Bị giãn dây chằng lưng có nên chườm đá?

Giãn dây chằng thắt lưng là một tình trạng xảy ra phổ biến ở mọi độ tuổi, nhưng có tần suất cao hơn ở những người trung niên và cao tuổi. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp giúp giải quyết tình trạng này, trong đó chườm lạnh được xem như là một biện pháp giảm đau cấp tính hiệu quả.

1. Giãn dây chằng thắt lưng là gì ?

Dây chằng nói chung và dây chằng thắt lưng nói riêng được cấu tạo bởi các sợi liên kết dày. Nhiệm vụ chính của dây chằng là kết nối các xương với nhau, đồng thời góp phần ổn định khớp.

Khi cơ thể vận động sai tư thế, vận động quá sức hoặc khi bị chấn thương, các dây chằng vùng thắt lưng bị kéo giãn bất thường và căng cứng quá mức, từ đó gây ra các tổn thương. Giãn dây chằng thắt lưng có thể khiến bệnh nhân cảm thấy rất đau và hạn chế những hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giãn dây chằng thắt lưng, ví dụ như :

  • Việc vận động quá mức hoặc sai tư thế khi vận động.
  • Các chấn thương do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên vùng lưng hoặc thắt lưng.
  • Thực hiện các động tác cúi hoặc ngửa lưng mạnh hoặc liên tục.
  • Dây chằng bị thoái hóa tự nhiên do tuổi tác.
  • Phụ nữ khi mang thai có nguy cơ bị giãn dây chằng thắt lưng.
  • Một số nguyên nhân ít gặp hơn như căng thẳng lo âu, thừa cân, béo phì, bất thường hình dạng cột sống bẩm sinh...

Các biểu hiện của tình trạng giãn dây chằng lưng như:

  • Các cơn đau vùng lưng – thắt lưng với mức độ từ nhẹ đến nặng, có tính chất kéo dài âm ỉ hoặc đau đột ngột, thường xuất hiện khi bệnh nhân cúi người, xoay, khi ho hoặc mang vác vật nặng có dùng nhiều lực tại vùng lưng. Ở mức độ nặng hơn, cơn đau có thể lan rộng xuống vùng mông và thường không gây ra ảnh hưởng đến chi dưới.
  • Các khớp vùng thắt lưng có thể bị sưng viêm, nóng đỏ.
  • Cứng khớp thắt lưng thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi thức dậy làm việc vận động ở vùng lưng trở nên khó khăn.
  • Xuất hiện kèm các cơn đau là cảm giác tê buốt, tăng lên khi thời tiết thay đổi, nhất là khi trời lạnh và ẩm thấp.
  • Cột sống có thể bị lệch làm mất đi đường cong tự nhiên
  • Cảm giác mệt mỏi, đau nhức và khó chịu toàn thân.

2. Giãn dây chằng lưng chườm nóng hay lạnh?

2.1. Giãn dây chằng lưng có nên chườm đá?

Trước khi trả lời câu hỏi “giãn dây chằng lưng có nên chườm đá không ?”, chúng ta phải biết được rằng phương pháp được áp dụng cho tình trạng giãn dây chằng thắt lưng ở mức độ nhẹ và có thể mang lại hiệu quả rõ rệt nếu kèm với các biện pháp chăm sóc đúng cách tại nhà. Vì thế, hiện nay chườm đá là cách giảm đau hiệu quả được nhiều người áp dụng do tính hiệu quả và tiện lợi của nó.

Trong giai đoạn đầu, khi dây chằng thắt lưng bị căng giãn quá mức sẽ kích thích các phản ứng viêm gây phù nề và chèn ép lên các mô xung quanh làm xuất hiện triệu chứng đau và khó chịu. Đồng thời, các tổn thương tại dây chằng còn gây ảnh hưởng lên các mạch máu và thần kinh, khiến lượng máu bầm bị đọng lại và hình thành nên các vùng bầm tím lan rộng.

Do đó, phương pháp sử dụng nhiệt độ thấp bằng cách chườm đá để xử lý tình trạng giãn dây chằng thắt lưng thường được tiến hành trong giai đoạn cấp của bệnh, tốt nhất là trong vòng 24 – 48 giờ kể từ khi bị chấn thương.

Chườm lạnh sẽ mang lại những tác dụng như :

  • Tác dụng co mạch máu, giảm lưu thông máu đến vùng thắt lưng bị tổn thương. Từ đó làm giảm ứ đọng dịch máu ở vùng bị thương và ngăn tình trạng bầm tím lan rộng hơn.
  • Gây tê liệt tạm thời các dây thần kinh ở vùng lưng bị chấn thương, giúp ngăn chặn sự dẫn truyền thông tin về cảm giác đau đến vùng trung ương thần kinh. Do đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu.
  • Giảm sưng viêm và đau nhức nhanh chóng, đồng thời hỗ trợ đưa các dây chằng về vị trí trung lập.

Để việc chườm lạnh có hiệu quả nhất, bệnh nhân không nên dùng đá lạnh áp trực tiếp lên vết thương, mà chỉ nên sử dụng khăn hoặc gel lạnh. Cụ thể như sau:

  • Bước 1: Bọc từ 3 - 4 viên đá lạnh trong túi chườm hoặc có thể sử dụng khăn bông mềm. Bệnh nhân nằm sấp lên giường và dùng gối kê cao vùng ngực – lưng.
  • Bước 2: Người hỗ trợ đặt túi đá lạnh lên vùng lưng hoặc thắt lưng bị giãn dây chằng, xoay nhẹ vòng tròn theo chiều kim đồng hồ trong khoảng từ 15 - 20 phút.
  • Bước 3: 4 - 5 tiếng sau, bệnh nhân nên chườm lạnh lại và áp dụng liên tục phương pháp này cho đến khi các cơn đau thuyên giảm.

2.2. Giãn dây chằng lưng có nên chườm nóng?

Ngược lại với chườm lạnh, chườm nóng chỉ nên áp dụng sau chấn thương 48 – 36 giờ bởi vì vùng tổn thương khi tiếp xúc với nhiệt độ cao có thể khiến dây chằng lưng giãn nhiều hơn và khó có thể trở lại vị trí ban đầu. Đồng thời, chườm nóng quá sớm có thể làm tăng mức độ tụ máu, sưng viêm và làm tăng cảm giác đau nhức trong giai đoạn cấp.

Về mặt bản chất, cũng giống chườm lạnh thì chườm nóng cũng là phương pháp giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên, cơ chế và cách thức hoạt động của hai biện pháp này là hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, chườm nóng sẽ có những tác dụng như :

  • Giãn hệ thống mạch máu, từ đó tăng lượng máu đi đến các vùng lưng bị tổn thương. Điều này giúp thúc đẩy quá trình chữa lành mô bị thương, giảm cảm giác đau và tê buốt.
  • Giãn gân khớp, từ đó cải thiện tình trạng co cứng hay co thắt của khớp.

Bệnh nhân có thể chườm nóng bằng cách dùng túi chườm nóng hoặc khăn ấm. Thực hiện đúng theo các bước sau:

  • Bước 1: Đổ nước ấm với nhiệt độ từ 40 - 70 độ C vào túi chườm, hoặc ngâm khăn với nước ấm ở nhiệt độ tương tự.
  • Bước 2: Người hỗ trợ hoặc chính bệnh nhân đặt túi chườm hoặc khăn ấm lên vùng lưng bị tổn thương và giữ nguyên trong khoảng 15 phút.
  • Bước 3: Khi các cơn đau giảm đi, nhấc túi chườm ra và xoa bóp nhẹ nhàng vùng lưng. Bệnh nhân thực hiện liên tục phương pháp này từ 2 - 3 lần mỗi ngày sẽ thấy cơn đau thuyên giảm rõ rệt.

Tóm lại, giãn dây chằng lưng chườm nóng hay lạnh đúng thời điểm và đúng cách đều có thể mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng không nên lạm dụng quá nhiều các phương pháp này để tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bệnh nhân áp dụng phương pháp được an toàn hơn :

  • Mỗi lần chườm không nên quá 20 phút, khoảng cách giữa các lần chườm không được quá 2 tiếng.
  • Không chườm đá quá lạnh hoặc nước nóng ở nhiệt độ cao vào vùng thắt lưng bị tổn thương.
  • Không nên chườm tại vùng có vết thương hở để tránh gây nhiễm trùng.
  • Bên cạnh việc chườm, bệnh nhân cũng nên áp dụng đồng thời các phương pháp điều trị khác để đạt hiệu quả tối đa.
  • Nếu cơn đau không giảm đi sau khi chườm, bệnh nhân nên gặp bác sĩ sớm nhất có thể để được xử trí kịp thời.

3. Các phương pháp điều trị khác

  • Nghỉ ngơi tuyệt đối: Khi bị giãn dây chằng thắt lưng, bệnh nhân nên được nghỉ ngơi tuyệt đối. Người bệnh nên nằm ngửa và thẳng, đầu, vai, mông, gót chân chạm mặt giường, đồng thời thả lỏng cơ thể. Khi các cơn đau thuyên giảm và tình trạng ổn định hơn, bệnh nhân có thể vận động nhẹ nhàng trở lại.
  • Sử dụng thuốc được kê đơn: Các thuốc được sử dụng phổ biến như thuốc giảm đau và kháng viêm không Steroid - NSAIDs cho thấy độ hiệu quả trong trường hợp giãn dây chằng lưng. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được thăm khám và kê đơn bởi bác sĩ, tránh tự ý mua thuốc về sử dụng và phòng ngừa các tác dụng phụ không mong muốn.
  • Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như mang áo, mang đai vùng thắt lưng giúp ổn định được cột sống khi hoạt động. Các biện pháp khác như điều trị xung điện, châm cứu, kéo dãn cột sống, chiếu đèn hồng ngoại... cũng mang lại những hiệu quả tốt.
  • Duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
  • Vật lý trị liệu: Các phương pháp này hiện nay khá phổ biến, nhưng để có được tính an toàn và hiệu quả trong điều trị, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế có trang thiết bị đầy đủ và đội ngũ y tế của chuyên môn. Việc tập vật lý trị liệu không nhưng không mang lại hiệu quả mà còn làm tình trạng giãn dây chằng lưng trở nên trầm trọng hơn.
  • Điều trị phẫu thuật được chỉ định khi các biện pháp trên không có tác dụng hoặc tình trạng giãn dây chằng thắt lưng trở nên trầm trọng hơn và ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân.

Nhìn chung, chườm lạnh là một phương pháp điều trị tình trạng giãn dây chằng lưng hiệu quả trong giai đoạn cấp. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên lạm dụng quá nhiều mà nên kết hợp điều trị với những phương pháp khác để đạt được hiệu quả tốt nhất. Khi việc áp dụng các phương pháp tại nhà không hiệu quả, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế, để được kiểm tra và đưa ra những biện pháp điều trị hợp lý hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan