10 triệu chứng viêm khớp dạng thấp bạn không nên bỏ qua

Biểu hiện của bệnh viêm khớp dạng thấp thường khá phổ biến và dễ nhận biết, tuy nhiên đôi khi cũng có một vài dấu hiệu của bệnh hoàn toàn khác lạ và có vẻ không liên quan, nhưng lại cảnh báo nguy hiểm. Dưới đây là 10 triệu chứng bạn không bao giờ được bỏ qua.

1. Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu

Nếu bị va chạm vào góc bàn và có vết bầm tím lớn, nguyên nhân có thể là do bạn bị viêm khớp hoặc do thuốc điều trị. Bệnh viêm khớp dạng thấp và lupus khiến số lượng tiểu cầu giảm thấp, dẫn đến bầm tím và chảy máu nướu răng. Thuốc trị viêm khớp - như methotrexate, corticosteroid, thậm chí cả aspirin và thuốc chống viêm không steroid (NSAID), đều có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu trong cơ thể bạn. Nếu nhận thấy mình dễ bị bầm tím hoặc chảy máu, hãy cho bác sĩ chuyên khoa thấp khớp biết càng sớm càng tốt.

2. Khó thở

Một số người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, đặc biệt là nam giới hút thuốc hoặc từng hút thuốc, có nhiều khả năng mắc các vấn đề nghiêm trọng về phổi. Viêm khớp dạng thấp khiến mô sẹo hình thành trong phổi, dẫn đến ho mãn tính, khó thở, mệt mỏi và suy nhược. Bệnh này cũng có thể làm viêm các mô lót phổi, dẫn đến khó thở, đau hoặc khó chịu khi thở.

Khó thở, đặc biệt là khi ho khan hoặc không gắng sức, có thể cảnh báo một vấn đề nghiêm trọng tiềm ẩn trong phổi của bạn, chẳng hạn như có cục máu đông hoặc sẹo. Đối với người đang dùng methotrexate, viêm phổi do thuốc này sẽ gây khó thở kèm theo ho khan và sốt. Đừng nhầm lẫn triệu chứng này với khi gắng sức. Gọi cho bác sĩ để được kiểm tra nếu bạn thường xuyên cảm thấy khó thở.

3. Đau khi đi tiểu

Triệu chứng này nhiều khả năng là dấu hiệu của nhiễm trùng, đặc biệt khi có kèm theo sốt. Nhiễm trùng là một tác dụng phụ phổ biến của thuốc chống thấp khớp và thuốc sinh học ức chế hệ miễn dịch. Đôi khi nhiễm trùng có thể chuyển biến nhanh chóng và trở nên nghiêm trọng. Liên hệ với bác sĩ thấp khớp ngay lập tức nếu bạn thấy đau khi đi tiểu và có các triệu chứng khác của nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bàng quang.

dấu hiệu viêm khớp dạng thấp
Đau khi đi tiểu là một trong các dấu hiệu viêm khớp dạng thấp

4. Gãy xương

Cả viêm khớp dạng thấp và các loại thuốc để điều trị bệnh này (như steroid) đều khiến xương của bạn trở nên yếu hơn. Bạn có nhiều khả năng bị gãy xương nếu té ngã. Tập thể dục - đặc biệt là hoạt động như đi bộ, sẽ phần nào giữ cho xương của bạn chắc khỏe.

5. Thay đổi cân nặng không rõ nguyên nhân

Các loại thuốc như corticosteroid và một số thuốc chống trầm cảm thường có tác dụng phụ là tăng cân. Tuy nhiên tăng cân nhanh chóng hoặc không rõ nguyên nhân có thể cảnh báo một vấn đề y tế, ví dụ như bệnh thận hoặc suy tim sung huyết. Cả hai tình trạng này đều phổ biến với người bị viêm khớp dạng thấp. Tương tự như vậy, giảm cân không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm tiến triển, bệnh tuyến giáp, loét dạ dày liên quan đến NSAID, bệnh celiac hoặc bệnh Crohn. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có thay đổi cân nặng đột ngột.

6. Đau tức ngực

Một số loại đau tức ngực có thể liên quan đến bệnh viêm khớp hoặc thuốc bạn đang dùng. Bisphosphonates điều trị loãng xương gây ợ chua hoặc kích ứng thực quản. Những người bị viêm khớp cũng đối mặt với nguy cơ đau tim cao hơn, và các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể làm tăng nguy cơ này. Cảm thấy nặng hoặc tức ngực, kèm theo cơn đau chạy dọc lưng, cánh tay, hàm hoặc cổ họng, mệt mỏi, khó thở và nhịp tim không đều,... là những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị đau tim và cần gọi cấp cứu ngay lập tức.

dấu hiệu viêm khớp dạng thấp
Dấu hiệu viêm khớp dạng thấp có thể kể đến dấu hiệu đau tức ngực

7. Máu trong phân

Máu trong phân có thể là dấu hiệu của viêm túi thừa (viêm trong ruột kết), ung thư đại trực tràng, bệnh Crohn hoặc xuất huyết tiêu hóa. Chảy máu do sử dụng NSAID thường tạo ra phân màu đen, giống như hắc ín. Tình trạng phân có màu nâu hoặc thấy máu rõ ràng cần được bác sĩ đánh giá càng sớm càng tốt. Nếu chỉ thấy một chút máu trên giấy vệ sinh thì có thể là do bệnh trĩ và bạn không cần phải lo lắng nếu hết thấy máu sau vài ngày.

8. Đau gân Achilles

Đau và sưng phía trên gót chân có thể do tăng cường hoạt động thể chất, chấn thương hoặc đi giày mà không có dụng cụ hỗ trợ gót chân thích hợp. Nhưng nếu kèm theo đau thắt lưng hoặc sưng khớp thì có thể là dấu hiệu của bệnh viêm cột sống dính khớp hoặc viêm khớp vảy nến. Điều quan trọng là phải thông báo cho bác sĩ để được chẩn đoán chính xác trong trường hợp bạn mắc phải những tình trạng này.

9. Nỗi buồn dai dẳng hoặc tuyệt vọng

Cảm giác trầm cảm thường gặp khi bệnh viêm khớp gây ra những cơn đau liên tục và cản trở khả năng sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trầm cảm có thể là tác dụng phụ của quá trình bệnh hoặc do thuốc trị viêm khớp, đặc biệt là corticosteroid. Điều quan trọng là phải thảo luận về chứng trầm cảm với bác sĩ. Nếu bạn đang có ý định tự tử, hãy tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức.

10. Tăng mệt mỏi

Mệt mỏi hơn bình thường có thể là dấu hiệu tiến triển tình trạng viêm, đau cơ xơ hóa, trầm cảm hoặc thiếu máu. Mệt mỏi cũng có thể là dấu hiệu viêm khớp dạng thấp và đôi khi do thuốc điều trị các dạng viêm khớp khác nhau. Nếu một ngày bạn thấy mệt mỏi thì nhiều khả năng cơ thể nói rằng bạn hãy sống chậm lại. Tuy nhiên nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa thấp khớp nếu mệt mỏi thường xuyên, nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn một tuần.

Ngoài 10 triệu chứng kể trên, người bị viêm khớp dạng thấp cũng cần đặc biệt lưu ý nếu khô mắt/ miệng/ mũi/ âm đạo/ da, đỏ và đau mắt, sốt, mất thính lực, tê hoặc ngứa ran, đau dạ dày hoặc khó tiêu,... Đây đều là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm đối với bệnh nhân, đòi hỏi phải được thăm khám chuyên khoa ngay lập tức.

Bệnh viêm khớp dạng thấp triệu chứng rất đa dạng vì ảnh hưởng đến nhiều bộ phận cơ thể. Ngoài cứng khớp, đau nhức và mệt mỏi, một số dấu hiệu viêm khớp dạng thấp kể trên còn cảnh báo các biến chứng nghiêm trọng, khiến bạn gặp nguy hiểm. Thay vì cố gắng chịu đựng và tự tìm cách đối phó, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được đánh giá đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan