Vinmec kỷ niệm Ngày Điều dưỡng Thế giới

Sáng ngày 12/5/2012, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, lễ kỷ niệm ngày Điều dưỡng thế giới đã được tổ chức một cách long trọng nhằm tôn vinh những điều dưỡng viên tận tuỵ, những người không thể thiếu trong việc chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân.

Trong buổi lễ, ban Lãnh đạo cùng toàn thể điều dưỡng viên bệnh viện đã cùng ôn lại ý nghĩa lịch sử ngành Điều dưỡng thế giới và Việt Nam. Câu chuyện về người khai sinh ra ngành Điều dưỡng là bà Florence Nightingale (1820 - 1910) cùng biểu tượng của cây đèn dầu đã làm lay động trái tim mỗi người và gửi thông điệp sâu sắc tới mọi điều dưỡng viên về vai trò quan trọng của công tác điều dưỡng.


Buổi lễ kỷ niệm ngày Điều dưỡng Thế giới tại Vinmec trong không khí trang trọng
nhưng thân thiết và ấm áp

Chia sẻ nhân dịp này, Giáo sư Đỗ Tất Cường, Giám đốc điều hành Bệnh viện Vinmec, đã một lần nữa khẳng định vai trò không thể thiếu của điều dưỡng viên, bởi ngoại trừ thời gian được các bác sĩ khám và kê đơn điều trị, hầu hết thời gian còn lại, điều dưỡng chính là người tiếp xúc với người bệnh. Chăm sóc, phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh, từ các kỹ thuật chuyên môn như trực tiếp hoặc phụ tiêm thuốc, cho uống thuốc, thay băng, giúp bệnh nhân hô hấp, ăn uống, bài tiết, vận động, duy trì thân nhiệt... cho đến việc là người chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho người bệnh, giúp bệnh nhân làm quen với môi trường bệnh viện để an tâm điều trị, đưa đón bệnh nhân chuyển khoa, chuyển viện hoặc đi khám chuyên khoa ... Có thể nói, chất lượng của một bệnh viện phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm và tận tuỵ của chính những người điều dưỡng.
Cũng trong buổi lễ, bà Tô Thị Điền – Phó Giám đốc điều dưỡng - đã phát động phong trào thi đua với thông điệp: “Chất lượng dịch vụ hoàn hảo và sự hài lòng của người bệnh”. Đây chính là tiêu chí dịch vụ để điều dưỡng viên Vinmec phấn đấu, trở thành những người cộng sự đắc lực của bác sĩ và góp phần chăm sóc tích cực cho các bệnh nhân.


Điều dưỡng và các bác sỹ Vinmec chụp hình kỷ niệm
trong ngày Điều dưỡng thế giới

Đặc biệt, buổi lễ có thêm phần ý nghĩa khi có sự tham gia và chia sẻ của 3 điều dưỡng tình nguyện người Úc hiện đang tham gia chương trình đào tạo hỗ trợ nâng cao trình độ cho các điều dưỡng viên của Vinmec theo tiêu chuẩn quốc tế. Cùng chia sẻ niềm vui trong ngày này, anh Gareth Fahey, chị Debbi Wilson và chị Robyn Hickey cũng phát biểu và đánh giá cao về chất lượng điều dưỡng viên của bệnh viện. Chị Debbi chia sẻ: “Nghề điều dưỡng là một nghề luôn phải học hỏi. Bản thân chúng tôi cũng luôn không ngừng nỗ lực để ngày càng phát triển kỹ năng nghề của mình. Tại Vinmec, chúng tôi đã gặp, làm việc với các bạn điều dưỡng và chúng tôi đánh giá cao sự tươi trẻ và tinh thần ham học hỏi của các bạn. Bằng việc cung cấp tiêu chuẩn thực hành chăm sóc tốt nhất, chúng tôi tin các điều dưỡng tại Vinmec sẽ hỗ trợ đắc lực cho các bác sỹ lâm sàng, đưa đến cho người bệnh sự chăm sóc tốt nhất để Vinmec trở thành bệnh viện tại Việt Nam”.

Người khai sinh ra ngành Điều dưỡng là bà Florence Nightingale (1820 - 1910). Sinh ra trong một gia đình người Anh quyền quý, nề nếp, khi 20 tuổi, Florence đã chọn con đường chăm sóc BN. Tuy nhiên, mỗi khi ngỏ ý với cha mẹ, Florence lại gặp sự phản đối quyết liệt vì nghề chăm sóc BN tại thời điểm đó bị xã hội coi thường, không một gia đình danh giá nào chịu cho con theo nghề này. Cha mẹ Florence rất thất vọng vì cô con gái xinh đẹp và có học của họ lại không chọn cho mình một nghề cao quý, xứng với truyền thống gia đình mà lại muốn làm nghề điều dưỡng, một nghề được coi là thấp hèn.

Từ năm 1854 - 1856, chiến tranh xảy ra giữa nước Nga với các nước Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ. Bị quân đội Nga chống cự kịch liệt, gần 5.000 binh sĩ Anh bị thương, tử trận hoặc chết vì nhiễm trùng trong bệnh viện (BV). Thêm vào đó, dịch tả bùng phát trong quân đội Anh, hàng nghìn lính Anh được đưa vào BV Barack, một BV dã chiến của quân đội Anh ở Scutari. Những người lính Anh lâm vào tình cảnh bị thương không có người chăm sóc, BV dã chiến hỗn độn, vô tổ chức và thiếu thốn mọi thứ. Báo chí từ mặt trận gửi về làm chấn động dư luận nước Anh nên chính quyền Anh đã mời Florence giúp đỡ. Florence đã tuyển 38 phụ nữ tình nguyện cùng cô ra mặt trận. Cô được giao nhiệm vụ toàn quyền chỉ huy các nữ điều dưỡng ở BV dã chiến. Trong đêm tối, Florence thường cầm đèn đi chăm sóc cho từng thương bệnh binh từ mặt trận chuyển về. Vì thế, các thương binh đã đặt cho cô danh hiệu “Nữ công tước với cây đèn”. Florence đã cứu được hàng nghìn mạng sống của thương bệnh binh và được mọi người yêu mến gọi là “Thiên thần trong BV”.

Sau chiến tranh, khi không còn khả năng làm việc, Florence được nhân dân và các chiến sĩ Anh tặng số tiền 50.000 bảng Anh để chăm sóc sức khỏe. Florence đã dùng số tiền có được để vận động thành lập trường đào tạo điều dưỡng đầu tiên trên thế giới tại BV Saint Thomas ở London khi bà bước vào tuổi 40. Sau này, BV Saint Thomas trở thành chiếc nôi để bà Florence nuôi dưỡng, truyền thụ mọi kỹ năng và niềm say mê cho những ai muốn trở thành điều dưỡng.


Chia sẻ