Ứng dụng của X quang đánh giá tuổi xương

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chụp X quang tuổi xương để kiểm tra tuổi xương so với tuổi khai sinh thường được ứng dụng trong lĩnh vực pháp y, điều trị rối loạn phát triển cơ thể như lùn hoặc rối loạn nội tiết gây dậy thì sớm/muộn và một số tình trạng khác.

1. Tổng quan về chụp hình đánh giá tuổi xương

Bán cầu trái ở não có xu hướng chiếm ưu thế hơn so với bên còn lại khiến con người đa phần thuận bên phải. Do nửa người bên phải thường hoạt động nhiều, dẫn đến xương bên phải cũng phát triển sớm hơn và sẽ cho kết quả không chính xác khi kiểm tra tuổi xương. Trong các phương pháp chụp hình X quang tuổi xương nói chung, xương bàn tay trái luôn được ưu tiên.

Tuy nhiên nếu tay trái đã có biến dạng bẩm sinh, hoặc đã từng bị gãy thì vẫn có thể kiểm tra tuổi xương tay bên phải mà không ảnh hưởng quá nhiều đến độ chính xác của kết quả.

Ngoài ra, chọn lựa xương bàn tay để xác định tuổi xương là vì chúng ít phụ thuộc chủng tộc, trong khi bảng tuổi xương tiêu chuẩn hầu như được dùng chung trên toàn thế giới. Do xương của các bé gái thường phát triển sớm hơn những bé trai, Atlas tuổi xương tiêu chuẩn luôn có 2 đường đồ thị để tiến hành đối chiếu.

Xquang xương bàn tay
Trong các phương pháp chụp hình X quang tuổi xương nói chung, xương bàn tay luôn được ưu tiên

2. Các phương pháp chụp X quang tuổi xương

2.1. Phương pháp Lefebvre và Koikman

Phương pháp đánh giá tuổi xương Lefebvre và Koikman có những đặc điểm cụ thể là:

  • Đối tượng áp dụng: Trẻ em < 30 tháng, đặc biệt các bé < 6 tháng;
  • Chụp X quang tuổi xương toàn bộ tay trái, chân trái;
  • Đếm số lượng điểm nhân cốt hóa;
  • Đưa ra kết quả dựa vào bảng đối chiếu tiêu chuẩn.

2.2. Phương pháp Greulich và Pyle

Đây là phương pháp được sử dụng nhiều nhất, thích hợp cho trẻ từ vài tháng đến sau dậy thì, chi tiết như sau:

  • Chụp X quang bàn tay trái, thẳng;
  • So sánh với bộ hình chuẩn, xem độ tuổi tương ứng;
  • Khảo sát nhân cốt hóa xương bàn, đốt và cổ tay (đốt ngón > cổ tay);
  • Xương vừng: 13 tuổi nam, 11 tuổi nữ (nếu độ tuổi quá nhỏ hoặc quá lớn thì dễ dẫn đến sai lệch);
  • Theo dõi diễn tiến;
  • Cấu trúc các xương bàn – ngón tay.

2.3. Phương pháp Sauvegrain và Nahum

Cùng chung lý do tay phải hoạt động nhiều, dễ bị biến dạng hoặc chấn thương, phương pháp Sauvegrain và Nahum cũng ưu tiên chụp X quang tuổi xương khuỷu tay bên trái, cụ thể:

  • Đối tượng áp dụng: Trẻ 7- 14 tuổi;
  • Chụp X quang khuỷu tay trái, thẳng nghiêng;
  • Tính điểm theo số lượng và kích cỡ của nhân cốt hóa;
  • Dựa vào bảng đồ thị để đưa ra kết luận.

2.4. Phương pháp Risser

Đặc điểm khác biệt của phương pháp này so với những phương pháp trên là không có tác dụng kiểm tra tuổi xương. Thay vào đó, phương pháp Risser giúp xác định thời điểm chấm dứt phát triển hệ xương, từ đó gián tiếp đánh giá với sự phát triển của cột sống.

Trẻ càng lớn thì nhân cốt hóa phụ cánh chậu sẽ phát triển càng chậm, tương ứng với ngừng phát triển cột sống. Bác sĩ chỉ tiến hành can thiệp chỉnh hình vẹo cột sống khi nào cột sống không còn tăng trưởng thêm nữa.

Phương pháp Risser được chia làm 6 phân độ:

  • Phân độ 0: Chưa thấy nhân cốt hóa ở bờ cánh chậu;
  • Phân độ 1: Thấy được 1/3 nhân cốt hóa;
  • Phân độ 2: Thấy được 1/2 nhân cốt hóa;
  • Phân độ 3: Thấy được toàn bộ nhân cốt hóa;
  • Phân độ 4: Dính 1/2 trong nhân cốt hóa;
  • Phân độ 5: Dính toàn bộ nhân cốt hóa.

Do hình ảnh phim X quang ở phân độ 0 và 5 là giống nhau, bác sĩ sẽ dựa vào độ tuổi của bệnh nhi để xác định. Cụ thể, trẻ em khoảng 5 - 6 tuổi sẽ không nằm trong nhóm phân độ 5, ngược lại thanh thiếu niên 15 - 16 tuổi không thể thuộc phân độ 0.

2.5. Nhân cốt hóa đầu trong xương đòn

  • Đối tượng áp dụng: Trẻ lớn hoặc thiếu niên (15 - 16 tuổi), xương đã phát triển hoàn chỉnh nên khó đánh giá được tuổi xương;
  • Tiến hành: Chụp X quang hoặc chụp CT;
  • Ứng dụng: Pháp y;
  • Phân độ:
Phân độ nhân cốt hóa đầu trong xương đòn
Phân độ nhân cốt hóa đầu trong xương đòn

3. Ứng dụng xác định tuổi xương

Lưu ý tái khám sau cắt đại tràng
Can thiệp chỉnh hình vẹo cột sống là ứng dụng phổ biến của phương pháp X quang tuổi xương

Can thiệp chỉnh hình vẹo cột sống là ứng dụng phổ biến của phương pháp X quang tuổi xương

3.1. Phát triển cơ thể bất thường

Một số chỉ định đánh giá tuổi xương thường gặp là tình trạng rối loạn chuyển hóa, có liên quan đến bất thường trong quá trình phát triển của trẻ. Cụ thể:

  • Thấp người/Lùn:

Trong trường hợp này, chụp X quang tuổi xương sẽ cho biết sự tương quan giữa tuổi xương và tuổi thật. Nếu kết quả cho thấy tuổi xương phát triển chậm hơn so với tuổi thật, bác sĩ sẽ tiến hành tìm ra nguyên nhân trẻ bị lùn, sau đó quyết định phương hướng điều trị vì hệ xương vẫn còn có thể phát triển thêm được. Ngược lại, khi kiểm tra tuổi xương bằng tuổi thật, bé được đánh giá là thấp người khó cải thiện.

  • Rối loạn nội tiết:

Triệu chứng rối loạn nội tiết có liên quan đến kiểm tra tuổi xương bao gồm dậy thì sớm hoặc dậy thì muộn và suy giáp. Đối với trẻ em bị suy giáp thì luôn đi kèm với tình trạng chậm phát triển tuổi xương. Khi điều trị bằng hormon tuyến giáp thay thế, chụp X quang tuổi xương giúp đánh giá mức độ đáp ứng với thuốc, đồng thời theo dõi sao cho đạt được mục tiêu chữa bệnh (tuổi xương bằng tuổi thật).

3.2. Chỉnh hình

Can thiệp chỉnh hình vẹo cột sống là ứng dụng phổ biến của phương pháp X quang tuổi xương. Trẻ em bị vẹo cột sống thường là vô căn, bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn 7 - 8 tuổi và mức độ nặng nhất khi trẻ bước vào độ tuổi dậy thì. Tuy nhiên sau đó vẹo cột sống không còn lan rộng và phát triển thêm nữa, do đó cần kiểm tra tuổi xương để xác định thời điểm thực hiện phẫu thuật chỉnh hình cột sống thích hợp nhất.

Bên cạnh đó, liên quan đến can thiệp chấn thương chỉnh hình, chụp X quang tuổi xương còn được chỉ định trong:

  • Điều trị lệch chi;
  • Khả năng tự chỉnh sau chấn thương;
  • Rối loạn phát triển cột sống.

3.3. Pháp y và một số ứng dụng khác

Lĩnh vực pháp y là một mục tiêu chỉ định X quang tuổi xương khá phổ biến ở Việt Nam. Liên quan đến vấn đề này, kiểm tra tuổi xương giúp xác định tuổi thực của trẻ em hoặc người lớn nếu nghi ngờ khai gian độ tuổi.

Ngoài ra, một số ứng dụng khác của X quang tuổi xương bao gồm:

  • Tiên lượng chiều cao;
  • Bệnh lý thận mạn tính;
  • Béo phì.

Tóm lại, chụp X quang tuổi xương thường được chỉ định trong những tình huống cần kiểm tra tuổi xương để so sánh với tuổi thật. Nhờ vào đó, bác sĩ có thể phát hiện nguyên nhân của một số tình trạng bất thường liên quan đến chiều cao hoặc chứng dậy thì sớm ở trẻ em và thanh thiếu niên. Có nhiều phương pháp đánh giá xác định tuổi xương khác nhau, thích hợp với từng đối tượng và mục tiêu nhất định.

Trong quá trình công tác, các bác sĩ tại Vinmec đã thực hiện thành công nhiều phẫu thuật kỹ thuật cao và luôn đi đầu trong việc triển khai các kỹ thuật mới trong lĩnh vực Chấn Thương Chỉnh Hình tại Hải Phòng như: phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo khớp gối bằng kỹ thuật All inside , phẫu thuật nội soi khớp vai khâu rách chóp xoay, phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng ...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan