Bệnh gout có chữa khỏi được không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Dương Tiến - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Gout là một trong những bệnh lý xương khớp có tỷ lệ mắc ngày càng tăng và trẻ hóa. Bệnh gây ra các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Vì vậy “bệnh gout có chữa khỏi được không?” là câu hỏi mà nhiều người quan tâm.

1. Bệnh gout có chữa khỏi được không? Mục tiêu điều trị bệnh gout là gì?

Gout là bệnh mạn tính nên rất khó để điều trị khỏi, nói các khác, với câu hỏi "bệnh gout có chữa khỏi được không", câu trả lời là không. Tuy nhiên, nếu có phác đồ điều trị hợp lý và tuân thủ nghiêm ngặt, bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát. Bệnh gout tiến triển theo 2 giai đoạn là cấp tính và mạn tính. Với mỗi giai đoạn, mục tiêu điều trị sẽ khác nhau.

  • Gout cấp tính: Ở giai đoạn này, các tinh thể urat sắc nhọn lắng đọng và cọ xát vào niêm mạc khớp gây sưng đau, tấy đỏ. Các đợt gout cấp tính có thể xuất hiện khi người bệnh căng thẳng, uống nhiều bia rượu hay ăn nhiều thực phẩm giàu đạm... Ở giai đoạn cấp tính, có thể dùng thuốc giảm đau, kháng viêm để giảm sưng đau khớp. Tuy nhiên, cơn gout cấp vẫn có thể tái phát nên cần kiểm soát tốt nồng độ acid uric máu.
  • Gout mạn tính: Ở giai đoạn này, hạt Tophi sẽ xuất hiện xung quanh các khớp, thậm chí là trong thận, mô, cơ. Điều trị gout mạn tính cần phải kiểm soát nồng độ acid uric máu trong ngưỡng cho phép (dưới 360μmol/l (60mg/l) nếu chưa xuất hiện hạt Tophi và dưới 320 μmol/l (50mg/l) nếu đã xuất hiện hạt Tophi). Do đó, việc điều trị cần kéo dài và duy trì liên tục.

2. Các cách chữa bệnh gout

Để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh có thể kết hợp các phương pháp dưới đây:

2.1. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng chữa gout

Đây là một trong những phương pháp chữa bệnh gout tại nhà hiệu quả, an toàn. Xây dựng chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt hợp lý có tác động tích cực đến hiệu quả điều trị gout. Người bệnh không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều purin như thịt đỏ, nội tạng động vật, cá, tôm.... không uống rượu bia và các loại đồ uống chứa cồn. Nên bổ sung hoa quả và rau xanh, vẫn có thể ăn trứng và thịt nhưng không quá 150g/ngày. Đồng thời, cần luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, uống nhiều nước (mỗi ngày từ 2 – 2,5 lít tùy nhu cầu mỗi người).

2.2. Sử dụng thuốc chữa gout

  • Thuốc giảm đau, chống viêm:

Colchicin được sử dụng để giảm đau, kháng viêm trong cơn gout cấp, liều khuyến cáo là 1mg/ngày. Thuốc nên được sử dụng càng sớm càng tốt (12 giờ đầu sau khi khởi phát cơn đau). Ngoài ra, có thể phối hợp với thuốc giảm đau kháng viêm không steroid nếu không có chống chỉ định với thuốc này. Trường hợp người bệnh không đáp ứng với 2 thuốc trên thì sẽ được cân nhắc sử dụng corticoid. Tuy nhiên, điều trị bằng corticoid chỉ nên dùng trong thời gian ngắn với liều rất hạn chế.

Allopurinol là nhóm thuốc đầu tiên được bác sĩ chỉ định để giảm acid uric máu, tuy nhiên thuốc có thể gây ra tác dụng phụ như nôn, sốt, đau đầu, hoặc dị ứng gây tổn thương nặng trên da... Do đó, trước khi sử dụng Allopurinol, nên thực hiện xét nghiệm gen để loại trừ nguy cơ bị dị ứng, nếu có gen có thể bị dị ứng khi dùng thuốc, cần để bác sĩ thay thế thuốc khác phù hợp hơn. Nhóm thuốc tăng thải acid uric như Probenecid, Lesinurad,... là lựa chọn thứ hai để giảm acid uric máu. Các thuốc này có khả năng tăng đào thải acid uric qua thận, vì vậy cần thận trọng khi dùng ở người bệnh sỏi thận và áp dụng thêm các biện pháp kiềm hóa nước tiểu.

Các thuốc điều trị gout đều có tác dụng không mong muốn đi kèm, vì vậy người bệnh cần tham vấn cùng bác sĩ nhằm làm rõ các vấn đề sau trước khi điều trị bệnh, bao gồm:

  • Tác dụng không mong muốn của thuốc có thể xảy ra;
  • Bệnh nhân có thuộc nhóm đối tượng chống chỉ định khi sử dụng thuốc;
  • Cách sử dụng thuốc để đạt hiệu quả cao, bao gồm thời gian dùng thuốc và liều dùng.

2.3. Sử dụng thảo dược chữa gout

Hiện nay, kết hợp sử dụng thảo dược trong hỗ trợ điều trị gout là xu hướng được nhiều chuyên gia khuyên dùng. Có thể kể đến một số thảo dược như Trạch tả, Hoàng bá, Nhàu... Các thảo dược này không chỉ được dùng trong bài thuốc chữa gout theo y học cổ truyền mà y học hiện đại cũng đã chứng minh tác dụng giảm đau gout, hạ axit uric máu.

  • Trạch tả đã chứng minh có tác dụng lợi tiểu, giúp đào thải acid uric ra khỏi cơ thể, từ đó ngăn ngừa cơn gout cấp tái phát.
  • Trái nhàu có khả năng ức chế enzyme xanthine oxidase tham gia tổng hợp acid uric máu, từ đó giúp giảm nồng độ acid uric trong máu, ngăn ngừa hình thành và lắng đọng tinh thể urat gây đau khớp.
  • Hoàng bá có khả năng giảm đau và chống viêm mạnh, nhờ đó cải thiện triệu chứng sưng đau khớp, giảm nguy cơ tái phát cơn gout cấp.

3. Phòng ngừa bệnh gout tái phát

Một số phương pháp phòng ngừa gout tái phát:

  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh từ sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.
  • Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý tăng hoặc giảm liều để hạn chế nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ.
  • Luyện tập thể dục hàng ngày; duy trì mức cân nặng phù hợp.
  • Chế độ ăn uống khoa học; hạn chế ăn thịt đỏ, hải sản và nội tạng động vật.
  • Sử dụng các thảo dược như Trạch tả chữa bệnh gout kết hợp với các thảo dược khác (Nhàu, Hoàng bá, Nhọ nồi...) sẽ giúp giảm nồng độ acid uric máu về mức ổn định, cải thiện triệu chứng sưng đau khớp do gout và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm trên khớp, thận.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • thuốc vadol 650
    Công dụng thuốc vadol 650

    Thuốc Vadol 650mg thuộc nhóm thuốc giảm đau hạ sốt, thường được sử dụng để điều trị bệnh gout và các vấn đề về xương khớp. Thuốc Vadol 650 là thuốc chống viêm không chứa steroid. Thuốc có chứa thành ...

    Đọc thêm
  • bệnh gout
    Cấy chỉ điều trị bệnh gout

    Bệnh gout là bệnh phổ biến hiện nay, thường gặp ở nam giới từ 30 tuổi. Bệnh gout gây ra những cơn đau ở khớp, gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Cấy chỉ là một trong những phương ...

    Đọc thêm
  • vocanz 40
    Công dụng thuốc Vocanz 40

    Thuốc Vocanz là thuốc được sử dụng trong điều trị tình trạng tăng acid uric máu ở người mắc bệnh gout. Thuốc giúp hạn chế sản xuất acid uric trong máu. Cùng tìm hiểu về công dụng và lưu ý ...

    Đọc thêm
  • allopsel 300mg
    Công dụng thuốc Allopsel

    Thuốc Allopsel là một loại thuốc thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không Steroid, thuốc có công dụng điều trị gút và một số bệnh xương khớp. Tuy nhiên, để thuốc mang đến hiệu quả cao trong ...

    Đọc thêm
  • Alloflam 100
    Công dụng thuốc Alloflam 100

    Thuốc Alloflam 100 được chỉ định điều trị tăng acid uric trong trường hợp mắc bệnh Gout hoặc sỏi thận. Vậy thuốc Alloflam 100 sử dụng như thế nào? lưu ý khi dùng là gì? Mời bạn đọc tham khảo ...

    Đọc thêm