Có nên chữa viêm phế quản mãn tính bằng thuốc nam?

Viêm phế quản mãn tính là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc phế quản kéo dài. Nguyên nhân của tình trạng này thường do nhiễm vi khuẩn, virus đường hô hấp. Bài viết sẽ đề cập đến vai trò của thuốc nam trong điều trị viêm phế quản mãn tính.

1. Nguyên nhân viêm phế quản theo quan điểm của Y học cổ truyền

Có thể chia nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản thành hai nhóm:

  • Nguyên nhân bên ngoài: Y học cổ truyền cho rằng nguyên nhân chính gây bệnh là do cơ thể cảm thụ tà khí bên ngoài như ngoại cảm phong hàn hay phong nhiệt khiến cho phế khí ngưng trệ và rối loạn chức năng của phế (hệ hô hấp). Từ đó người bệnh biểu hiện triệu chứng ho, đờm, ngứa họng,...
  • Nguyên nhân bên trong: Theo Y học cổ truyền, sự suy giảm chức năng của ba tạng phế (hô hấp), tỳ (tiêu hóa), thận là nguyên nhân bên trong gây bệnh.

Nếu xét theo thời gian và diễn tính của bệnh, viêm phế quản được chia thành hai loại với các nguyên nhân như sau:

  • Viêm phế quản cấp tính: Phong hàn, phong nhiệt, hoặc khí táo là nguyên nhân gây ra viêm phế quản cấp tính.
  • Viêm phế quản mãn tính: Đàm thấp và hàn ẩm là hai nguyên nhân chính của viêm phế quản mãn tính. Ngoài ra, các đợt cấp của viêm phế quản mãn tính thì nguyên nhân cũng tương tự như viêm phế quản cấp tính.

2. Điều trị viêm phế quản mãn tính bằng Đông y ngoài đợt cấp

Ngoài đợt cấp, có thể chữa viêm phế quản mãn tính bằng thuốc nam với một số bài thuốc phù hợp với thể lâm sàng của bệnh.

2.1. Thể đàm thấp

Thể đàm thấp trong viêm phế quản mãn tính biểu hiện với triệu chứng ho, khạc đờm nhiều. Đặc điểm của đờm ở thể bệnh này là trắng dính, có thể lỏng hoặc thành cục. Ngoài ra, bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi, đầy tức, ăn uống kém, có thể xuất hiện rêu lưỡi trắng, nhờn.

Bài thuốc nam chữa viêm phế quản mãn tính có thể áp dụng trong thể bệnh này là sự kết hợp của bài thuốc Lục quân tử thang và bài Bình vị tán gia vị. Mỗi thang gồm các thành phần: đẳng sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo, trần bì, bán hạ chế, thương truật, hậu phác, sinh khương, đại táo, ngưu bàng tử, hạnh nhân, ý dĩ. Thuốc được sắc và uống mỗi ngày 1 thang, chia làm hai lần.

Ngoài ra, châm cứu trong trường hợp này cũng có tác dụng điều trị khi châm bổ vào các huyệt như: huyệt tỳ du, huyệt phế du, huyệt thận du, huyệt túc tam lý, huyệt hợp cốc, huyệt tam âm giao.

2.2. Thể hàn ẩm (thủy ẩm)

Thể hàn ẩm thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi bị viêm phế quản mãn tính kèm giãn phế nang hoặc suy giảm chức năng hô hấp, bệnh tâm phế mạn. Bệnh nhân mắc viêm phế quản mãn tính thể hàn ẩm thường ho kéo dài, hay tái phát. Khi trời lạnh, có thể biểu hiện khó thở, ho tăng lên, khạc nhiều đờm lỏng trắng. Các triệu chứng này tăng lên khi vận động, giảm khi nằm đầu cao. Ngoài ra, bệnh nhân cảm giác sợ lạnh, có rêu lưỡi trắng trơn.

Bài thuốc Tiểu thanh long thang có thể được sử dụng trong điều trị viêm phế quản mãn tính thể hàn ẩm với tác dụng ôn phế, hóa đàm. Thành phần bài thuốc này bao gồm: ma hoàng, quế chi, tế tân, can khương, bán hạ chế, ngũ vị tử, bạch thược, cam thảo gia giảm. Sắc thuốc với liều 1 thang/ngày, chia 2 lần.

Bên cạnh đó, phương pháp cứu tại huyệt tỳ du, huyệt vị du, huyệt phế du, huyệt cao hoang, huyệt túc tam lý, huyệt phong long, huyệt thái bạch cũng là một trong những cách điều trị viêm phế quản mãn tính bằng Đông y ở thể bệnh này.

3. Điều trị đợt cấp viêm phế quản mãn tính bằng Đông y

Điều trị đợt cấp viêm phế quản mãn tính bằng Đông y tương tự như điều trị viêm phế quản cấp tính.

  • Với thể phong hàn của đợt cấp viêm phế quản mãn tính, bệnh nhân có triệu chứng ho, đờm lỏng trong, dễ khạc, có thể kèm với tắc mũi, chảy mũi nước trong. Bệnh nhân thường biểu hiện toàn thân với triệu chứng sốt, sợ lạnh, nhức mỏi người, đau đầu, rêu lưỡi trắng mỏng. Trong trường hợp này, có thể điều trị với bài thuốc Hạnh tô tán gia giảm gồm: hạnh nhân, tô diệp, trần bì, chỉ xác, tiền hồ, cát cánh, bán hạ chế, cam thảo, sinh khương, phục linh.
  • Đối với đợt cấp viêm phế quản mãn thể phong nhiệt, bệnh nhân sốt cao, vã mồ hôi, đau mỏi toàn thân, rêu lưỡi vàng mỏng, kèm với các triệu chứng hô hấp như ho nặng, khạc đàm đặc vàng, đau họng, nước mũi đục vàng. Điều trị thể này có thể sử dụng bài thuốc Tang cúc ẩm với tang diệp, cúc hoa, liên kiều, tiền hồ, bạc hà, hạnh nhân, cát cánh, cam thảo, lô căn, ngưu bàng tử gia giảm.
  • Một thể khác có thể gặp trong đợt cấp của viêm phế quản mãn tính là thể khí táo với triệu chứng ho khan, ít đờm, khô họng, khô mũi, khô lưỡi, toàn thân phát sốt, rêu lưỡi vàng. Bài thuốc Tang bạch thang gia giảm đã được sử dụng để điều trị thể bệnh này, thành phần bài thuốc gồm có: tang diệp, hạnh nhân, sa sâm, xuyên bối mẫu, đậu xị, chi tử, cát cánh, tiền hồ, cam thảo.
  • Phương pháp châm cứu cũng có ý nghĩa trong điều trị đợt cấp viêm phế quản mãn tính. Phương pháp châm tả các huyệt hợp cốc, phong môn, khúc trì, xích trạch, ngoại quan, thái uyên tỏ ra hiệu quả trong điều trị thể phong hàn. Ở thể phong nhiệt, châm tả các huyệt trung phủ, thiên đột, phong môn, hợp cốc, phế du, ngoại quan, liệt khuyết, xích trạch. Còn đối với thể khí táo thì châm bình bổ, bình tả ở các huyệt phế du, trung phủ, xích trạch, thái uyên, khúc trì, hợp cốc.

4. Chữa viêm phế quản mãn tính bằng lá trầu không có được không?

Trong dân gian lưu truyền một số bài thuốc chữa bệnh viêm phế quản mãn tính bằng lá trầu không. Vậy lá trầu không có thực sự hiệu quả? Theo Đông y, trầu không có tính ấm, vị cay nồng, được biết đến với công dụng trừ phong thấp, trị cảm lạnh, long đờm,... Vì vậy, lá trầu không đã được sử dụng như một phương pháp hỗ trợ các vấn đề về hô hấp như ho, cảm lạnh, viêm phế quản, hen suyễn,... Một số bài thuốc sử dụng lá trầu không để hỗ trợ điều trị viêm phế quản mãn tính có thể kể đến là: lá trầu không kết hợp với gừng, lá trầu không kết hợp với mật ong,...

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, không nên tự ý sử dụng các bài thuốc dân gian điều trị viêm phế quản mãn tính khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ Y học cổ truyền. Việc chẩn đoán bệnh cần được thực hiện ở các cơ sở y tế uy tín, sau đó bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc điều trị, kể cả Đông y hay Tây y. Các bài thuốc nam sẽ thể hiện tác dụng khi được chỉ định hợp lý trong từng trường hợp bệnh cụ thể, sự kết hợp chính xác giữa phương thức Y học cổ truyền và Y học hiện đại giúp đem lại hiệu quả cao trong điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan