Công dụng thuốc Grarizine

Mục lục

Grarizine là loại thuốc có tác dụng chống dị ứng, thuộc nhóm thuốc kháng Histamin H1 mạnh. Vậy thuốc Grarizine có tác dụng gì và được chỉ định dùng cho những trường hợp nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

1. Grarizine có tác dụng gì?

Thuốc Grarizine chứa hoạt chất chính là Levocetirizine dưới dạng muối với hàm lượng 5mg. Một viên nén Grarizine phối hợp vừa đủ tá dược, gồm: Hypromellose, Natri Croscarmellose, tinh bột bắp, Talc, Lactose, Magnesi Stearat, Titanium Dioxide, Macrogol-6000, Cellulose vi tinh thể và Colloidal Silica khan.

Thuốc Grarizine được dùng để điều trị các bệnh có triệu chứng liên quan đến dị ứng như:

Thuốc Grarizine được bào chế dưới dạng viên nén bao phim.

2. Chống chỉ định thuốc Grarizine

Thuốc Grarizine chống chỉ định đối với các trường hợp sau:

  • Người bệnh quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc Grarizine, bao gồm các hoạt chất và tá dược vừa đủ;
  • Bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối suy thận, khi độ thanh thải Creatinin dưới 10ml/ phút;
  • Trẻ em dưới 6 tuổi và phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.

3. Cách sử dụng, liều dùng của thuốc Grarizine

Cách dùng thuốc:

  • Thuốc Grarizine được sử dụng bằng đường uống. Khi uống, thuốc phải được dùng kèm với nước lọc. Người bệnh có thể dùng thuốc trước hoặc sau bữa ăn.

Liều dùng Grarizine:

  • Trẻ em trên 6 tuổi: Liều dùng 1 viên/ ngày. Không dùng thuốc Grarizine cho trẻ em dưới 6 tuổi;
  • Người lớn: liều dùng 1 viên/ ngày;
  • Với đối tượng bệnh nhân bị suy thận, cần phải tùy thuộc vào tình trạng để tăng, giảm lượng thuốc cho phù hợp. Trường hợp bệnh nhân có mức độ suy thận nhẹ và trung bình (độ thanh thải Creatinin từ 30-49ml/ phút), liều lượng được khuyến cáo là 1 viên Grarizine trong vòng 2 ngày. Đối với trường hợp bệnh nhân có mức độ suy thận nặng (độ thanh thải Creatinin dưới 30ml/ phút), liều lượng được chỉ định là 1 viên trong vòng 3 ngày;

4. Làm gì khi sử dụng quá liều thuốc Grarizine?

Khi sử dụng thuốc quá liều, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Có thể gặp các tình trạng đau đầu, buồn ngủ, mệt mỏi, khô miệng và chán ăn;
  • Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: Xuất hiện các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn/ buồn nôn. Một số trường hợp có thể gặp triệu chứng buồn ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ.

Điều trị: Trong trường hợp sử dụng Grarizine quá liều dẫn đến các triệu chứng đã nêu ở trên, người nhà hoặc bệnh nhân cần lập tức dừng thuốc và thông báo với bác sĩ điều trị để được xử lý kịp thời, tránh gặp những trường hợp xấu nhất xảy ra.

Trong trường hợp quên liều, bệnh nhân không được dùng gấp đôi số liều để bù vào lần quên trước đó. Tiếp tục dùng liều tiếp theo, đúng với liều lượng và thời gian đã được bác sĩ kê trước đó. Tuy nhiên, hãy cố gắng dùng thuốc đúng theo đơn của bác sĩ để tạo hiệu quả tốt nhất trong quá trình điều trị.

5. Tương tác thuốc Grarizine

Bệnh nhân khi được chỉ định dùng thuốc Grarizine cần thông báo cho bác sĩ hay dược sĩ những loại thuốc, thực phẩm chức năng đang sử dụng để giúp việc điều trị có được hiệu quả tốt nhất, tránh gây ra những phản ứng thuốc không đáng có.

Một số loại thuốc cần phải tránh khi sử dụng thuốc Grarizine:

  • Thuốc IMAO: Là loại thuốc chống trầm cảm, được viết tắt bởi cụm từ tiếng anh Inhibitor Mono Amino Oxydase;
  • Thuốc ức chế thần kinh trung ương;
  • Thuốc Quinidin Sulfat: Thuốc dùng để ngăn ngừa triệu chứng rối loạn nhịp tim.

6. Chú ý khi dùng thuốc Grarizine

Giống với hầu hết tất cả các loại thuốc khác, cần phải thật thận trọng khi sử dụng Grarizine cho phụ nữ đang mang thai hoặc trong giai đoạn cho con bú.

Hiện tại chưa có nghiên cứu nào chỉ ra thuốc Grarizine gây ảnh hưởng đến khả năng lái xe hay vận hành máy móc. Tuy nhiên, trước khi kê đơn, bác sĩ cần thông báo cho bệnh nhân về một số tác dụng phụ có thể gặp phải như đau đầu, buồn ngủ, mệt mỏi, ...

Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Grarizine. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Grarizine theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng hay giảm liều hoặc đưa đơn thuốc cho người khác sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ