằm trong góc hõm được tạo nên bởi các khối cơ vùng cổ gáy và được xem là nơi phong tà (các tác nhân gây bệnh) xâm nhập tạo nên các triệu chứng của bệnh cảm mạo phong nhiệt và phong hàn. Các triệu chứng này bao gồm hoa mắt, chóng mặt, đau đầu thậm chí có thể dẫn đến liệt hoặc bại liệt nửa người...

Vậy huyệt phong trì nằm ở đâu trên cơ thể? Theo đó, huyệt phong trì được mô tả với đặc điểm như sau: “Huyệt nằm ở chỗ hõm phía sau mang tai, bờ bên ngoài của cơ thang sát đáy sau hộp sọ và bờ bên trong của ức đòn chũn. Vị trí huyệt này tựa như cái ao, là nơi quan trọng để điều trị phong nên được gọi là Phong trì”.

Người bệnh bị đau ở vị trí huyệt phong trì có thể là dấu hiệu của các bệnh lý về đau đầu, tiền đình... Trong trường hợp này người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm nhất có thể, tránh để lâu có thể dẫn đến các hậu quả nguy hiểm về sau.

2. Huyệt phong trì có tác dụng gì?

Huyệt phong trì đóng vai trò quan trọng trong hệ thống huyệt đạo của con người. Trong Y Học Cổ Truyền, huyệt đạo này được các bác sĩ sử dụng bấm huyệt, xoa bóp với công dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như sau:

  • Chấn thương, va đập hay tác động của ngoại cảnh làm ảnh hưởng đến chức năng tuần hoàn não;
  • Người bệnh bị thiếu máu não;
  • Người bệnh bị đau nửa đầu kinh niên, lâu năm do nhiều nguyên nhân khác nhau;
  • Người bị viêm kết mạc;
  • Tổn thương sụn đốt sống, đốt sống cổ, mất động mạch đốt sống và các vị trí khác trên cột sống chịu sự điều khiển trực tiếp từ dây thần kinh cổ số 2;
  • Người bị suy giảm thị lực, ù tai do các nguyên nhân bệnh lý liên quan đến thần kinh;
  • Người bị đau dây thần kinh chẩm (đau nửa đầu vai gáy), đau lưng cấp tính và mãn tính;
  • Đau vai do tính chất công việc phải ngồi quá lâu hoặc lao động nặng nhọc;
  • Trong một số trường hợp, huyệt phong trì còn hỗ trợ điều trị các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp tính, cảm lạnh, sốt...

Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng xoa bóp, bấm huyệt phong trì đem lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh rối loạn tiền đình. Người bệnh sẽ cảm nhận được những thay đổi lớn sau khi thực hiện bấm huyệt, vì vậy phương pháp này được nhiều người bệnh áp dụng trong quá trình điều trị.

huyệt phong trì
Huyệt phong trì có nhiều công dụng khác nhau trong điều trị bệnh lý

3. Cách bấm huyệt phong trì

Bấm huyệt phong trì đúng cách sẽ đem lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị các bệnh lý về rối loạn tuần hoàn não bao gồm rối loạn tiền đình, đau nửa đầu vai gáy... Các bước xác định và bấm huyệt phong trì chính xác như sau:

3.1. Xác định huyệt phong trì

Vị trí huyệt phong trì nằm ở đâu và xác định như thế nào? Để xác định huyệt phong trì có rất nhiều phương pháp và sẽ dễ dàng hơn đối với những người đã từng học, tìm hiểu về huyệt đạo hay Y Học Cổ Truyền. Xác định vị trí huyệt đạo qua phương pháp sau:

Đối với người có chuyên môn: Vị trí huyệt được xác định nằm ở góc lõm phía bờ trong ức đòn chũm và bờ ngoài của cơ thang. Bạn cần xác định được vị trí cơ thang, hộp sọ và ức đòn chũm để sờ thấy huyệt đạo một cách chính xác nhất. Huyệt phong trì được hợp bởi kinh Đởm và mạch Dương Duy.

Đối với người không có chuyên môn: Xác định vị trí huyệt phong trì như sau:

  • Xòe lòng bàn tay ra, đặt phần hõm giữa của 2 lòng bàn tay lên đỉnh 2 tai;
  • Các ngón tay ôm chặt đỉnh đầu, riêng ngón tay cái hướng về phía sau gáy;
  • Vuốt dọc 2 ngón tay cái dọc theo chiều đi xuống qua một ụ xương, tới vị trí chỗ lõm nằm giữa hai khối cơ nối sau gáy, đây chính là vị trí huyệt phong trì.

3.2. Các thao tác bấm huyệt phong trì

Sau khi đã xác định được vị trí huyệt phong trì, người bệnh thực hiện các bước bấm huyệt giúp cải thiện tình trạng đau nửa đầu vai gáy, rối loạn tiền đình và các bệnh lý liên quan như sau:

  • Lựa chọn tư thế thoải mái nhất: Trước khi bấm huyệt bạn cần lựa chọn cho mình tư thế thoải mái nhất, sau đó thả lỏng cơ thể và tập trung tinh thần vào quá trình thực hiện để đạt được hiệu quả tốt nhất. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia Y Học Cổ Truyền, người bệnh nên ngồi ở ghế có tựa lưng và không suy nghĩ về các vấn đề khác, tập trung tinh thần.
  • Thực hiện bấm huyệt: Bấm nhẹ nhàng vào huyệt sau khi đã xác định được vị trí. Động tác thực hiện không nên quá nhanh và cũng không quá chậm mà cần dùng đều sức. Day đều huyệt theo chiều kim đồng hồ trong thời gian từ 2 – 3 phút để tạo cảm giác căng tức tại chỗ. Cảm giác căng tức có thể lan ngược lên nửa sau đầu hoặc lan sang vùng cổ. Nếu dùng sức quá mạnh có thể dẫn đến các cơn đau huyệt phong trì, thậm chí là gây hôn mê;
huyệt phong trì
Huyệt phong trì cần được tác động chính xác theo chỉ dẫn

4. Cần lưu ý gì khi bấm huyệt phong trì

Phương pháp bấm huyệt phong trì đem lại hiệu quả cao trong điều trị các bệnh lý về thần kinh như rối loạn tiền đình, đau đầu chóng mặt, thiếu máu não... Tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao trong điều trị người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Người bệnh có thể áp dụng phương pháp bấm huyệt phong trì độc lập hoặc kết hợp xoa bóp vùng cổ vai gáy nhằm giúp tăng hiệu quả điều trị, nên duy trì bấm huyệt 2 lần mỗi ngày;
  • Người thực hiện kỹ thuật bấm huyệt cần vệ sinh tay sạch sẽ, móng tay được cắt ngắn, bởi việc để móng tay dài có thể làm tổn thương da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng;
  • Cần giữ tình thần thoải mái, ổn định để quá trình trị liệu đạt được hiệu quả cao và không nên thực hiện bấm huyệt khi vừa sử dụng các thực phẩm kích thích, khi bụng quá đói hoặc quá no;
  • Không thực hiện phương pháp đối với phụ nữ đang mang thai, phụ nữ cho con bú, người bị bệnh nhiễm trùng hoặc sốt cao;
  • Người bệnh tăng huyết áp cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện phương pháp bấm huyệt phong trì;
  • Người bệnh cần xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất; chế độ sinh hoạt và hoạt động mỗi ngày cần lành mạnh như tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày, không thức khuya, không căng thẳng, stress...;

Huyệt phong trì là huyệt đạo quan trọng trên cơ thể và chủ trị các bệnh lý liên quan đến vùng cổ, đầu, vai, gáy. Vì vậy huyệt đạo này được áp dụng trong điều trị các bệnh lý rối loạn tiền đình, đau đầu, mất ngủ, thiểu năng tuần hoàn máu não... bằng cách day bấm huyệt. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cao khi điều trị, người bệnh cần xác định chính xác vị trí huyệt đạo.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

38.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan