Ung thư thanh quản là bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là khi không được chẩn đoán xác định sớm, điều trị kịp thời. Theo các bác sĩ, chẩn đoán xác định các giai đoạn ung thư thanh quản có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp và tiên lượng cụ thể cho từng bệnh nhân.
1. Ung thư thanh quản là gì?
Thanh quản là một cơ quan nằm phía trước cổ, trên khí quản, kích thước khoảng 5 x 5cm. Thanh quản đóng vai trò quan trọng trong hô hấp, ăn uống và phát âm.
Ung thư thanh quản là loại ung thư vùng đầu - mặt - cổ thường gặp, xuất hiện khi tế bào ung thư hình thành trong mô thanh quản. Tế bào ung thư có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào trên thanh quản. Khi ung thư thanh quản di căn, các tế bào ung thư có thể xâm lấn tới các hạch bạch huyết vùng cổ, mặt sau lưỡi, họng, cổ, phổi,... và các cơ quan khác trên cơ thể.
2. Nguyên nhân gây ung thư thanh quản
Hiện vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ung thư thanh quản. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh này gồm:
- Tuổi tác (người trên 55 tuổi); giới tính (nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn)
- Người có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia
- Người có tiền sử mắc bệnh ung thư vùng đầu - mặt - cổ
- Người có đặc thù công việc tiếp xúc với acid sunfuric, niken và amiăng; nhiễm một số loại virus
- Chế độ ăn thiếu vitamin A; mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản,...
Bệnh nhân ung thư thực quản có các triệu chứng đặc trưng gồm: Nói khàn, thay đổi giọng nói, ho kéo dài, đau họng hoặc có cảm giác nghẹn ở vùng họng, khó thở, đau tai, gầy sút nhanh,...

3. Các giai đoạn ung thư thanh quản
Ung thư thanh quản được phân chia thành các giai đoạn sau:
3.1 Giai đoạn 0
Được coi là ung thư thanh quản giai đoạn đầu. Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư chỉ tìm thấy ở thanh quản, chưa lây sang các bộ phận khác. Nếu phát hiện được bệnh ở thời điểm này thì có thể điều trị thành công. Trường hợp không phát hiện được thì tế bào ung thư sẽ lan rộng ra các mô xung quanh;
3.2 Giai đoạn 1
Khối u ác tính hình thành ở thanh quản, chưa lây lan tới các cơ quan khác. Khối u có thể xuất hiện ở vùng thượng thanh môn, thanh môn hoặc hạ thanh môn, dây thanh quản vẫn di động bình thường;
3.3 Giai đoạn 2
Khối u vẫn chỉ tồn tại ở thanh quản nhưng dây thanh có thể đã không di động được nữa;
3.4 Giai đoạn 3
Khối u ác tính đã lan rộng ra ngoài thanh quản, gồm 3 trường hợp sau:
- Với khối u ở vùng thượng thanh môn: Khối u ở thanh quản hoặc mô kế thanh quản, 2 dây thanh di động không bình thường. Tế bào ác tính có thể lan vào hạch bạch huyết cùng bên cổ từ vị trí xuất phát của khối u, hạch có thể có kích thước trên 3cm;
- Với khối u vùng thanh môn: Khối u chỉ xuất hiện ở thanh quản và 2 dây thanh không thể di động bình thường. Tế bào ung thư có thể di căn tới các hạch cùng bên cổ với khối u, hạch có kích thước dưới 3cm;
- Với khối u vùng hạ thanh môn: Khối u chỉ xuất hiện ở thanh quản, 2 dây thanh di động không bình thường. Tế bào ung thư có thể lan tới hạch bạch huyết cùng bên cổ với khối u, hạch có kích thước dưới 3cm;
3.5 Giai đoạn 4
Tế bào ung thư đã xâm lấn các cơ quan khác trên cơ thể, xuất hiện hạch lan rộng với kích thước to hơn. Ung thư thanh quản giai đoạn 4 là giai đoạn muộn, việc điều trị chủ yếu giúp người bệnh giảm đau đớn, khó chịu, nâng cao chất lượng sống.

Ung thư thanh quản nếu được phát hiện và điều trị sớm thì tỷ lệ chữa khỏi có thể lên tới 80%. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp đều chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn khi bệnh đã nặng, việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, những người có nguy cơ cao mắc bệnh nên đi tầm soát ung thư định kỳ để có thể sớm phát hiện và điều trị bệnh.