Công dụng của cây thanh ngâm

Cây thanh ngâm là vị thuốc được Y Học Cổ Truyền công nhận trong việc làm chậm và phòng ngừa thoái hóa xương khớp, khai vị tiêu viêm, chữa kém ăn mất ngủ. Để biết thêm các công dụng khác của cây thanh ngâm, mời bạn đọc tham khảo bài viết sau.

1. Đặc điểm của cây thanh ngâm

Cây thanh ngâm có vị đắng gắt, thuộc họ Scrophulariaceae, chủ yếu mọc ở các tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Chiều cao cây khoảng 20cm, phân thành nhiều nhánh; các lá tròn nhọn mọc đối nhau và có răng cưa, gân lá rõ nét. Hoa thanh ngâm màu trắng, mọc thành chùm; còn quả thì hình nang dẹt, nằm trong đài trông như con hến.

Cây sẽ được thu hái toàn bộ cây vào mùa hạ kể cả hoa và quả để phơi hay sấy khô làm thuốc. Về thành phần hóa học trong cây thanh ngâm chứa hoạt chất curangin thuộc nhóm glucosid có nhiều tính chất của digitalis và cũng có tác dụng trợ tim.

2. Công dụng của cây thanh ngâm

Cây thuốc thanh ngâm có vị đắng, tính mát thông vào các kinh Can, Tâm. Do vậy, công dụng của cây thanh ngâm đó là thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng giảm đau. Cụ thể:

  • Cây thuốc thanh ngâm thanh nhiệt, giải độc, cầm máu, trị bệnh gan;
  • Trị mệt mỏi, cảm sốt và ra mồ hôi;
  • Giảm đau bụng, đau thắt lưng, đau dạ dày và thượng vị;
  • Dùng đắp ngoài nơi rắn cắn và vết thương, vết loét, không kể liều lượng. Khi đắp vết thương, hoạt chất curangin trong cây thấm qua máu có thể trở thành thuốc giải độc.
cây thanh ngâm
Công dụng của cây thanh ngâm đó là thanh nhiệt

3. Một số bài thuốc sử dụng cây thanh ngâm

Bài thuốc bổ máu:

  • Công thức: 10g thanh ngâm sắc nước thật đặc, 10g sâm đại hành và 20g nghệ vàng thái nhỏ, phơi khô, tán bột rồi trộn đều;
  • Uống bột trên bằng nước sắc thanh ngâm mỗi ngày dùng trong 7-10 ngày có tác dụng bổ máu cho phụ nữ mới sinh.

Rượu thanh ngâm dùng cho khai vị, dễ tiêu hóa:

  • Công thức: Lấy 100g cỏ thanh ngâm sao lên cho thơm rồi ngâm trong 1 lít rượu trắng (bỏ thêm 300g đường vì thanh ngâm rất đắng). Sau đó đợi rượu thấm thuốc (15 ngày trở lên) thì bắt đầu dùng;
  • Uống khoảng 20-30ml rượu thanh ngâm trước bữa cơm có tác dụng khai vị và điều trị chứng khó tiêu.

Bài thuốc chữa bệnh kém ăn, mất ngủ:

  • Công thức: Lấy thanh ngâm, hoài sơn, hạt táo chua (lấy nhân sao già lên), bá tử nhân, hạt sen, mạch mẫn mỗi vị 10g. Cho vào 800ml nước rồi đun lên, đun cạn còn tầm 250ml nước là được, ngày uống 2 lần;
  • Để được hiệu quả tốt nhất nên uống liên tục trong vòng 10 ngày

Bài thuốc chữa đau bụng do giun:

  • Công thức: Dùng 30g cỏ thanh ngâm, bổ gốc rửa sạch sắc với 500ml nước đun cạn còn khoảng 250ml nước là được;
  • Uống trước bữa ăn, dùng liền trong 3 ngày để đạt hiệu quả.

Các bài thuốc dùng thanh ngâm chủ trị khác:

  • Trị ho gà, đau ngực: Dùng khoảng 10g lá thanh ngâm, kết hợp với 10g rau má hãm lấy nước uống;
  • Trị tiểu máu: Dùng 15g thanh ngâm sắc lấy nước uống;
  • Trị đau thượng vị: Dùng 20g cỏ thanh ngâm, sắc đặc cho đến khi còn khoảng 100ml nước thì cho thêm ít rượu vào rồi uống.

Theo các nghiên cứu, lá thanh ngâm là thảo dược khá an toàn. Với liều 125 và 250mg/kg thì không gây độc hại. Tuy nhiên, có một số trường hợp sử dụng liều cao vẫn có thể gây viêm gan nhẹ, nôn mửa, đi tả hoặc viêm bể thận mạn tính. Do đó, trước khi sử dụng cây thanh ngâm điều trị bệnh lý, người dùng cần tham khảo ý kiến thầy thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan